Huyện Bạch Thông khơi dậy sức dân xây dựng nông thôn mới

Bài và ảnh: TUẤN SƠN

Thứ Ba, 13/04/2021 01:55
Bạch Thông là huyện đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn. Đây cũng là huyện đầu tiên ở Bắc Kạn có xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có được kết quả ấy, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước phải kể tới sự đóng góp, chung tay của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Người dân thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) thu hoạch chè.
Người dân thôn Phiêng An, xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) thu hoạch chè.

Quang Thuận là một trong những xã đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đạt chuẩn nông thôn mới. Đầu năm 2021, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã lại phấn khởi đón niềm vui mới khi xã chính thức được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiếp tục là một trong những xã đi đầu cả tỉnh.

Trong tiết trời se lạnh cuối tháng 3, đến thôn Phiêng An có thể thấy, nằm dọc sông Cầu là bát ngát những đồi chè, vườn ổi, táo của người dân. Hai bên trục đường chính của thôn là những gốc hoa hồng, hoa cúc đua nhau nở rộ. Diện mạo Phiêng An có sự thay đổi rõ rệt, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hộ: Đặng Tiến Liều, Bàn Hữu Thanh, Hoàng Nguyên Hữu... Từ năm 2016 đến nay thôn không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ở Phiêng An, các hủ tục lạc hậu đã được loại bỏ mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Hằng năm, 100% các hộ dân trong thôn đều đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; nhiều hộ giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” từ 17 đến 18 năm liên tục. 

Chung sức xây dựng nông thôn mới, thôn đã vận động nhân dân đóng góp hơn 400 ngày công lao động, mỗi hộ 5,3 triệu đồng làm đường nội thôn, 55 triệu đồng sửa chữa cầu treo, hơn 45 triệu đồng để xây nhà và lò sao chè, dụng cụ phục vụ chế biến sản xuất chè của thôn... Được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn tiếp tục đóng góp hơn 180 ngày công, gần 200 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa với diện tích gần 100 m2, sân chơi thể thao 200 m2. Đến nay, Phiêng An đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao.

Từ năm 2021, Phiêng An được tỉnh Bắc Kạn lựa chọn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch. Giai đoạn 2021-2025, Bắc Kạn sẽ đầu tư hơn sáu tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng cho thôn Phiêng An; đào tạo nguồn nhân lực du lịch, tổ chức liên kết với điểm du lịch nông thôn cho các công ty, đơn vị lữ hành. 

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Lộc Hữu Nhất cho biết, do đặc thù của xã miền núi cho nên việc huy động đóng góp của nhân dân có nhiều khó khăn. Do đó, chính quyền xã luôn chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nhân dân thực hiện phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm phù hợp điều kiện, hoàn cảnh. Nhờ đóng góp của nhân dân, đến nay, hơn 90% số tuyến đường liên thôn trong xã đã được bê-tông hóa. Nhiều hộ dân hiến đất, góp công, góp tiền xây dựng thiết chế văn hóa, giúp xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 

Để khơi dậy sức dân, Quang Thuận xác định công tác tuyên truyền có tính quyết định. Ban chỉ đạo xã và UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm giúp cán bộ, nhân dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, chương trình đã tạo sức lan tỏa đến tận thôn, hộ, được người dân đồng tình hưởng ứng.

Từ khi bắt tay xây dựng nông thôn mới đến nay, nhân dân trên địa bàn xã đã đóng góp được hơn 2,5 tỷ đồng và hơn 8.000 ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng. Riêng giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao từ 2018 đến nay, nhân dân trong xã tiếp tục đóng góp gần một tỷ đồng. 

Dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới được huyện Bạch Thông xác định là giải pháp chủ chốt để huy động sức dân phù hợp, hiệu quả. Các mô hình dân vận khéo từ huyện xuống đến tận thôn, bản khi xây dựng đều xác định từng việc làm cụ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Tại thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong, năm 2018, Chi bộ thôn đã xác định hai mô hình dân vận khéo, gồm: bê-tông hóa đường nội thôn và xây dựng nhà họp thôn. Đây là hai công trình có mức đầu tư lớn so với “sức” của chính quyền, do vậy, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, Chi bộ thôn đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân cùng đóng góp. Nhờ đó, đối với công trình đường nội thôn dài 400 m, nhân dân đã đóng góp được hơn 43 triệu đồng và 95 ngày công lao động. Công trình xây dựng nhà họp thôn nhân dân đóng góp 100 triệu đồng và 208 ngày công lao động.

Thông qua đóng góp sức người, sức của, người dân nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới, tinh thần đoàn kết, gắn bó. Từ tiền đề này, vẫn theo cách dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2019 đến 2020, nhân dân thôn Bản Chiêng tiếp tục đóng góp gần 430 triệu đồng, hiến 3.500 m2 đất và hàng trăm ngày công lao động để bê-tông hóa đường nội thôn, xây kênh, mương cánh đồng Nà Quang. 

Khơi sức dân còn được Bạch Thông triển khai thông qua các mô hình nhỏ nhưng hiệu quả, thiết thực, không tốn kém chi phí. Từ năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo triển khai mô hình xây dựng đường hoa (trồng, chăm sóc hoa) ở các thôn, bản. Chị em phụ nữ trong thôn chung tay dọn dẹp vệ sinh và trồng các loại hoa như hoa mười giờ, hoa cúc… Những đường thôn vốn trước đây không được dọn dẹp thì nay tươi mầu sắc hoa, tạo cảnh sắc cho thôn, bản. Từ một vài tuyến ban đầu, đến nay, toàn huyện Bạch Thông đã có 10 trong số 17 xã, thị trấn xây dựng mô hình với tổng số khoảng 50 tuyến đường hoa. 

Thực hiện có bài bản, hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giai đoạn 2016-2020, Huyện ủy Bạch Thông ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện phong trào Dân vận khéo gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện đã có 341 tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới. Các công việc huy động sức dân đều cụ thể, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh  của từng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bạch Thông cho biết, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời đưa ra mục tiêu, tiêu chí cụ thể, như: kiên cố hóa kênh mương, đường nội thôn, liên thôn; xây dựng các thiết chế văn hóa… Nhờ đó, đã huy động được sự vào cuộc, chung tay của nhân dân.

Thời gian tới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục ban hành nghị quyết chuyên đề về thực hiện xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức để nhân dân coi việc xây dựng nông thôn mới là việc của chính mình. 

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.