Học và làm theo chữ "Kiệm" ở Tân Thuận

Bài và ảnh: DƯƠNG HỒNG LÂM

Thứ Năm, 23/10/2008 02:27
Kiểm tra Quỹ tiết kiệm tại một buổi sinh hoạtHội Phụ nữ ở tổ 6, thôn Hiệp Nhơn, xã TânThuận (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).
Kiểm tra Quỹ tiết kiệm tại một buổi sinh hoạtHội Phụ nữ ở tổ 6, thôn Hiệp Nhơn, xã TânThuận (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Ðược đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thuận giới thiệu, chúng tôi có dịp dự một buổi sinh hoạt Hội Phụ nữ của chị em tổ 6, thôn Hiệp Nhơn. Chúng tôi thầm nghĩ: Việc chị em tranh thủ sinh hoạt Hội như thế này, đã là một cách tiết kiệm về thời gian rồi.

"Tiết mục" được chờ đợi nhất là "mổ heo đất", vì đợt này, một số chị em đang cần vốn. Sau khi tuyên bố lý do, Tổ trưởng Nguyễn Thị Thu Ðông, cũng là chị cả của tổ (đã 70 tuổi), đánh "cạch" chú heo đất xuống nền nhà, tiếng cười vui của cả tổ rộn vang. Các chị chung tay vuốt phẳng phiu từng tờ giấy bạc, mà chúng tôi tin chắc, đã từng thấm đẫm mồ hôi của các chị. Tổng cộng được hơn tám triệu đồng, là tiền tiết kiệm của cả tổ trong sáu tháng qua. Cả tổ nhanh chóng thống nhất phương án xử lý số tiền và công khai bình xét cho bốn chị khó khăn nhất mượn (2 triệu đồng/chị), còn 100.000 đồng dành lại "nuôi" heo đất mới.

Trong số này, tôi để ý đến một thiếu nữ còn khá trẻ, nhưng khuôn mặt đượm buồn, len lén đưa tay lau khô dòng nước mắt. Chị Chủ tịch Hội Phụ nữ xã ghé tai chúng tôi, nói nhỏ: "Ðó là Lâm Thị Ngọc, mới 25 tuổi, chồng vừa mất vì tai nạn sông nước, hai con còn nhỏ...". 

Với hoàn cảnh của Ngọc, hai triệu đồng thật sự là một khoản tiền lớn và nếu không có chị em giúp đỡ, Ngọc cũng khó mà vay mượn được để trang trải. Mà đâu phải chị em nào ở tổ 6 cũng có của dư, của để. Số đông chị em ở đây đều làm thuê, làm mướn, dầm mưa dãi nắng cả ngày cũng chỉ được tiền công 40.000 đồng. Quý nhau chỗ cái tình và theo các chị, noi theo tấm gương sáng của Bác Hồ, chính là làm theo những điều giản dị mà thiết thực như thế...

Tổ 6 cũng như các tổ khác, được Hội Phụ nữ xã Tân Thuận tổ chức thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Trong các nội dung "làm theo", các chị chọn chữ "Kiệm" của Bác, vì phù hợp và cần thiết hơn cả và các chị chọn hình thức "bỏ ống", nói vui là "nuôi heo đất" để thực hiện.

Tổ phó Lâm Thị Thúy Loan giải thích thêm: "Hằng tháng, tổ sinh hoạt Hội một lần và chị nào dành dụm tiết kiệm chi tiêu được bao nhiêu, thì bỏ ống bấy nhiêu. Có sổ sách ghi chép cẩn thận số tiền của từng chị. Cuối năm, tổ sẽ "mổ" heo đất, tiền của hội viên nào hội viên đó sẽ được nhận lại nguyên vẹn để sắm Tết. Người nào khó khăn đột xuất, tổ sẽ quyết định xuất số tiền tiết kiệm này cho mượn ba tháng, không tính lãi".

Nhiều chị ở tổ 6 đã dứt khoát không chi tiêu những khoản chưa cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày, dành số tiền đó bỏ ống chung với tổ, Tết đến có số tiền kha khá, mua cho con bộ quần áo mới, sắm sửa thêm đồ dùng cho gia đình. Không riêng tổ 6, đã có 16 trong số 30 tổ phụ nữ của toàn xã Tân Thuận thực hiện cách tiết kiệm như thế. Hơn một năm qua, các tổ này đã tiết kiệm gần 30 triệu đồng. Số tiền này đã giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn.

Nhiều năm nay, các tổ phụ nữ ở Tân Thuận đã xây dựng quỹ giúp nhau bằng cách mỗi chị góp từ hai nghìn đồng đến năm nghìn đồng/tháng, cũng được gần 100 triệu đồng, giúp cho nhiều chị khó khăn, hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, bán lúa non ở nông thôn.

Chị Ðặng Thị Y Ngà, ở tổ 6, thôn Hiệp Nhơn, tâm sự: "Năm ngoái tôi bị bệnh nặng, nếu không nhờ chị em trong tổ cho mượn 10 triệu đồng đi mổ, tôi không biết lấy đâu ra tiền để chữa bệnh".

Ðồng tiền tiết kiệm cũng đã giúp các chị luân phiên nhau có khoản tiền kha khá mua sắm nhiều vật dụng thiết yếu cho gia đình, từ bình nước lọc đến nồi cơm điện; từ chiếc bếp ga đến tủ, bàn, ghế...

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Thuận Nguyễn Thị Hồng, cho biết thêm: Toàn xã hiện còn 27 tổ góp vốn may áo dài đồng phục và có một tổ gồm 35 chị góp vốn mua sắm nữ trang để... làm đẹp. Ðây cũng là một trong những yếu tố giúp chị em gắn bó với Hội, tham gia sinh hoạt Hội đều đặn. Do vậy, từ 250 hội viên tám năm trước, đến nay, Hội Phụ nữ xã Tân Thuận đã phát triển được gần 2.000 hội viên.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chắc chắn sẽ có sự lan tỏa sâu rộng bằng những cách thực hiện thật thiết thực như ở Hội Phụ nữ Tân Thuận.

 

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.