Vinh dự và tự hào được phục vụ khách tham quan nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành từng dạy học, tập thể cán bộ và nhân viên của Bảo tàng không ngừng nỗ lực, thi đua làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, từ những công việc cụ thể hằng ngày.
Trường Dục Thanh tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, phường Ðức Nghĩa, TP Phan Thiết, trông ra dòng sông Cà Ty thơ mộng, hiền hòa. Tượng Bác Hồ bình dị và gần gũi giữa vườn trường nhiều cây xanh mát. Thuyết minh viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận, cô gái Văn Thị Kim Hưng duyên dáng với tà áo dài cùng chúng tôi sắp lễ, dâng hương tưởng nhớ công lao biển trời của Bác. Lời giới thiệu của Hưng cùng những hình ảnh, hiện vật gốc: án thư, tủ đứng, nghiên mực, chén uống nước, bộ phản gỗ,... như những thước phim tư liệu sống động giúp chúng tôi thêm hiểu về phong cách sống và làm việc của Người, nhất là sự giản dị, rất mực yêu thương và hết lòng chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Chị Nguyễn Thị Liễu Thu với chất giọng truyền cảm, mềm mại, mỗi lúc càng thu hút sự chăm chú của mọi người, khơi dậy niềm xúc động của khách tham quan.
Khi đưọc hỏi về công việc của mình, chị Thu tâm sự: Tôi luôn tự hào vì được phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng. Thuyết minh là công việc đầy sáng tạo mà tôi rất thích. Khi giới thiệu về những hiện vật, tư liệu, thì phải làm sao để mọi người cảm nhận được mọi thứ trở nên gần gũi, vẫn vẹn nguyên tình cảm ấm áp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi và các đồng nghiệp vẫn thường rèn kỹ năng nói, tập luyện thể dục để duy trì nét duyên dáng, tươi trẻ, lịch thiệp, không ngừng trau dồi kiến thức lịch sử, ngoại ngữ, kỹ năng nắm bắt nhanh đặc điểm, tâm lý, tâm trạng, quỹ thời gian dự kiến của khách tham quan, để đưa ra phương pháp truyền đạt phù hợp, tạo sự gần gũi, thoải mái cho mọi người.
Trò chuyện với nhiều cán bộ, nhân viên của Bảo tàng, chúng tôi thấy trong mắt ai cũng ánh lên nét tự hào và ý thức trách nhiệm thiêng liêng trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của những hiện vật lịch sử. Ðược biết, mỗi năm Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh tỉnh Bình Thuận đón khoảng 150 nghìn lượt khách. Chỉ trong các ngày từ 17 đến 19/5 mới đây, Bảo tàng đã đón 49 đoàn khách với khoảng 3.500 lượt khách trong nước và quốc tế về thăm. Khách đến Bảo tàng, khác nhau về quốc tịch, tiếng nói, trang phục, tính tình, song đều muốn tìm hiểu về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về nơi Người từng sống và dạy học. Chứng kiến niềm xúc động của nhiều người khi thấy và được nghe thuyết minh về các hiện vật, tư liệu tại Bảo tàng, chúng tôi hiểu, đó cũng là kết quả mà mỗi cán bộ, nhân viên làm việc tại đây không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Tấm lòng thành kính đối với Bác được thể hiện sinh động qua việc làm cụ thể. Ðó là sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ hiện vật, dùng mọi biện pháp nghiệp vụ để giúp khách tham quan hiểu rõ về cuộc đời cao đẹp của Bác, nhất là quãng thời gian Người dạy học ở Trường Dục Thanh; là giữ cho bàn, ghế, hiện vật lúc nào cũng sạch sẽ. Ngoài sân, dưới những tán cây xum xuê hoa trái, những người làm vườn của Bảo tàng vẫn cần mẫn, tỉ mỉ chăm sóc, cắt tỉa, giữ cho khu di tích luôn xanh, sạch, đẹp.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh- chi nhánh tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Quỳ cho biết: Từ khi thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cán bộ, nhân viên Bảo tàng đã tích cực xây dựng và đưa ra nhiều sáng kiến phục vụ công tác, như: Ðổi mới cách trưng bày hệ thống tư liệu, hiện vật; thực hiện các khâu nghiệp vụ để chỉnh lý, bổ sung tư liệu, hiện vật gắn với nội dung, giải pháp trưng bày khoa học, đa dạng và phong phú; tổ chức các chuyên đề triền lãm, trao đổi kinh nghiệm bảo vệ các hiện vật gốc... Bảo tàng đang tích cực sắp xếp hệ thống kho cơ sở tư liệu và các bộ sưu tập hiện vật, sưu tầm hiện vật về những năm tháng Bác Hồ sống ở Bình Thuận, những hiện vật về bối cảnh lịch sử, xã hội Bình Thuận những năm đầu thế kỷ 20,...để xứng đáng là trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu vực.
Ðược biết, bên cạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ hiện vật gốc, thời gian qua, Bảo tàng còn phối hợp nhiều đơn vị, cơ quan đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, tổ chức lễ tưởng niệm, báo công dâng Bác, kết nạp Ðoàn, kết nạp Ðảng, kể chuyện Bác Hồ, hội thi tiếng hát Dục Thanh, v.v... thu hút đông đảo khách tham quan, nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, nhất là thời gian Người dạy học ở Dục Thanh.