Lão nông Ba Lài làm theo Bác Hồ

Bài và ảnh:  THANH TÂM

Thứ Tư, 13/02/2013 17:55
Vươn lên từ gian khó, khi cuộc sống ổn định, ông Ðoàn Văn Lài (Ba Lài) ngụ ấp Trường Khương, xã Trường Xuân (Thới Lai, TP Cần Thơ) tự nguyện dành hết nguồn thu nhập từ việc canh tác sáu công (6.000 m2) đất trồng lúa để giúp đỡ những hộ nghèo, khó khăn, ốm đau, hoạn nạn. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng Ðền thờ Bác Hồ trên phần đất trước nhà để con cháu, người dân trong vùng tưởng nhớ và noi gương Bác.
Lão nông Ba Lài trước đền thờ Bác Hồ.
Lão nông Ba Lài trước đền thờ Bác Hồ.

Vượt qua quãng đường gần 10 km, chúng tôi tìm đến Ðền thờ Bác Hồ của lão nông Ba Lài  tại ấp Trường Khương, xã Trường Xuân.  Khi chúng tôi đến, các con cháu của ông Ba Lài đang quét dọn đền thờ, chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên, sơn lại cột cờ để đền thờ lúc nào cũng sạch sẽ, nghiêm trang.

Khác với suy nghĩ của tôi, dù bước sang tuổi 73 nhưng ông Ba Lài vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát, với cách nói chuyện chân chất, mộc mạc,  hào sảng đặc trưng của người dân Nam Bộ.

Theo  ông Ba Lài, chúng tôi đi tham quan Ðền thờ Bác Hồ. Ðền thờ được xây dựng trên diện tích 1.000 m2 gồm: cổng, hàng rào, cột cờ, sân lát gạch, cây xanh. Phần chính của đền thờ, nơi đặt tượng Bác Hồ được xây dựng cao ráo, khang trang, với diện tích hơn 10 m2, phía trong đặt tượng Bác bằng đá xanh,  phía trước có lư hương lớn, hằng ngày người dân đến thắp hương để tỏ lòng biết ơn Bác.

Trò chuyện với những người hàng xóm, tôi mới biết, để có tiền xây dựng công trình này, ngoài số tiền dành dụm, ông Ba Lài đã bán ba công đất ruộng để lấy tiền xây dựng Ðền thờ Bác.

Ông Ba Lài cho biết: "Xây dựng Ðền thờ Bác Hồ là tâm nguyện cả đời tôi nên tôi quyết tâm thực hiện. Tôi làm việc này để "Ðời đời nhớ ơn Bác", đồng thời giáo dục cho con cháu truyền thống uống nước, nhớ nguồn, đời đời học tập và noi gương Bác".

Hơn hai năm từ khi Ðền thờ Bác Hồ được xây dựng đến nay, hằng ngày, đông đảo  cán bộ, nhân dân, các em học sinh trong huyện, người dân các tỉnh  Hậu Giang, Kiên Giang đến viếng, thắp hương tưởng nhớ Bác. Ông Lê Văn Nhân, 62 tuổi, nhà gần Ðền thờ Bác nói với tôi: "Mỗi sáng tôi đều vào thắp hương tưởng nhớ Bác. Những dịp Ngày sinh, Ngày giỗ Bác, các ngày lễ, Tết, tôi và con cháu đều đến đây viếng Bác. Ðiều đáng quý là Ðền thờ Bác Hồ luôn rộng cửa đón mọi người, thật là việc làm ý nghĩa". Ông Ba Lài có kế hoạch xây dựng ao sen, tôn tạo cảnh quan trong khuôn viên đền thờ để ngày càng trang nghiêm, sạch đẹp hơn.

Không những vậy, noi gương Bác, ông Ba Lài còn  giúp đỡ người nghèo trong ấp, trong xã với tinh thần lá lành đùm lá rách. Ông nói với tôi, có được cuộc sống  sung túc như ngày nay là nhờ học Bác ở tính cần cù, tiết kiệm và lòng nhân ái, bao dung.

Ông kể, khi xưa nhà nghèo lắm, lúc mới lập gia đình, không có ruộng đất phải làm mướn khắp nơi, cuộc sống rất vất vả. Nhờ cần cù, chịu khó, tiết kiệm nên cuộc sống dần khấm khá, có của ăn của để. Nhớ lời Bác dạy, ông tự nguyện dành hết nguồn thu nhập từ canh tác  sáu công trồng lúa ba vụ để giúp đỡ người nghèo, khó khăn, bệnh tật... Lão nông Ba Lài chia sẻ: "Tôi khâm phục Bác trong điều kiện đất nước mới giành độc lập, còn khó khăn, khi tới bữa nấu cơm, Bác Hồ tự tay bốc một nắm gạo bỏ vào hũ để giúp đỡ người nghèo. Noi gương Bác, tôi tự nguyện dành một phần thành quả lao động của mình để  giúp đỡ, chia sẻ với những người có cảnh ngộ khốn khó hơn mình".

Việc làm của ông  Ba Lài được cả gia đình ủng hộ, làm theo. Người em nuôi của ông Ba Lài là ông Ngô Văn Quý làm mười công ruộng, mỗi năm chỉ giữ lại phần đủ ăn, phần còn lại cùng với ông Ba Lài giúp đỡ người nghèo.

Dịp Tết Nguyên đán 2013 ông Ba Lài đã chuẩn bị hơn bốn tấn gạo để cùng với chính quyền địa phương  trợ giúp các hộ nghèo.  Riêng những hộ neo đơn, bệnh tật ông đều sẵn lòng giúp đỡ. Hằng tháng, ông đều hỗ trợ bà Huỳnh Thị Ðỗ, ngụ ấp Phú Thọ, xã Trường Xuân 10 kg gạo, vận động nhân dân góp thêm tiền giúp đỡ bà trong cuộc sống thường ngày.

Gặp chúng tôi, bà Huỳnh Thị Ðỗ bày tỏ lòng biết ơn: "Ông Ba Lài tốt bụng lắm, thường xuyên giúp tôi gạo, vận động bà con trợ giúp tiền để tôi cải thiện điều kiện sống. Tôi không ruộng đất, lại mất sức lao động nên rất vất vả lo bữa ăn hằng ngày. Nếu không có ông Ba Lài tận tâm giúp đỡ, tôi không biết xoay  xở ra sao những lúc khó khăn".

Những việc làm ý nghĩa của ông Ba Lài xuất phát từ tấm lòng kính yêu Bác Hồ. Noi gương Bác, ông nguyện dành phần đời còn lại tiếp tục  giúp đỡ người nghèo, làm những việc có ích cho cộng đồng, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau vượt khó, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.