Lan tỏa những việc làm theo Bác

Bài, ảnh: HỒNG LÂM và MẠNH HẢO

Thứ Ba, 04/06/2019 05:45
Nhiều năm qua, các cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân TP Hồ Chí Minh luôn phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, phù hợp. Những việc làm theo Bác xuất hiện ngày càng nhiều và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
NSƯT Tấn Giao (bên trái) vào vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc trong vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”.
NSƯT Tấn Giao (bên trái) vào vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc trong vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”.

Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, Quận ủy quận 4 (TP Hồ Chí Minh) đã chọn thực hiện hai chương trình trọng tâm mang tính đột phá là: “Chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông, giảm ngập nước” và “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, quận 4 đã hoàn thành dự án chống ngập nước toàn bộ tuyến hẻm trên địa bàn. Nhiều công trình phục vụ dân sinh đã được xây mới và đưa vào sử dụng.

Đối với chương trình giảm nghèo bền vững và thực hiện chính sách an sinh xã hội, quận 4 đã đề ra các giải pháp nâng cao đời sống của người có công và gia đình người có công trên địa bàn; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản bằng cách đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức thực hiện giảm nghèo bền vững. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 4 Lý Tấn Hòa, nhiều đơn vị, tổ chức của quận đã triển khai thực hiện các mô hình, cách làm hay để chăm lo cho người nghèo. Điển hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã xây dựng nhiều mô hình làm theo lời Bác có tính lan tỏa, hiệu quả cao như: “Đỡ đầu cháu mồ côi”, “Quỹ khuyến học”, “Mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm”, “Tiết kiệm tín dụng”, “Đỡ đầu phụ nữ nghèo”, “Phụ nữ vượt khó”… Từ những việc làm ý nghĩa đó, đến nay, quận 4 đã hoàn thành cơ bản chỉ tiêu giảm nghèo, bảo đảm lộ trình đã đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là quận không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện gia đình chính sách.

Nhằm phát huy vai trò của người dân, quận Bình Thạnh đã đưa ứng dụng “Bình Thạnh trực tuyến” vào hoạt động để tiếp nhận thông tin, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị. Khi phát hiện vi phạm trên địa bàn quận, người dân chỉ cần chụp ảnh hoặc quay vi-đê-ô clíp, nhập địa chỉ vi phạm, chọn hành vi vi phạm và gửi tin tại ứng dụng. Ngay lập tức, hình ảnh hoặc vi-đê-ô clíp về hành vi vi phạm sẽ được chuyển đến chủ tịch UBND phường nơi có địa điểm vi phạm và lãnh đạo quận, các phòng, ban, đơn vị liên quan qua hệ thống ứng dụng Dashaboard Bình Thạnh được cài đặt trên thiết bị điện thoại thông minh. Trong thời gian hai giờ kể từ khi nhận được tin phản ánh, UBND phường phải cử ngay lực lượng đến hiện trường xử lý. Từ khi công bố đưa ứng dụng này vào hoạt động (tháng 5-2017) đến nay, đã nhận hơn 13.300 tin báo, xử lý hơn 12.000 trường hợp vi phạm với số tiền hơn bảy tỷ đồng…

Nhiều năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thật sự lan tỏa đến nhiều cá nhân ở nhiều lĩnh vực. Mỗi người chọn những việc làm theo Bác phù hợp với năng lực, nghề nghiệp của mình, qua đó góp phần mang lại những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Đó là anh Lê Hoàng Mai, giáo viên môn võ Aikido tại Nhà thiếu nhi quận Tân Bình, một địa chỉ thân thương của nhiều trẻ khuyết tật, trẻ bị tự kỷ, chậm phát triển. Bằng tình thương, anh Mai đã cố gắng giúp từng em ổn định tâm lý và học từng chút một. Nhìn con học võ cùng các bạn bình thường khác, nhiều phụ huynh đã bật khóc vì chưa bao giờ họ dám nghĩ con mình có thể làm được điều như thế. Chính vì vậy, lớp học võ của anh Lê Hoàng Mai ngày càng có nhiều phụ huynh gửi con đến học và họ đặt hy vọng vào người thầy luôn thầm lặng, hết lòng với những trẻ em kém may mắn này.

Đó là những văn nghệ sĩ đang miệt mài cống hiến tài năng của mình cho nghệ thuật sân khâu truyền thống. Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tấn Giao, kép chánh của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, là một trong những nghệ sĩ như thế. Anh luôn nhiệt tình, hăng say cùng tập thể anh em Nhà hát đi lưu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Ở đâu NSƯT Tấn Giao cũng nhiệt huyết, ca diễn hết mình phục vụ khán giả. Anh cho biết, những lời dạy của Bác “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” luôn ở trong tim. Chính vì thế, dù sân khấu cải lương còn nhiều khó khăn, NSƯT Tấn Giao vẫn luôn giữ lửa nghề, cống hiến cho khán giả những vai diễn hay, giàu cảm xúc. Năm 2018 là năm nhiều thành công với anh. Hai vai diễn của anh tại Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc đều nhận được Huy chương vàng, đặc biệt là vai Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc trong vở Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt). Để vào vai thành công, NSƯT Tấn Giao đã nghiên cứu thật kỹ, xem lại nhiều hình ảnh, tư liệu về Bác...

Tại TP Hồ Chí Minh, còn nhiều những người như thầy dạy võ Lê Hoàng Mai, như NSƯT Tấn Giao. Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa biểu dương 153 tập thể, 239 cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018 - 2019. Trước những yêu cầu thôi thúc của cuộc sống, của nhân dân, những tập thể, cá nhân ấy đã chủ động, sáng tạo, tích cực và trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều công trình, mô hình, giải pháp mới. Những giá trị tốt đẹp chắc chắn sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn không chỉ riêng tại thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.