Không sợ việc khó

Bài và ảnh: HOÀNG LÂM

Thứ Hai, 24/02/2014 19:51
Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, đảng viên trẻ Nguyễn Hữu Hùng xây dựng cho mình cách làm việc khoa học, học sâu, hỏi kỹ, nắm chắc từng việc cụ thể, tính toán cẩn thận để đưa ra những quyết định chính xác, phù hợp, góp phần mang lại lợi nhuận cao cho công ty, cải thiện đời sống và thu nhập của người lao động.
Giám đốc Nguyễn Hữu Hùng kiểm tra sản phẩm trong buổi học nghề miễn phí của Xí nghiệp May Lục Nam.
Giám đốc Nguyễn Hữu Hùng kiểm tra sản phẩm trong buổi học nghề miễn phí của Xí nghiệp May Lục Nam.

Ðôi mắt của chị Nguyễn Thị Vân, ở thôn Long Ðình, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang ánh lên niềm vui khi ngắm cháu Nguyễn Vinh Quang, bốn tuổi, con thứ hai của chị xúng xính trong chiếc áo mới. Chị Vân kể: Chồng mất sớm để lại hai đứa con thơ, cuộc sống nhà nông vốn khó khăn lại càng chật vật. Nhờ mấy chị giới thiệu, tôi được học nghề miễn phí ba tháng và trở thành công nhân của Xí nghiệp May huyện Lục Nam với mức lương tháng hiện nay là 4,5 triệu đồng. Chiếc áo cháu Quang đang mặc có giá 500 nghìn đồng, là quà của xí nghiệp tặng hồi đầu mùa đông. Năm nay, các gia đình công nhân hoàn cảnh khó khăn còn được xí nghiệp tặng bộ chăn ấm và nồi cơm điện.

Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp May huyện Lục Nam Nguyễn Tiến Cường cho biết: Tặng áo ấm cho con em công nhân dưới 6 tuổi là sáng kiến của Giám đốc Xí nghiệp Nguyễn Hữu Hùng. Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, Nguyễn Hữu Hùng năm nay 34 tuổi, tốt nghiệp đại học năm 2005, từng làm việc ở nhiều nơi. Năm 2009, anh "đầu quân" cho Công ty cổ phần May Bắc Giang.

Tại đây, trong quá trình làm việc, Nguyễn Hữu Hùng đều chứng tỏ được năng lực và trách nhiệm của mình. Anh đã có nhiều sáng kiến đề xuất với Hội đồng quản trị (HÐQT) và Ban Giám đốc nhằm hiện đại hóa hệ thống bảng biểu, tạo sự liên kết giữa các phòng, ban, góp phần cải tiến kỹ thuật, quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian làm việc của người lao động. Những đề xuất của anh Hùng sau đó đều được nhân rộng, góp phần phát triển công ty, nâng cao uy tín với các bạn hàng. Sau một thời gian phấn đấu, Nguyễn Hữu Hùng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng.

Nhằm tạo môi trường để đảng viên trẻ rèn luyện, Ðảng ủy và lãnh đạo Công ty đã bổ nhiệm Nguyễn Hữu Hùng làm Giám đốc Xí nghiệp May huyện Lục Nam, cơ sở vừa xây dựng trên huyện miền núi Lục Nam. Với những kinh nghiệm bản thân và sự chủ động bám sát thực tiễn sản xuất của đơn vị, đồng chí Hùng đã tham mưu và cùng ban giám đốc xí nghiệp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, trước hết là chú trọng việc tạo sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc của người lao động.

Chị Nguyễn Thị Huế, công nhân may của xưởng may 2, cho biết: Bên cạnh các quy định Nhà nước, xí nghiệp còn chia sẻ, quan tâm, động viên người lao động và gia đình, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, như tặng quà Tết, hỗ trợ xây, sửa chữa nhà cửa, duy trì thưởng Tết một tháng lương... Từ những sự quan tâm thiết thực ấy đã tạo sự gắn bó người lao động với xí nghiệp, khơi dậy phong trào thi đua sản xuất, chất lượng và hiệu quả trong các tổ, đội. Trong các tổ, nhóm của xí nghiệp ngày càng xuất hiện nhiều sáng kiến góp phần làm lợi cho xí nghiệp hàng tỷ đồng, tăng thu nhập cho người lao động.

Phó Tổng Giám đốc Công ty, Bí thư Chi bộ Xí nghiệp May Lục Nam Nguyễn Văn Thiện cho biết thêm: Cũng trong phong trào đó đã xuất hiện nhiều quần chúng tiêu biểu, được chi bộ theo dõi, giúp đỡ, bồi dưỡng trở thành đảng viên, bổ sung vào đội ngũ cán bộ quản lý, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Chi bộ. Trong năm nay, Xí nghiệp có thêm 6 quần chúng ưu tú là công nhân ở các tổ, đội được Chi bộ xem xét, làm thủ tục để kết nạp Ðảng. Ðược biết mới đây, ý tưởng của Giám đốc Nguyễn Hữu Hùng về việc xây nhà trẻ và nhà dưỡng lão ở huyện Lục Nam đã được Ðảng ủy, lãnh đạo công ty tán thành và đang dần hoàn tất các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng.

Xí nghiệp May huyện Lục Nam hiện thu hút hơn 3.100 lao động đến từ trong và ngoài tỉnh, trong đó có khoảng một phần ba số lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Chia sẻ với chúng tôi về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí Hùng tâm sự: Ở đâu cũng có thuận lợi và khó khăn. Tôi học được ở Bác, là làm việc phải đi sâu, đi sát, nắm việc, biết người, nắm chắc tình hình cụ thể, cập nhật, đối chiếu, sàng lọc thông tin để từ đó đưa ra những quyết định chính xác, phù hợp.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.