Khánh Hòa nhân rộng các mô hình học tập, làm theo Bác

Bài và ảnh: PHONG NGUYÊN

Thứ Ba, 04/12/2018 03:39
Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị hằng năm lựa chọn những vấn đề quan trọng, những vấn đề nổi cộm, bức xúc được cán bộ, đảng viên, người dân đặc biệt quan tâm để tập trung tổ chức xử lý, giải quyết có kết quả; đồng thời, tăng cường xây dựng và nhân rộng, tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng và xã hội.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang Nguyễn Chánh Thức (bên phải) hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang Nguyễn Chánh Thức (bên phải) hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, hai năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đổi mới phương pháp làm việc với phương châm "Tỉnh sát xã, huyện sát thôn, xã sát từng hộ dân"; phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh để nắm bắt tình hình địa phương, trực tiếp chỉ đạo, giải quyết khó khăn, bức xúc ở cơ sở. Các cấp ủy quán triệt, thực hiện với phương châm "trên trước, dưới sau", "trong trước, ngoài sau", nhiều địa phương đã đề cao trách nhiệm nêu gương, nhất là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu để cấp dưới và đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân làm theo.

Do công tác tổ chức bài bản, chặt chẽ, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Tại một số địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm thiết thực. Công an TP Nha Trang triển khai mô hình "Hộ khẩu đến với gia đình chính sách, người già, yếu, neo đơn, các địa bàn vùng xa trung tâm thành phố". Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Nha Trang tổ chức trao phương tiện sinh kế cho 41 hội viên với tổng trị giá hơn 70 triệu đồng. Trạm Y tế thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) thực hiện "tích cực rèn luyện y đức, tinh luyện y thuật". TP Cam Ranh xây dựng mô hình ba tốt "Tốt trong giải quyết hồ sơ một cửa; tốt trong thực hiện quy chế dân chủ, phong trào xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và an toàn; tốt trong nhiệm vụ được giao". Công an tỉnh thành lập trang mạng xã hội "Cảnh sát hình sự" nhằm huy động sức mạnh toàn dân phòng, chống tội phạm. Những mô hình, cách làm này được nhân dân đánh giá rất cao.

Nhiều trường học tổ chức lồng ghép kể chuyện về Bác trong các buổi chào cờ đầu tuần. Năm học 2017-2018, ngành giáo dục Khánh Hòa tổ chức Hội thi kể chuyện Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống. Hội thi thu hút sự tham gia của 41 đơn vị với 67 thí sinh. Trong nội dung chào cờ sáng thứ hai đầu tuần, đầu tháng, một số đơn vị, địa phương tổ chức lồng ghép kể những mẩu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác; kết hợp đánh giá kết quả học tập, làm theo Bác, biểu dương gương điển hình tiên tiến; đồng thời nhắc nhở, phê bình tập thể, cá nhân làm chưa tốt trong việc học tập, làm theo Bác. Ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, việc tuyên truyền được thực hiện bằng hai thứ tiếng Kinh và Raglay trên hệ thống đài truyền thanh huyện và cơ sở. Nhiều báo cáo viên của huyện sử dụng thành thạo hai thứ tiếng khi tuyên truyền tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ðồng chí Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ ra điểm nhấn của việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công tác cải cách hành chính và giải quyết những vấn đề bức xúc, tồn tại trong thời gian dài. Các nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương nên thực hiện bảo đảm tiến độ và đạt hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên yêu cầu các sở, ngành rà soát những tiêu chí còn yếu và có phương án khắc phục những hạn chế, tồn tại về giải quyết hồ sơ trễ hạn; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất. Nhờ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Khánh Hòa tăng từ vị trí 27 năm 2015 lên 23 trên 63 tỉnh, thành phố năm 2017. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa kiên quyết thay thế người đứng đầu, điều chuyển công tác đối với lãnh đạo các sở, ngành có ba năm liên tục xếp loại trung bình về cải cách hành chính. Năm 2017 đã thực hiện thay thế, điều chuyển lãnh đạo hai Sở Ngoại vụ và Ban Dân tộc tỉnh.

Trong các hội nghị giao ban định kỳ, giao ban tuần, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề mà nhân dân, báo chí phản ánh. Trong đó có công tác bồi thường, tái định cư tại dự án Hầm đường bộ Ðèo Cả, huyện Vạn Ninh; vấn đề xử lý rác thải, chất thải tại Nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại và bãi rác Hòn Rọ, huyện Ninh Hòa; vấn đề chặt phá rừng trái phép tại hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn; vấn đề khai thác cát trái phép tại TP Nha Trang, các huyện Diên Khánh, Ninh Hòa...

Các địa phương trong tỉnh ngày càng chủ động hơn trong công tác giải quyết những vấn đề người dân bức xúc. Huyện Cam Lâm tăng cường gặp mặt, đối thoại; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, tái định cư cho người dân khi thực hiện các công trình, dự án tại khu vực bắc bán đảo Cam Ranh, nhất là đối với những vụ việc có đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài. Bí thư Huyện ủy Lương Dự cho biết, để giải quyết được những vụ việc phức tạp trên, phải nghiên cứu thật kỹ chế độ chính sách, tâm tư nguyện vọng của người dân để có hướng, có phương pháp xử lý hợp lý, hợp tình. Bên cạnh đó, phải nắm thật sát, thật chắc từng hộ dân.

Trong phát triển kinh tế, có những cán bộ, đảng viên gương mẫu đi trước, làm trước như trường hợp đồng chí Nguyễn Xuân Long, Phó Chủ tịch HÐND xã Khánh Ðông, huyện Khánh Vĩnh. Ðồng chí chia sẻ, học tập Bác trong vai trò là người lãnh đạo đã khó, học Bác theo cách "dám nghĩ, dám nói, dám làm" trong phát triển kinh tế lại càng khó hơn. Gia đình đồng chí Long mạnh dạn trồng 2 ha bưởi da xanh, sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 600 triệu đồng. Ðồng chí đã kêu gọi 10 hộ hội viên nông dân cùng tham gia với tổng diện tích 5,5 ha. Ðến nay, xã Khánh Ðông có hơn 30 hộ dân chuyển đổi diện tích từ cây trồng ngắn ngày sang cây bưởi da xanh. Ðồng chí Long vận động thành lập ba tổ liên kết sản xuất, giúp hỗ trợ kỹ thuật; góp vốn; tìm đầu ra cho sản phẩm; xây dựng thương hiệu nông sản sạch của địa phương theo tiêu chuẩn VietGAP.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.