Lão nông hết lòng giúp đỡ người nghèo

Bài và ảnh: THANH DŨNG

Thứ Ba, 12/11/2019 02:41
Người dân xã Phú Thành, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang khi nhắc đến ông Tám Ðậu luôn thể hiện sự yêu mến, kính trọng bởi tấm lòng hào hiệp của ông trong các hoạt động giúp đỡ người nghèo.
Ông Tám Ðậu thường xuyên kiểm tra các thiết bị y tế lắp đặt trong xe cấp cứu.
Ông Tám Ðậu thường xuyên kiểm tra các thiết bị y tế lắp đặt trong xe cấp cứu.

Ông Tám Ðậu (tức Nguyễn Văn Ðậu), năm nay 56 tuổi, ở xã Phú Thành là một trong những gương điển hình về học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Ở vùng quê này, ông là tỷ phú nhưng có lối sống bình dị như bao người nông dân khác, như thuở còn bần hàn. Ông tâm sự, sinh ra trong gia đình nghèo khó, lớn lên cuộc sống cứ lẩn quẩn trong vòng cơ cực. Chính những tháng ngày khó khăn ấy đã rèn cho ông nghị lực kiên cường, không lùi bước hay sợ hãi trước khó khăn, thất bại.

Lúc còn trẻ, ông Ðậu đi tứ xứ làm thuê mướn, từ xã Phú Thành trôi dạt qua Kiên Giang rồi đến tỉnh Cà Mau. Ði xa nhớ quê nhà, ông quyết định đưa vợ về Phú Thành lập nghiệp. Nhờ chịu khó làm ăn, tiêu xài tiết kiệm, dần dần vợ chồng ông dư dả, có tiền bao nhiêu đều mua đất ruộng với quyết tâm làm chủ trên mảnh đất của mình. Từ chăm chỉ làm ruộng, nuôi thả cá bè, dần dà ông vượt qua nghèo khó và trở thành người giàu có trong vùng.

Hiện nay, ông có khoảng 20 ha mặt nước nuôi cá tra và cá lóc; mỗi năm đạt doanh thu khoảng hơn hai tỷ đồng. Các ao cá này đã giải quyết việc làm ổn định cho 18 lao động địa phương với mức lương hơn năm triệu đồng/người/tháng; bên cạnh đó còn có hàng trăm lao động thời vụ. Ðất ruộng thì có hàng chục héc-ta. Cuộc sống ổn định, có của ăn của để, ông Tám Ðậu luôn nghĩ đến chuyện giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Phú Thành là xã vùng sâu, nằm trên cù lao cách trở, nhiều trường hợp người bệnh nặng phải chuyển lên các bệnh viện lớn gặp nhiều khó khăn về đi lại, đe dọa tới tính mạng, sức khỏe. Thấy rõ vấn đề này, cho nên năm 2009, ông bàn bạc với vợ con và hai người anh ruột cùng nhau hùn tiền mua xe ô-tô trị giá 450 triệu đồng để vận chuyển người bệnh miễn phí, giúp họ đến bệnh viện nhanh chóng hơn. Xe ô-tô chuyển người bệnh miễn phí xuất hiện ở xã Phú Thành, người dân ai nấy đều cảm kích.

Ðến năm 2017, thấy người bệnh ngày càng đông, một chiếc ô-tô không đủ và xe dùng lâu cũng đã xuống cấp, cho nên ông Ðậu bàn với vợ mua thêm xe mới. Hiểu tấm lòng của ông với người bệnh cho nên bà ưng thuận cùng ông mua thêm xe ô-tô trị giá 700 triệu đồng. Có những lúc cả hai xe đều đã chở người bệnh đi mà chưa về trong khi đó ở xã lại có người phát bệnh phải đi bệnh viện ngay, ông Tám Ðậu không nề hà, dùng luôn chiếc xe ô-tô cá nhân chuyển cấp tốc người bệnh đi cấp cứu.

Ngoài việc giúp người bệnh, ông còn hỗ trợ người nhà người bệnh, thường xuyên tặng quà, hỗ trợ người nghèo nhân dịp lễ, Tết. Ông chia sẻ: Ngày xưa cuộc sống vất vả cho nên ông hiểu rất rõ tâm trạng của những người nghèo khó vào những ngày giáp Tết. Nhiều thứ phải lo lắm, nào là quần áo mới cho con, bánh trái cúng ông bà…, chính vì vậy mà mấy chục năm qua, mỗi khi Tết đến, Xuân về, ông luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những người đang trong hoàn cảnh khó khăn.

Có thời điểm như năm 2011, cá tra xuống giá, ông Ðậu cũng như bao người nuôi cá khác bị lỗ, ảnh hưởng đến nguồn quỹ mà ông Ðậu vẫn trích ra một số tiền để làm công tác từ thiện xã hội. Ðồng thời ông cũng nhận thấy nghề nuôi cá tra còn lắm gian truân, giá cá không ổn định cho nên nếu cứ trông chờ vào việc nuôi cá sẽ khó giúp được người nghèo. Ông bàn bạc với gia đình thống nhất mua bốn héc-ta đất ruộng trồng lúa rồi cho thuê, để làm quỹ từ thiện; năm 2017, ông tiếp tục mua thêm năm héc-ta nữa. Từ chín héc-ta đất cho thuê này, mỗi năm ông thu được khoảng 300 triệu đồng, đều dành hết cho các hoạt động từ thiện xã hội. Mới đây, ông Tám Ðậu còn hiến hơn 1.000 m2 đất và 500 triệu đồng phục vụ việc nâng cấp, mở rộng nghĩa trang nhân dân địa phương, giúp nhiều người nghèo bớt đi nỗi lo khi có người thân bị mất.

Với những đóng góp thầm lặng trong gần 20 năm qua, ông Tám Ðậu vinh dự là một trong các điển hình tiên tiến toàn quốc được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Ông đã hai lần được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương và nhiều bằng khen của tỉnh An Giang về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, học tập và làm theo gương Bác Hồ.

Ðược mời tham gia Chương trình giao lưu điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019, ông Tám Ðậu tâm sự: Những việc làm thiện nguyện của tôi luôn được vợ và các con khuyến khích, hết lòng ủng hộ. Bản thân tôi hay dạy dỗ con, cháu học tập Bác Hồ trong cách sống và cư xử với mọi người. Bác đã dạy chúng ta phải cần kiệm, lo làm ăn, giúp đỡ người khác mà không toan tính. Thấm nhuần điều ấy, tôi luôn cố gắng trong cuộc sống, không nản lòng trước mọi khó khăn, đồng thời thường tìm cách hỗ trợ những người đang cần sự giúp đỡ.

Chủ tịch UBND xã Phú Thành Dương Bảo Lộc cho biết, chính quyền địa phương rất trân trọng những đóng góp của ông Tám Ðậu, nhất là trong công tác xã hội - từ thiện. Ở địa phương này, ông Ðậu và gia đình ông luôn sẵn lòng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tấm lòng của ông cũng như nghĩa tình của gia đình ông với quê hương trở thành nguồn động lực, là mô hình học tập của những người dân đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, cũng mong muốn thoát nghèo, rồi dư dả để giúp đỡ người khác, xây dựng tình cảm quê hương, xã hội nhân ái.

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.