Làm theo lời Bác từ những điều bình dị

Bài và ảnh: NGỌC HIẾU, THANH SƠN

Thứ Hai, 24/10/2011 18:35
Ðể việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày, Tỉnh ủy Yên Bái phát động phong trào học tập và làm theo lời Bác Hồ về thực hiện đoàn kết dân tộc; tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng đời sống văn hóa.

Trồng cây và trồng người

Trong cơn mưa như trút nước, chúng tôi đến thăm nhà anh Phạm Hữu Khánh ở tổ 1, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. Ngôi nhà đơn sơ, với những vườn ươm cây giống trải dài một mầu xanh non. Xa xa, bạt ngàn những khu rừng keo, quế, bạch đàn đến độ thu hoạch. Ðể có diện tích vườn ươm và rừng trồng lên đến 240 ha thì ít ai biết được, đó là sự cố gắng không mệt mỏi của anh Khánh và gia đình. Có người nói vui, anh đang trả nợ rừng. Vì anh Khánh từng là một tay buôn gỗ quý có tiếng ở Văn Chấn. Dẫn chúng tôi thăm vườn ươm cây giống của gia đình cung cấp hai triệu cây giống/năm cho thị trường, anh Khánh tâm sự: Mọi người hay gọi đùa tôi là "Khánh rừng", bởi tôi yêu rừng và trồng được rất nhiều cây nên mọi người gọi như vậy. Ðầu năm 2004, anh Khánh bắt đầu trồng những cây bạch đàn, cây keo đầu tiên xuống đất rừng Văn Chấn. Khi đó, anh đặt mục tiêu mỗi ngày trồng gần 400 cây. Có những lúc đôi bàn tay, bàn chân rớm máu, nhưng anh vẫn quyết tâm biến đồi hoang thành rừng cây xanh tươi. Trong câu chuyện của mình, anh Khánh đọc lên hai câu thơ của Bác Hồ: "Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Thời gian trôi qua, anh Khánh đã trồng được 240 ha rừng trải dài ở các xã Suối Quyền, Suối Giàng, Phù Nham...

Nếu anh "Khánh rừng" ở huyện Văn Chấn, làm theo lời Bác Hồ dạy từ việc trồng cây, trồng rừng thì cô giáo Lương Thị Hà, dân tộc Tày ở Trường phổ thông dân tộc bán trú - Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT-TH và THCS) Khao Mang, huyện Mù Cang Chải lại luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy trong việc dạy chữ, trồng người. Ở cái tuổi 26, trông Hà trẻ hơn so với tuổi thực của mình. Khi được hỏi về công việc của mình, Hà rụt rè trải lòng với chúng tôi: Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Yên Bái, môn sinh-địa, Hà tình nguyện lên xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải dạy học. Khi mới lên đây, Hà cũng nhớ nhà như bao giáo viên khác. Ngày đầu đứng trên bục giảng, lớp học chỉ có vài học sinh. Lúc đó Hà rất buồn và chỉ biết gục mặt xuống bàn mà khóc. Nhưng bằng sự quyết tâm của tuổi trẻ, cô giáo Hà đã bỏ qua nỗi nhớ nhà và cả những nỗi buồn vu vơ để rồi tự mình đi vận động phụ huynh cho các con đi học. Ở vùng đất có tới 90% dân số là người Mông thì chuyện bất đồng ngôn ngữ đã khiến Hà nhiều lúc dở khóc, dở cười.

Vì nhân dân phục vụ

Gặp Thiếu tá Lê Vũ Long, Phó trưởng Công an thị xã Nghĩa Lộ tại trụ sở với nét mặt tươi vui, hồ hởi. Hỏi ra mới biết, Công an thị xã Nghĩa Lộ vừa bắt được đối tượng cuối cùng trong vụ án trộm cắp xe máy, có sử dụng súng do đối tượng Nguyễn Hồng Sơn ở TP Hải Phòng cầm đầu. Sau khi gây án ở Hải Phòng, các đối tượng lên Yên Bái và chọn thị xã Nghĩa Lộ để tiếp tục gây án. Trong khi trộm chiếc xe Nouvo LX của chị Nhữ Phương Mai ở tổ 5, phường Pú Trạng, nhóm trộm cắp đã bị phát hiện. Ngay lập tức Công an thị xã đã nhanh chóng phối hợp với Công an phường Pú Trạng và Công an huyện Văn Chấn khép chặt vòng vây, đón lõng bắt các đối tượng. Bị bao vây chặt trong đêm tối, đối tượng Sơn đã cùng đồng bọn chạy lên đồi và dùng súng thể thao chống trả quyết liệt. Bằng sự mưu trí và dũng cảm, các chiến sĩ công an đã bắt được tên Sơn và Tùng, Ðiển. Tên còn lại là Nguyễn Văn Năm đã bị Công an thị xã phát lệnh truy nã. Sau một thời gian ngắn, đối tượng Năm đã ra đầu thú tại Hải Phòng. Chuyên án kết thúc, qua truy xét thu giữ ba xe máy, hai súng thể thao và 28 viên đạn, nhiều biển số xe giả. Ðó là một trong nhiều vụ án tiêu biểu mà các chiến sĩ Công an Nghĩa Lộ đã đấu tranh thắng lợi.

Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ" hơn bốn năm qua, cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã đã bảo đảm an toàn cho hàng trăm lượt khách, đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan địa phương, qua đó phát hiện nhiều trường hợp xuất nhập cảnh trái phép; tham mưu cho Ban ATGT thị xã xử lý hàng nghìn trường hợp vi phạm giao thông. Ðể thực hiện tốt phong trào Yên Bái học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, Công an thị xã Nghĩa Lộ đã lồng ghép nội dung làm theo lời dạy của Bác Hồ với các nhiệm vụ chính trị của Ðảng bộ là: Ðẩy mạnh công tác vận động quần chúng toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; triển khai quy chế văn hóa giao tiếp và ứng xử trong lực lượng công an và tập trung vào lực lượng cảnh sát khu vực; xây dựng mô hình quản lý, giáo dục trẻ em làm trái pháp luật; tổ chức tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vào cuộc vận động "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ".

Ðồng chí Dương Văn Thống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, thời gian tới, các cấp ủy đảng, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh xác định việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm để nâng cao đạo đức cách mạng, trước hết là cho cán bộ, đảng viên; gắn "xây" đi đôi với "chống" trong thực hiện công tác xây dựng Ðảng. Cấp ủy các cấp chủ động chỉ đạo công tác phê bình, uốn nắn kịp thời những việc làm thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm và triển khai thực hiện không nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 03 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng; xây dựng và thực hiện tốt những chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ; thực hiện tốt cuộc vận động, phong trào thi đua: "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"; "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu đi đầu không uống rượu, bia trong giờ và ngày làm việc, gắn nội dung việc học tập và làm theo vào chủ đề sinh hoạt chi bộ hằng tháng...

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.