Học ở Bác từ những điều bình dị

Bài và ảnh: NGUYỄN THỊ ANH ÐÀO

Thứ Tư, 25/05/2011 18:54
Tìm gặp ông Nguyễn Thành Long không khó, vì ở khu vực phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng) hầu như ai cũng biết ông. Với quan điểm đơn giản, làm việc gì tốt, hãy cứ làm, nhiều năm qua ông Long đã hoàn thành xuất sắc những công việc đảm nhận.

Nói về Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", ông bày tỏ: "Thật khó có thể diễn đạt hết ý nghĩa của Cuộc vận động này, nhưng với tôi, tôi đã học ở Bác Hồ những điều bình dị nhất".

Ðiều bình dị đã được ông minh chứng bằng rất nhiều công việc ông đã và đang làm. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hòa Minh, Chi hội trưởng Người cao tuổi tổ 1-4 Trung Nghĩa, Chủ tịch Hội từ thiện phường Hòa Minh. Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng với ông, thời gian ở nhà ít hơn thời gian ông đi cơ sở, tìm đến những địa chỉ, những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Ông nói, hạnh phúc thật sự chính là khi làm được điều gì đó giúp ích cho đời, dù là nhỏ nhất. Ngôi nhà nhỏ ở tổ 8A, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu của ông đã trở thành trụ sở, nơi sinh hoạt, khám, chữa bệnh cho các hội viên. Nhà ông mở cửa thường xuyên để hội viên đến đọc sách báo, chơi cờ tướng, tập thể dục dưỡng sinh, rèn luyện sức khỏe. Hàng trăm bằng khen, giấy khen, hàng nghìn bức ảnh hoạt động trong hơn 15 năm qua giờ không còn chỗ để treo.

Chi hội Người cao tuổi tổ 1-4 Trung Nghĩa hiện nay là một trong những chi hội đi đầu trong hoạt động và gây quỹ giúp đỡ các hội viên của quận Liên Chiểu. Từ mức quỹ 50 nghìn đồng/năm, giờ có hội viên đã tự nguyện đóng tới một triệu đồng. Tìm hiểu về hoạt động gây quỹ giúp nhau làm kinh tế của Chi hội Người cao tuổi tổ 1-4, chúng tôi được biết, hiện nay số tiền quỹ hội đã có hơn 42 triệu đồng, trong đó, Chi hội đã lập sổ tiết kiệm gửi ngân hàng 32 triệu đồng, số tiền còn lại dành để giúp vốn cho con của hội viên vay để ổn định kinh tế gia đình.

Số tiền lãi ngân hàng được chi hội sử dụng vào việc thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ đối với hội viên. Chi hội sẽ hoàn trả số tiền quỹ đã nộp nếu hội viên chuyển đi nơi khác. Ðối với hội viên quá cố, Chi hội hỗ trợ 2 triệu đồng. Cho chúng tôi xem sổ sách ghi chép tiền quỹ và theo dõi công việc của Chi hội, ông Long giải thích thêm: 'Chi hội hiện nay có 127 hội viên, nguồn quỹ có được như hôm nay chính nhờ vào sự ủng hộ của hội viên, với tôi, một đồng của tập thể cũng phải ghi chép đầy đủ, báo cáo rõ ràng, chính vì vậy, các hội viên trong chi hội rất ủng hộ. Vì thế chi hội trở thành ngôi nhà chung, là nơi các cụ cùng sẻ chia những nguyện vọng, cùng trao đổi, truyền dạy cho con cháu đạo đức lối sống, hiếu thảo ở đời'.

Chọn cho mình phương châm hành động 'Mình vì mọi người', ông tự bỏ tiền túi hơn 20 triệu đồng mua máy đo huyết áp, máy massage làm giảm cơn đau nhức, máy chữa bệnh bằng I-on, máy bó thuốc trực tiếp vào cơ, bắp đau nhức, máy tập đa năng phục hồi sức khỏe để thành lập một 'phòng khám' miễn phí tại nhà, phục vụ các hội viên. Hằng tuần, từ thứ hai đến thứ bảy, các hội viên và nhiều người dân địa phương lại thay phiên nhau đến chữa bệnh tại đây. Ngoài ra ông đã vận động thành lập Câu lạc bộ dưỡng sinh với 36 hội viên và tổ chức cho hội viên nhiều lần đi tham quan các di tích lịch sử ở Quảng Nam, Huế, Quảng Trị...

Những nỗ lực cố gắng của ông nhằm tạo cho các hội viên 'Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội'. Ðịnh kỳ hằng tháng, chi hội sinh hoạt một lần, cùng trao đổi các vấn đề về Pháp lệnh người cao tuổi; nội dung của Cuộc vận động 'Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'; cùng nhau thực hiện các phong trào như: Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo, Vợ chồng đồng thuận, tộc họ có trách nhiệm với con cháu...

Câu khẩu hiệu mà ông Long và Chi hội thống nhất lấy làm phương châm hành động rất có ý nghĩa: Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ðể các buổi sinh hoạt trở nên gần gũi, gắn kết và mang lại hiệu quả, ông Long đã lồng ghép sinh hoạt của chi hội với việc tuyên truyền các nội dung về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông sưu tầm những lời dạy của Bác Hồ về đạo đức, lối sống và làm tài liệu cho hội viên tham khảo.

15 năm hoạt động trong Hội Người cao tuổi, mới đây ông lại được giao thêm nhiệm vụ Chủ tịch Hội từ thiện của phường Hòa Minh. Nhận nhiệm vụ mới hơn nửa năm nay, ông đã vận động, quyên góp được 40 triệu đồng để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học của phường. Ông tổ chức và duy trì Nồi cháo tình thương đặt tại Bệnh viện tâm thần Ðà Nẵng, Bệnh viện đa khoa Liên Chiểu, Trung tâm chăm sóc, điều dưỡng người tâm thần đặc biệt ở Ðà Sơn. Thời gian còn lại, ông đi cơ sở, tìm đến tận nhà các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, rồi những gia đình có con bị nhiễm chất độc da cam/đioxin. Bất cứ đọc báo, nghe đài, hễ có thông tin về trẻ em bị bệnh hiểm nghèo của địa phương là ông lại tìm đến. Ông nói mình tự nguyện làm và chỉ mong trời cho mình mãi khỏe mạnh để còn sức, còn đi, còn cống hiến.

Ðến thăm ông đúng những ngày cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được ông chia sẻ về những việc đã và đang làm, tôi càng quý hơn một tấm lòng bình dị giữa đời thường. Ngoài những việc giúp người, giúp đời, ông còn đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đây là việc làm đầy ý nghĩa và là tâm nguyện cuối đời của ông. Tấm gương của ông thể hiện được vai trò của Người cao tuổi không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tấm gương của Bác Hồ từ những việc làm bình dị.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.