Kinh nghiệm thực hiện Cuộc vận động lớn ở Ðồng Nai

ÐINH VĂN VƯỢNG

Thứ Tư, 22/12/2010 19:28
Sau gần 4 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động trong cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Triển khai Cuộc vận động trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, bước đầu có sức lan tỏa và từng bước phát huy tác dụng tích cực trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ xuất hiện ngày càng nhiều, ở khắp các lĩnh vực.

Một trong những nội dung được xem là khâu then chốt nhằm tạo ra những chuyển biến về mặt nhận thức để từ đó tạo ra sự chuyển biến trong việc làm theo là Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Ðồng Nai đã tổ chức tốt việc học tập các chuyên đề về tư tưởng và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðồng thời, chú trọng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, xây dựng các tiêu chí phấn đấu của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Với phương châm: vừa học tập vừa làm theo và nêu gương, trong đó lấy việc làm theo làm nhiệm vụ trọng tâm; lấy việc nêu gương làm giải pháp động lực, kết quả làm theo của các đơn vị, địa phương, cá nhân ngày càng cụ thể, thiết thực, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nổi bật như: gương học sinh vượt khó, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; gương thầy giáo, cô giáo tâm huyết với nghề, sáng tạo, hiệu quả trong giảng dạy, yêu thương học sinh; gương chiến sĩ công an liêm khiết, tận tụy với công việc; gương thầy thuốc thể hiện y đức và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; gương phụ nữ chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm lo đời sống cho phụ nữ nghèo; gương nông dân sản xuất giỏi, làm tốt công tác nhân đạo, từ thiện; gương các chức sắc tôn giáo thực hiện tốt đời, đẹp đạo, chăm  lo người nghèo; gương cán bộ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên gương mẫu trong học tập, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...

Cùng với những điển hình cá nhân, đã có những tập thể tiêu biểu trong thực hiện làm theo, tích cực phát động thi đua thực hành tiết kiệm, tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho dân; nâng cao hiệu suất công việc chuyên môn, có nhiều cố gắng, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Bên cạnh việc làm theo trong thực hiện nhiệm vụ, trong cuộc sống đời thường cũng đã xuất hiện một số mô hình làm theo rất có ý nghĩa như: 'Viết nhật ký mỗi ngày làm một việc tốt cho dân', 'Nụ cười chiến sĩ cảnh sát giao thông', 'chung tay vì người nghèo', 'gắn mỗi tổ chức với một địa chỉ nhân đạo' với sự tham gia của hầu hết các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, khu, ấp, các chi hội đoàn thể, của đông đảo các tầng lớp nhân dân với nhiều cách làm thiết thực đầy lòng nhân ái, nghĩa tình, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Trong quá trình thực hiện Cuộc vận động, ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã biểu dương, khen thưởng 4.159 gương điển hình cá nhân và 1.623 điển hình tập thể có thành tích nổi bật tham gia Cuộc vận động.

Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần quan trọng tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, sự đồng thuận trong nhân dân, chung sức, chung lòng nỗ lực vượt qua những khó khăn thách thức, xây dựng tỉnh Ðồng Nai ngày càng phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện. Tuy còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện, song có thể khẳng định Cuộc vận động lớn đã ngày càng thật sự có sức lan tỏa trong toàn tỉnh Ðồng Nai và đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần củng cố và xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được cũng như một số khuyết điểm, hạn chế, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Ðồng Nai đã rút ra một số kinh nghiệm bước đầu: Ðó là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và vai trò tham mưu của Ban Tuyên giáo các cấp. Hoạt động của Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải được duy trì thường xuyên, có nền nếp với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện Cuộc vận động, bám sát các yêu cầu cơ bản do cơ quan cấp trên đề ra.

Sự thông suốt về nhận thức tư tưởng và sự tự giác, gương mẫu của các cấp ủy đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ trì, chủ chốt, của cán bộ, đảng viên là yếu tố có tính quyết định duy trì và phát triển phong trào, bảo đảm sự thành công của Cuộc vận động. Ðồng thời, không ngừng phát huy và nâng cao vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện Cuộc vận động lớn. Gắn việc thực hiện Cuộc vận động với việc triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua yêu nước, các mặt công tác của cơ quan, đơn vị, làm cho Cuộc vận động trở thành bộ phận của công tác xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền; gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, xây dựng địa phương, cơ sở, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Ðặt trọng tâm vào khâu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tạo nên một phong trào rèn luyện thường xuyên, rộng khắp, với những việc làm thiết thực. Xây dựng quy chuẩn đạo đức của cơ sở cần sát hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác để thuận tiện cho việc thực hiện và kiểm tra, đánh giá.

Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Ðây là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành động, tạo ra những kết quả cụ thể, thiết thực, những gương người tốt, việc tốt. Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, quan tâm công tác vận động đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các điển hình tiên tiến; gương người tốt, việc tốt; nâng cao chất lượng, nhân rộng những điển hình xuất sắc, biểu dương, tôn vinh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng và Ban chỉ đạo các cấp; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất, để nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động. Thực tiễn cho thấy, nơi nào kết quả thực hiện Cuộc vận động kém hiệu quả, đều có một trong những nguyên nhân là thực hiện công tác kiểm tra chưa thường xuyên, nền nếp, chậm phát hiện, khắc phục những yếu kém. Ðưa nội dung thực hiện Cuộc vận động vào nội dung sinh hoạt chi bộ hằng tháng.

Một số địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, nông dân, công nhân..., Ban Chỉ đạo cấp huyện, các đoàn thể chính trị-xã hội cần phải biên soạn tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động với nhiều hình thức phù hợp đối tượng ở cơ sở, đoàn viên, hội viên, học sinh và quần chúng nhân dân để công tác tuyên truyền về Cuộc vận động sâu rộng, hiệu quả hơn.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.