Lão ngư 35 năm vác tù và trên sông Hậu

BÙI QUỐC DŨNG

Thứ Tư, 06/02/2013 15:12
Tôi phóng xe đến chân cầu Cần Thơ, dừng lại bên bờ Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thì trời đã xế chiều. Bất chợt có tiếng tù và vang dội một khúc sông. Những người bán hàng ven hai bên cầu Cần Thơ nhốn nháo bảo nhau: "Chắc là có chuyện chẳng lành nên ông To mới thổi tù và huy động cánh ngư dân trong xóm". Tôi rồ ga tăng tốc tìm đến nơi phát ra tiếng tù và.

Hiệp sĩ miền sông nước

Khi đến nơi thì ông To cùng những thanh niên trong xóm đã vội vã lên đường. Vợ ông cho biết: "Dưới xã mới điện thoại, nói là có hai tên trộm chạy trốn vào Khu Công nghiệp Bình Minh. Anh em công an, xã đội truy tìm mãi mà không thấy đâu nên nhờ ông nhà tôi tiếp ứng".

Chúng tôi vội vã quay lại Khu Công nghiệp Bình Minh. Một bãi đất rộng lớn với những con đường láng nhựa thênh thang nhưng phần lớn là những bãi cỏ lau, sậy cao lút đầu người. Ðây là nơi bọn trộm thường xuyên hoạt động và lẩn trốn khi bị phát hiện, truy đuổi. Ông To bố trí cánh thanh niên trong xóm chốt chặn ở các con đường ra vào khu công nghiệp, rồi cùng hai người khác tiến sâu vào các bãi lau. Một lúc sau, từ trong bụi rậm ông lôi ra hai người lạ mặt, giao về Công an xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long xử lý.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Nguyễn Văn Mạnh cho biết: "Những thành phần bất hảo đâu còn lạ mặt ông To. Mỗi khi nghe tiếng tù và của ông cất lên là bọn chúng khiếp vía kinh hồn. Ổng là "khắc tinh" của tội phạm. Ông To giỏi nắm tình hình, rất rành địa hình ở khu vực ven sông Hậu nên thường xuyên tổ chức vây bắt bọn trộm cắp, hỗ trợ lực lượng công an".

Anh Nguyễn Văn Mạnh nhớ lại, khoảng những năm 90 của thế kỷ 20, bọn trộm cắp đường sông hoành hành trên sông Hậu. Chúng thường tổ chức quan sát vào ban ngày, để ý coi người dân sống ven sông sơ hở, có tài sản gì là ban đêm chúng chờ cơ hội lấy cắp. Không chỉ có dân sống ven sông ở xã Mỹ Hòa, mà những nhà dân, những tiểu thương ở khu vực chợ phía bờ Cần Thơ cũng điêu đứng vì bị trộm.

Thấy dân nghèo, bà con hàng xóm thường xuyên bị mất trộm, ông To ấm ức nên bỏ công theo dõi. Ban ngày, ông đóng đáy bắt cá trên sông Hậu thường xuyên để mắt đến những ghe xuồng lượn lờ có dấu hiệu khả nghi, rồi âm thầm theo dõi. Khi đã xác định được chính xác là thành phần bất hảo, ông To liền thổi tù và thông báo cho các "đồng nghiệp" là dân đóng đáy trong xóm. Một mặt báo với chính quyền địa phương, mặt khác ông bố trí vây bắt quả tang khi chúng đang lấy trộm. "Có nhiều băng trộm đường sông bị triệt phá từ nguồn tin báo và sự hỗ trợ của ông To.

Nhờ vậy, nạn trộm trên sông Hậu mới được dẹp yên, người dân cũng yên lòng, ngon giấc. Thấy việc làm của mình cần thiết, ông To tự đứng ra thành lập đội Dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa do ông làm đội trưởng, tổ chức tuần tra dọc trên tuyến sông Hậu hằng đêm.

Hễ có bất cứ chuyện gì là ông To và các thành viên của đội đều có mặt, ứng phó, giúp đỡ, cứu nạn kịp thời và hiệu quả. Bởi vậy, ông còn vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an với danh hiệu "Hiệp sĩ miền sông nước"".

Trách nhiệm và lương tâm

Tôi quay trở lại nhà ông Dương Công To ở ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa. Một ông lão có mầu da rám nắng, mái đầu bạc trắng nhưng vẫn còn tráng kiện so với cái tuổi 73. Bên tách trà, ông To đưa tôi ngược dòng ký ức.

Thời học sinh, ông là một trong những người nhiệt huyết và hăng hái tham gia phong trào đấu tranh chính trị của học sinh, sinh viên trong tỉnh. Tuổi đôi mươi, chàng thanh niên Dương Công To gác lại mơ ước đến trường, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tham gia cách mạng, quyết giữ từng tấc đất quê hương.

Ðó là vào khoảng năm 1970, ông được giao nhiệm vụ thông tin liên lạc, giám sát hoạt động của địch với hình ảnh ngụy trang là một anh đạp xích-lô. Sau nhiều lần cung cấp cho cách mạng nhiều thông tin có giá trị, chàng trai đạp xích-lô bị địch phát hiện, bắt bỏ tù. Vợ ông cũng là "bạn tù" trong những năm tháng mưa bom bão đạn. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đôi "bạn tù" cũ quyết định nên duyên chồng vợ. Bởi họ tìm thấy ở nhau chung lý tưởng và tình yêu quê hương đất nước nồng nàn. Ðôi vợ chồng trẻ dắt nhau đến thị xã Vĩnh Long sinh sống. Nhưng cuộc sống sau những ngày đầu giải phóng ở một đô thị trẻ còn lắm khó khăn, bề bộn nên vợ chồng ông dắt díu nhau về quê. "Tôi đưa vợ về vùng đất còn khá hoang vắng ở ven sông Hậu, cất tạm căn nhà để che mưa nắng. Ban ngày, tôi ra sông đánh bắt cá. Vậy là cái nghề đóng đáy bắt cá trên sông Hậu đã theo tôi từ năm 1978 đến nay, ngót nghét đã 35 năm", ông To nói.

Hằng ngày mưu sinh trên sóng nước nên không biết bao nhiêu lần ông To chứng kiến cơn cuồng nộ của "thủy thần". Và cũng không biết bao nhiêu lần ông chứng kiến cảnh thuyền ghe gặp nạn, bị sóng gió nhấn chìm.

"Cứu người như cứu lửa", ông lao ghe đi trong mưa gió để cứu người. "Mạng người quan trọng, trễ một chút là có khi không kịp, rồi mình ân hận cả đời. Nhiều lần anh em cứ mải lo cứu người, đưa được người bị nạn và ghe xuồng vào được nơi an toàn thì trời đã xế chiều, có khi chạng vạng. Ðến lúc trở về thì toàn bộ cá trong đáy đã chết sạch, lưới đáy lộn tùng phèo, rối tung. Bữa đó coi như là thiếu gạo cho sấp nhỏ ở nhà", ông To thổ lộ.

Nhưng không phải vì vậy mà ông và mọi người nản chí, bỏ cuộc không cứu người nữa. Ngược lại, ông tập hợp tổng số 47 hộ làm nghề đáy ven sông Hậu để cùng giúp nhau trong công việc. "Ban đầu chỉ có một số anh em làm nghề tham gia cứu người nên không ai trông coi đáy, đổ cá. Sau này, tôi phân công người này đi cứu người thì người khác ở lại coi đổ cá mang về nhà giúp. Như vậy, anh em mới yên tâm làm nghề và hoạt động nhiệt huyết với mình", ông chia sẻ.

Trong cuốn Kỷ yếu của Bộ Công an ghi nhận đến thời điểm tháng 8-2011, ông Dương Công To đã trực tiếp cứu hộ 129 tàu, ghe, cứu 149 người gặp nạn trên sông; vớt sáu xác chết trôi sông; trực tiếp bắt 12 tên trộm; cùng Công an bắt 48 vụ trộm cắp; hòa giải, ngăn chặn tám vụ đánh nhau, thu chín mã tấu giao cơ quan chức năng xử lý.

Ðáng nói là ông sử dụng ngay chiếc ghe của gia đình hằng ngày mưu sinh để dùng vào hoạt động tuần tra, kiểm soát và cứu người. Kể cả xăng, dầu cũng là tiền túi, do các thành viên trong đội đóng góp. Hỏi vì sao "ăn cơm nhà, lại vác tù và hàng tổng suốt mấy chục năm vậy?", ông bảo "đó là cái nghiệp, mà cũng là trách nhiệm, lương tâm".

Mỗi khi mưa bão về hay vào mùa gió chướng nổi, ông thường túc trực trên chiếc võng trong căn chòi lá. Bất kể ngày đêm, gió hú mưa gào, ông vẫn luôn để ý những âm thanh lạ. Phát hiện tiếng kêu cứu của người bị nạn trên sông là ông nhảy ngay xuống ghe, thổi tù và huy động mọi người ứng cứu.

Rồi từ ngày cầu Cần Thơ nối liền đôi bờ sông Hậu, ông cùng đồng đội lại có thêm "việc làm" khi phải ứng cứu những người tìm đến cây cầu dài nhất Ðông - Nam Á tìm cái chết. Ðã có 17 trường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử được tiếng tù và ông thức tỉnh và "giành giật" mạng sống khỏi tay "thần chết".

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.