Mang niềm vui, hạnh phúc đến với người nghèo

Bài và ảnh: XUÂN HÙNG

Thứ Hai, 14/01/2013 18:20
Ðó là ông Hồ Ðề (trong ảnh), cán bộ về hưu ở phường 7, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, người cho một gia đình ở trong nhà mình 28 năm liền mà không lấy tiền thuê. Ông Hồ Ðề không chỉ giàu lòng nhân ái mà còn giỏi vận động nhân dân.
Mang niềm vui, hạnh phúc đến với người nghèo

Người thích làm việc thiện

Nhà ông Hồ Ðề rộng gần 140 m2, nằm trong hẻm nhỏ đường Trần Kế Xương, con đường mà ngay cả những bác xe ôm cũng gặp khó khi tìm địa chỉ. Vì khó tìm nhà nên mỗi khi khách lạ đến thăm đều phải điện thoại, hẹn một điểm nào đó để chủ nhân tới đón, dẫn đi.

Gặp nhau, ông Ðề giới thiệu: "Nhà cấp bốn, ọp ẹp rồi, muốn sửa nhưng lại lo trong thời gian thi công hơn 20 người đang ở trọ biết dọn đi đâu, nên cứ lần lữa mãi". Trong những người được ông Ðề cưu mang, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh, 76 tuổi là gia đình ở nhờ lâu nhất. Bà Thanh nhớ lại: Năm 1985, căn nhà của tôi bị lốc xoáy làm sập, cảnh màn trời chiếu đất đang treo lơ lửng trên đầu hai vợ chồng và ba đứa con thì thầy (nhiều người trong xóm gọi ông Ðề là thầy) tìm đến nói như vậy: "Anh chị và các cháu sang nhà tôi mà ở, không phải trả tiền đâu. Cứ ở đến khi nào mua được nhà thì hãy dọn đi". Chồng đạp xích- lô, vợ làm thuê, các con còn nhỏ, lo ăn hằng ngày còn khó thì tiền đâu mua nhà! Hoàn cảnh đó của bà Thanh không phải ông Ðề không biết nhưng với suy nghĩ rất đơn giản là giúp người thì phải giúp đến cùng, cho nên tính đến nay đã 28 năm ròng, dù chồng bà Thanh đã khuất núi, ông Ðề vẫn giữ nguyên lời hứa, tiếp tục cho bà Thanh cùng các con, các cháu trú ngụ trong nhà mình.

Một gia đình khác được ông Hồ Ðề cho ở nhờ là ông Nguyễn Thuận. Năm 1990, nghe tin gia đình ông Nguyễn Thuận gồm bảy người nhiều năm cư ngụ dưới gầm cầu thang chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, ông Ðề tìm đến tận nơi. Thấy ông Thuận bị tàn tật, mất một tay, hai vợ chồng và năm con nhỏ đều làm nghề bán vé số, hoàn cảnh rất khó khăn nên ông Ðề mời họ về ở nhà mình với lời hứa "Không lấy tiền nhà, khi nào mua được nhà mới thì mới dọn đi".

Cho chỗ ở, ông Ðề còn cho các con ông Thuận tiền đi học. Sau hơn 20 năm chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy con ngoan, dành dụm tích cóp, đến năm 2012 mua được căn hộ, gia đình ông Thuận mới chấm dứt cảnh ở nhờ, dọn đến căn nhà mới do chính sức lao động của mình tạo nên.

Nhà tuy chật nhưng biết sắp xếp và nhất là có tấm lòng rộng mở, nên ông Ðề vẫn giúp được nhiều người. Trong căn nhà của mình, tận dụng cả những căn gác gỗ, ông Ðề thu xếp được 10 phòng cho sinh viên ở trọ. Chuyện sinh viên ở trọ nhà ông Ðề cũng nhiều chuyện rất hay. Trước hết là giá tiền: Mỗi người một phòng giá thuê 200 nghìn đồng/tháng, bao gồm cả tiền điện, tiền nước. Tất nhiên là phải quy định định mức, không quá 50 nghìn đồng/tháng. "Ðể các cháu có ý thức tiết kiệm" - ông nói.

Nhưng không phải sinh viên nào cũng phải đóng tiền bởi ông luôn dành một phòng ở miễn phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp đến là việc học. Ðã xa nhà đi học thì phải học cho chăm, cho giỏi để không phụ lòng cha mẹ, nhà trường - ông khuyên các sinh viên như vậy. Bạn nào cần ôn luyện tiếng Anh, ông dạy thêm (ông Ðề rất giỏi tiếng Anh, vì vậy mà bà con trong xóm gọi ông là thầy). Cuối năm, bạn nào có kết quả học tập từ khá trở lên ông không chỉ tiếp tục cho ở mà còn thưởng.

Năm 2011, năm sinh viên ở nhà mình học giỏi, ông thưởng năm chiếc máy tính. Giữa thành phố, cái gì cũng đắt đỏ mà tiền thuê nhà rẻ như vậy, lại có thưởng xứng đáng là chuyện hiếm nên hầu như tất cả các bạn sinh viên đều quý mến chủ nhà và đều cố gắng học tập.

Chuyện "tiếp sức mùa thi" của ông Ðề cũng rất đáng khâm phục. Mỗi năm vào mùa tuyển sinh, ông mua 50 kg gạo, 30 thùng mì ăn liền, mắm muối, bột ngọt, bếp ga... để sẵn trong nhà, nhận khoảng 10 thí sinh về cho ở miễn phí và giúp thêm cơm gạo, củi lửa, mắm muối gạo, mì ăn liền trong suốt thời gian ôn tập, thi cử... Tính ra số tiền thu được từ cho thuê phòng trọ ông Ðề chỉ dành một phần ba cho mình, hai phần ba còn lại dùng để trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.

Và điển hình "dân vận khéo"

Hơn hai năm làm tổ trưởng, ông Ðề là người có công đưa tổ dân phố 112, khu phố 4, phường 7, quận Phú Nhuận từ tổ yếu kém vươn lên vị trí nhất phường.

Ðược bà con bầu làm tổ trưởng năm 2010, ông vận động thêm những người uy tín có trình độ học vấn cao cư ngụ trong tổ cùng tham gia công tác phố phường. Ðiều này rất có lợi, vì theo ông Ðề, tổ dân phố giữ vai trò cầu nối đưa các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng hộ dân; chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của từng người dân lên Ðảng, Nhà nước, cụ thể là Ðảng ủy, UBND phường, quận, thành phố. Bên cạnh đó, tổ dân phố còn có trách nhiệm vận động bà con đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới ở ngay tổ mình, khu phố mình. Vai trò của tổ dân phố quan trọng như vậy mà tập hợp được những người có trình độ học vấn cao, tâm huyết tham gia thì chỉ có tốt trở lên.

Ông Ðề tâm sự: "Vì tôi hay làm việc thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn nên bà con tín nhiệm, ủng hộ. Và khi được dân ủng hộ thì như Bác Hồ đã dạy, việc khó mấy cũng thành công". Trước đây, tổ 112 nằm cuối bảng thi đua trong phường vì còn tồn tại nhiều tệ nạn xấu như nhậu nhẹt, một số thanh niên tụ tập bài bạc, đá gà gây mất trật tự.

Cùng với đó nhiều phong trào thi đua, các khoản đóng góp cũng không được một số gia đình thực hiện. Vận động nhân dân góp Quỹ "An ninh quốc phòng" ông Ðề cùng ban điều hành đến từng nhà, nói với bà con thế này: "Thưa bác, thưa anh, thưa chị, trong cuộc sống có nhiều nhu cầu như cái ăn, cái mặc, đi lại, vui chơi, học hành... nhưng nếu thiếu an ninh trật tự, an toàn xã hội thì chất lượng sống của từng người giảm xuống ngay. Nếu phải sống trong môi trường xã hội thiếu an toàn thì chẳng còn tâm trí nào mà làm ăn, nên việc đóng Quỹ "An ninh quốc phòng" là rất quan trọng. Do vậy, chúng tôi khuyên bà con nên đóng". Nói thẳng toẹt vậy mà không ai giận, cả chủ nhà lẫn người vận động cùng cười. Kết quả là 100% số gia đình đồng tình, vui vẻ đóng góp các loại quỹ ở địa phương.

Vận động nhân dân thực hiện "Năm an toàn giao thông", ông sao chép nội dung "Luật Giao thông đường bộ", "Cẩm nang giao thông an toàn, đúng luật"... ra hàng chục bộ. Trong cuộc họp tổ dân phố, các tài liệu trên được đọc cho tất cả mọi người cùng nghe, thảo luận tại chỗ, mỗi người tự nhận xét mình và gia đình thường vi phạm điều nào, cách khắc phục ra sao. Mỗi gia đình còn được tặng một bộ tài liệu để cả nhà cùng nghiên cứu, thực hiện.

Hoặc như vận động bà con đóng thuế, sau khi giới thiệu nội dung luật, ông và các thành viên ban điều hành phân tích: "Nhà nước thu thuế là để phát triển đất nước, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và để chăm lo cho dân. Tóm lại là lo cho bà con mình chứ ai, vậy thì có lý gì lại trốn thuế".

Ðược phân tích thấu lý đạt tình, tất cả những đối tượng nộp thuế ai cũng vui vẻ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Với phương pháp vận động thuyết phục có lý có tình, các phong trào thi đua yêu nước đều được bà con trong tổ nhiệt tình tham gia; tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt, các tệ nạn cờ bạc, đá gà, đòi nợ thuê, nhậu nhẹt gây mất trật tự trong tổ bị xóa dần. Năm 2012, tổ dân phố 112 được công nhận là Tổ tiên tiến cấp quận; khu phố 4 đạt danh hiệu Khu phố tiên tiến và đang phấn đấu trở thành "Khu phố văn hóa" năm 2013.

"Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì vô cùng phong phú, với sức vóc, hoàn cảnh của mình tôi chỉ dám học tập Bác bằng việc cố gắng đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người khác mà thôi". Rất chân thành ông Hồ Ðề nói với tôi như vậy.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.