a) Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh.
b) Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Như thế, thì dân chúng mới tin cậy cán bộ và nhận cán bộ đó là người lãnh đạo của họ.
c) Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn.
Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo.
Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn.
d) Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.
Ðó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ, chúng ta phải theo cho đúng.
Trong Ðảng ta, có những nơi thường dùng những người văn hay nói khéo, nhưng không làm được việc, không ra tranh đấu. Mà những đồng chí viết không hay nói không thạo nhưng rất trung thành, hăng hái, rất gần gụi quần chúng, thì bị dìm xuống. Chúng ta phải sửa chữa ngay những điểm đó.
Ðã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù.
---------------------------------------------
(*) Trích Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, T5 Tr 229-306)