Lãnh đạo thế nào?

Thế nào là liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng?

Bất kỳ việc gì, nếu không có chính sách chung, kêu gọi chung, không thể động viên khắp quần chúng.

Song, nếu người lãnh đạo chỉ làm chung, làm khắp cả một lúc, mà không trực tiếp nhằm một nơi nào đó, thực hành cho kỳ được, rồi lấy kinh nghiệm nơi đó mà chỉ đạo những nơi khác, thì không thể biết chính sách của mình đúng hay sai. Cũng không thể làm cho nội dung của chính sách đó đầy đủ, thiết thực.

Thí dụ: việc chỉnh đốn Ðảng. Ngoài những kế hoạch chung về việc đó, mỗi cơ quan hoặc mỗi bộ đội phải chọn vài ba bộ phận trong cơ quan hay bộ đội mình, nghiên cứu rõ ràng và xem xét kỹ lưỡng sự phát triển (công việc chỉnh đốn Ðảng) trong những bộ phận đó.

Ðồng thời, trong vài ba bộ phận đó, người lãnh đạo lại chọn năm, ba người cán bộ kiểu mẫu, nghiên cứu kỹ càng lịch sử của họ, kinh nghiệm, tư tưởng, tính nết của họ, sự học tập và công tác của họ.

Người lãnh đạo phải tự mình chỉ đạo những người phụ trách trong bộ phận đó, giúp họ giải quyết những vấn đề thực tế, để rút kinh nghiệm.

Những người phụ trách trong một cơ quan hoặc một bộ đội, cũng chọn vài ba bộ phận, rồi cũng làm theo cách đó.

Ðó là một cách vừa lãnh đạo vừa học tập.

Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận.

Mỗi cán bộ phụ trách cần phải làm theo cách này cho kỳ được.

Thế nào là liên hợp lãnh đạo với quần chúng?

Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Ðảng), người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành.

Nếu chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết quả mấy.

Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới.

Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn.

Vì vậy, người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.

Nhóm trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được.

Mỗi cuộc tranh đấu thường có ba giai đoạn, ba bước: bước đầu, bước giữa và bước cuối cùng. Nhóm trung kiên lãnh đạo trong mỗi cuộc tranh đấu, không có thể mà cũng không nên luôn luôn y nguyên như cũ. Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hóa.

Những nơi công việc không chạy đều vì không có nhóm lãnh đạo mật thiết liên hợp với quần chúng. Thí dụ: trong một trường học, nếu không có một nhóm thầy giáo, chức viên và học sinh hăng hái nhất trong trường, từ mười người đến vài mươi người, đoàn kết thành nhóm trung kiên lãnh đạo, thì công việc của trường đó nhất định uể oải.

Vì vậy, bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo.

HỒ CHÍ MINH (*)

(*) Hồ Chí Minh toàn tập - NXB Chính trị quốc gia, HN 1995 - Trang 288-289.

Tin liên quan

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.
Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong xã hội hiện đại, dấu ấn con người và các trào lưu tư tưởng dễ bị lu mờ bởi những vấn đề đương đại nóng bỏng. Vượt qua thách thức đó, Hồ Chí Minh là hiện tượng hy hữu của lịch sử khi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và “độ lùi” của thời gian càng tôn vinh sức sống, tầm vóc tư tưởng của Người.