Chủ tịch UBND xã Bản Ngò, huyện Xín Mần (Hà Giang) Dương Việt Hùng trò chuyện với bà con các thôn bản. |
Phần lớn đồng bào ở Bản Ngò sống rải rác trên núi, giao thông cách trở, nhiều điểm trường thôn vốn nhỏ hẹp đã xuống cấp. Một lần về dự lễ khai giảng ở điểm trường thôn Nậm Phàng, anh Dương Việt Hùng cứ không thôi trăn trở. Nhưng bắt đầu từ đâu và làm như thế nào trong khi Bản Ngò là xã đặc biệt khó khăn, hơn 45% là hộ nghèo, thì quả thật không dễ có câu trả lời.
Không thể để con em đồng bào ngồi học trong những căn nhà xập xệ, anh đề xuất và được Đảng ủy xã đồng ý, kiến nghị UBND huyện ưu tiên kinh phí từ các chương trình phân cấp hằng năm cho giáo dục của Bản Ngò. Nhờ đó, xã đã xây dựng được hai điểm trường, sửa chữa một số phòng học. Để có kinh phí kiên cố hóa các điểm trường, anh tìm kiếm thông tin về các nhà tài trợ; đề nghị huyện giới thiệu một số tổ chức, đơn vị thường quan tâm công tác giáo dục, để xã chủ động liên lạc, mong họ giúp đỡ.
Điều anh mong ước trở thành hiện thực. Tháng 4 năm nay, sau khi lên thực tế và xem kỹ các thông tin do Chủ tịch UBND xã Bản Ngò cung cấp, Nhóm Thiện nguyện "Cho một tương lai" ở TP Hà Nội đã tài trợ xây dựng hai phòng học ở thôn Nậm Phàng.
Thôn Nậm Phàng cách trung tâm xã 7 km đường núi, địa hình khá dốc, nơi tương đối bằng phẳng đều là ruộng của dân. Điểm trường cũ có hai phòng học đều chật hẹp, dột nát đang được sửa chữa làm trụ sở thôn. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã về xây dựng điểm trường cho thôn Nậm Phàng, Bí thư Chi bộ thôn Vàng Văn Đơm tiên phong hiến gần 600 m2 đất.
Đồng chí Đơm tâm sự: "Ban đầu gia đình cũng có ý khác, bàn ra nói vào.Nhưng khi thấy rõ việc xây dựng điểm trường là vì tương lai con em trong thôn, cho nên gia đình và nhiều hộ khác tự nguyện hiến đất, tham gia đào móng, san nền xây nhà, kè sân, góp công góp sức mở rộng đường giao thông...".
Chứng kiến sự "đối ứng" của Bản Ngò, Nhóm Thiện nguyện "Cho một tương lai" đã bổ sung nguồn tài trợ lên 450 triệu đồng. Sau 4 tháng thi công, xã cắt băng khánh thành điểm trường Nậm Phàng, gồm ba phòng học mầm non và năm phòng học tiểu học. Trong quá trình xây dựng, cùng với việc thường xuyên giám sát, anh Dương Việt Hùng cử người chụp ảnh và gửi về cho Nhóm Thiện nguyện biết rõ tiến độ thi công và chất lượng công trình.
Cùng thời gian này, xã còn vận động được một số tổ chức khác tài trợ gần 700 triệu đồng để xây hai điểm trường. Mới đây, Bản Ngò lại có thêm nhà tài trợ ký kết, chuẩn bị khởi công điểm trường ở thôn Đoàn Kết, trị giá 450 triệu đồng.
Bám dân, cùng chăm lo công việc hằng ngày với đồng bào, rồi chính những việc làm của bà con đã gợi mở cho người cán bộ xã trẻ tuổi này đưa ra mô hình sản xuất mới.
Nhiều hộ dân ở Bản Ngò nuôi cá chép trong ruộng lúa nước khá hiệu quả. Cá chép nuôi ba tháng là cho thu hoạch. Ông Vàng Văn Điêng, ở thôn Táo Thượng, cho biết, với giá 100 nghìn đồng/kg cá chép, vừa qua gia đình thu được sáu triệu đồng. Nghiên cứu việc nuôi cá chép trong ruộng lúa của một số hộ dân, anh Dương Việt Hùng đề xuất nhân rộng mô hình này. Đảng ủy nhất trí và bắt đầu bằng mô hình thử nghiệm của chính cán bộ, đảng viên trong cấp ủy, sau đó tổ chức hội nghị đầu bờ cho người dân học tập.
Đến nay, việc nuôi cá chép trong ruộng lúa ở Bản Ngò đã mở rộng lên hơn 30 ha, tạo thêm thu nhập cho nhiều gia đình. Qua mạng internet và sự chỉ dẫn của bạn bè, Chủ tịch UBND xã Bản Ngò còn xây bể, thực nghiệm thành công việc nuôi giun quế.
Đây là thức ăn bổ sung rất tốt cho cá, gà, vịt. Theo anh Hùng, giun quế dễ nuôi, ít vốn, dễ nhân giống, nhanh thu hoạch.
Với cương vị Chủ tịch UBND xã, anh Dương Việt Hùng luôn tự nhắc nhủ rằng để nhiều hộ dân trong xã nghèo đói là mình có lỗi với đồng bào, là chưa hoàn thành nhiệm vụ tổ chức giao.
Bằng cách nghĩ, cách làm ấy, anh Dương Việt Hùng cùng cán bộ, đảng viên của Bản Ngò đã và đang nhân rộng thêm nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn sinh sản..., góp phần giảm nghèo bền vững, tạo thế phát triển mới ở vùng cao.