Khi cán bộ cơ sở nói đi đôi với làm

Bài và ảnh: KHÁNH TOÀN

Thứ Ba, 11/06/2019 14:16
Cán bộ, đảng viên nhận đỡ đầu hộ nghèo đã trở thành phong trào thường xuyên ở huyện vùng cao Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Mỗi năm có hàng nghìn hộ nghèo nhận được sự giúp đỡ thiết thực như giúp ngày công lao động, hỗ trợ giống gia súc, cây trồng và được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật để làm kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Mô hình trồng su su tại thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang.
Mô hình trồng su su tại thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang.

Thực hiện Chỉ thị số 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về “Nói đi đôi với làm”, Huyện ủy Hoàng Su Phì đã chỉ đạo các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các ngành, địa phương, tập trung xây dựng chương trình hành động gắn với những việc làm cụ thể. Quá trình thực hiện, không những đã tạo sự chuyển biến rõ nét về tác phong công tác sâu sát, quyết liệt hơn, mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm của các đồng chí phụ trách xã khó khăn trong việc xóa đói, giảm nghèo.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Duy Thập cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy có 12 đồng chí, mỗi người được phân công phụ trách ít nhất hai xã, với 10 đến 20 thôn, bản. Với trách nhiệm nêu gương, nói đi đôi với làm, các đồng chí được phân công đã tích cực về cơ sở nắm bắt tình hình, từ đó có những chỉ đạo cụ thể giúp các hộ nghèo vươn lên. Cụ thể như: Giới thiệu việc làm cho người nghèo; hỗ trợ tiền cho các hộ mua cây giống, con giống; tham mưu, giúp đỡ kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh tế. Bình quân mỗi hộ nghèo được hỗ trợ khoảng 20 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Vương Thị Chính, thôn Quang Tiến, thị trấn Vinh Quang, có hơn 2.000 m2 ruộng bậc thang; là đất lúa một vụ, lại hoàn toàn phụ thuộc vào “nước trời” cho nên năm được mùa, năm lại mất. Chị Chính và nhiều hộ dân trong thôn muốn chuyển từ trồng lúa sang trồng rau, nhưng còn e ngại chưa làm do thiếu vốn đầu tư. Ðồng chí Trần Quốc Huy, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy phụ trách địa bàn thị trấn Vinh Quang nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng này của người dân, cho nên đã bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện giải pháp là đầu tư, hỗ trợ một gia đình làm điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, để các hộ khác học tập, làm theo. Ðồng chí chia sẻ: Phải bám sát cơ sở mới hiểu thấu mong muốn, nguyện vọng của người dân, từ đó giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn vươn lên thoát nghèo.

Nói là làm, giữa năm 2018, đồng chí Trần Quốc Huy cùng cán bộ thị trấn, cán bộ khuyến nông đến vận động gia đình chị Vương Thị Chính chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau xanh; đồng thời hỗ trợ tiền để gia đình mua giống, cải tạo ruộng bậc thang. Ðến nay, gần 2.000 m2 ruộng của gia đình chị đã phủ xanh nhiều loại rau, trong đó chủ yếu là cây su su. Chị Chính cho biết: “Nhờ vườn rau này, gia đình tôi có nguồn thu đều. Lợi nhuận từ trồng rau cao gấp ba đến bốn lần so với trồng lúa một vụ. Từ ngày gia đình tôi chuyển sang trồng rau, nhiều hộ trong thôn đã đến học hỏi kinh nghiệm, năm tới chắc sẽ có nhiều nhà chuyển đổi cây trồng”.

Xã Tân Tiến có hơn 800 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất sản xuất ít, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ðảng ủy xã đã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành Ðảng bộ xã và từng đảng viên ở các chi bộ đỡ đầu hộ nghèo. Chủ tịch UBND xã Hoàng Bình Rơi được cán bộ, đảng viên trong xã ghi nhận là một tấm gương về hoạt động này. Những năm qua, đồng chí giúp đỡ được bảy gia đình phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó hỗ trợ tiền cho một hộ gia đình mua giống trâu về nuôi. Ðồng chí thường xuyên tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thăm hỏi, động viên các thành viên cố gắng vươn lên cải thiện đời sống. Bí thư Ðảng ủy xã Lê Công Chương cho biết: “Khi được phân công, các đồng chí cán bộ, đảng viên trong toàn Ðảng bộ đều ý thức được nhiệm vụ của mình, chủ động xây dựng kế hoạch đỡ đầu hộ nghèo bằng những cách thức phù hợp. Những đảng viên là người dân ở các thôn phải nỗ lực phát triển kinh tế gia đình để vừa làm gương và vừa có thế mạnh giúp các hộ nghèo làm kinh tế, xóa nhà tạm”.

Từ năm 2016, xã Tân Tiến phát động phong trào gây Quỹ “Hũ gạo tình thương”, huy động cán bộ, đảng viên trong xã đóng góp, đến nay được hơn 40 triệu đồng. Số quỹ này dùng để giúp đỡ những hộ nghèo, hộ khó khăn khi gặp thiên tai, ốm đau, bệnh tật. Hai gia đình có nhà bị cháy đã được nhận hỗ trợ để làm nhà mới; chín gia đình khác được hỗ trợ để di chuyển nhà từ vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; giúp một gia đình khó khăn có cháu nhỏ đi chữa bệnh...

Không chỉ ở Tân Tiến, tất cả các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đều tích cực tổ chức phân công đỡ đầu hộ nghèo, tạo ra nguồn lực tinh thần và vật chất phong phú, giúp nâng cao mức sống trung bình của người dân trong huyện. Theo báo cáo của Huyện ủy, năm 2018, có 3.742 cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách gần 7.000 hộ nghèo. Hơn 1.200 gia đình có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ tổng số khoảng 2.300 ngày công lao động, 1.438 con giống gia súc, gần một tấn giống cây trồng các loại. Ban Thường vụ Huyện ủy còn chỉ đạo đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn xây dựng những mô hình phát triển kinh tế mẫu để nhân dân học tập. Hiện nay, toàn huyện có 236 mô hình kinh tế do cán bộ chủ chốt các xã, thị trấn và đảng viên thực hiện; chủ yếu là mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng chè. Hầu hết các mô hình đều phát huy hiệu quả, có thể nhân rộng và đã tác động tích cực đến tư duy, nhận thức của người dân.

Những cách làm nêu trên khẳng định vai trò lãnh đạo của đội ngũ cán bộ chủ chốt, minh chứng cho việc cán bộ nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin, làm theo. Cùng với các chương trình giảm nghèo của Nhà nước, những nỗ lực của cán bộ, đảng viên ở huyện Hoàng Su Phì đã giúp cho người dân vùng cao có điều kiện vươn lên thoát nghèo, từng bước mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, nâng cao mức sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong mấy năm qua giảm bình quân từ 3 đến 7%/năm là kết quả rất đáng khích lệ.

Tin liên quan

Tạo động lực phát triển từ thiết thực làm theo Bác

Tạo động lực phát triển từ thiết thực làm theo Bác

Chọn những vấn đề trọng tâm, đột phá của đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện là cách làm thiết thực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tỉnh Ninh Bình. Hiệu quả từ chọn trúng, đúng vấn đề đã góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ tận tụy, trách nhiệm, tạo môi trường khích lệ thực hành đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.