Lực lượng dân quân giúp người dân xã Nghiên Loan, huyện Pắc Nặm sửa chữa nhà sau mưa đá. |
Hai năm nay, mỗi ngày, chị Doãn Thị Oanh, hội viên phụ nữ ở tổ 4, phường Phùng Chí Kiên (TP Bắc Cạn) lại bỏ ra từ năm đến mười nghìn đồng “nuôi lợn tiết kiệm” để ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội. Từ năm 2017 đến nay, chị đã ủng hộ được gần 1,5 triệu đồng. Mô hình “nuôi lợn tiết kiệm” trở thành phong trào thu hút đông đảo hội viên phụ nữ thành phố tham gia. Cuối mỗi năm, Hội Phụ nữ thành phố tổ chức “Ngày hội mổ lợn” để huy động tiền tiết kiệm từ hội viên. Trung bình mỗi năm, hội viên tiết kiệm được hơn 800 triệu đồng. Số tiền tiết kiệm được hội viên sử dụng phát triển kinh tế gia đình, trích một phần hoặc toàn bộ để ủng hộ, hỗ trợ những hội viên khó khăn. Nhờ đó, các cấp hội đã có kinh phí hỗ trợ vợ liệt sĩ làm nhà, giúp xã Dương Quang xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ cây, con giống cho các hộ gia đình khó khăn.
Ðồng chí Nông Phương Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Bắc Cạn cho biết, để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trở thành nếp nghĩ, cách làm thường xuyên, Hội chỉ đạo từng chi hội đăng ký việc làm cụ thể, như: mô hình “Mỗi chi hội giúp một hộ thoát nghèo”, “Ðồng hành cùng phụ nữ nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, “Mái ấm tình thương”... Nhờ đó, phụ nữ thành phố đã xây dựng được 46 mô hình hiệu quả; huy động hơn 3.000 ngày công lao động, gần bốn tỷ đồng, giúp 450 lượt hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 76 nhà tình thương...
Năm 2016, do thiếu sót trong kiểm tra, giám sát, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn xảy ra việc cung ứng giống lúa thuần KB1 và PAC 837 khi chưa qua khảo nghiệm khiến nhiều diện tích lúa vụ mùa nhiễm bệnh nặng, thiệt hại hơn 1,7 tỷ đồng. Xác định đây là bài học sâu sắc, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lựa chọn một nội dung học tập và làm theo Bác là xử lý vấn đề quản lý giống cây trồng, tình trạng gieo trồng nhiều giống ngoài cơ cấu dẫn tới nhiễm bệnh gây thiệt hại cho người dân. Ngành ban hành tám văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp; đình chỉ hai mô hình sản xuất thử, không cho gieo cấy ba giống lúa ngoài cơ cấu; ký cam kết với các hộ kinh doanh không buôn bán vật tư nông nghiệp kém chất lượng, quá hạn, không rõ nguồn gốc. Do vậy, đến nay, tỷ lệ giống ngoài cơ cấu trong sản xuất trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn giảm dần, không xuất hiện giống chưa qua khảo nghiệm.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Cạn xác định rõ, việc thực hiện Chỉ thị 05 phải gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đề ra tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh. Ðó là: Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu gương, nêu cao trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với nhân dân; xây dựng bộ máy chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ. Ðối với tập thể tập trung triển khai bốn việc chủ yếu là: nghiêm túc học tập, kiểm điểm, nhận diện và tự gột rửa các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; về phong cách, tác phong công tác; lựa chọn giải quyết kịp thời, hiệu quả vấn đề bức xúc, nổi cộm; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nêu gương, nêu cao trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với nhân dân, bộ máy chính quyền liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ. Từng địa phương triển khai các nhiệm vụ đột phá, như: TP Bắc Cạn thực hiện nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm, gắn bó với nhân dân; huyện Ba Bể tích cực đổi mới công tác cán bộ, tập trung quy hoạch phát triển vùng kinh tế nông, lâm nghiệp, dịch vụ du lịch… Cá nhân đăng ký việc làm cụ thể, như sửa đổi tác phong, lối sống, cung cách làm việc, vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với nhiệm vụ được phân công tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng, nơi cư trú…
Việc nêu gương thực hiện thống nhất từ trên xuống. Cụ thể, Thường trực Tỉnh ủy không dùng ngân sách để tiếp khách riêng; cùng cán bộ cơ quan giúp đỡ xã, thôn khó khăn; xây dựng quy định không can thiệp, chi phối vào các hợp đồng, dự án xây dựng cơ bản, đấu thầu, mua sắm cũng như công tác bổ nhiệm, đề bạt cán bộ vì mục đích cá nhân; hạn chế tối đa sử dụng ngân sách vào những việc không cần thiết trong tổ chức hội họp từ băng-rôn, hoa, quà tặng, tiết kiệm cho ngân sách mỗi năm hàng tỷ đồng… Các cơ quan, đơn vị của tỉnh hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng cho các xã khó khăn xây dựng chín nhà họp thôn, hai nhà tình nghĩa, năm cầu dân sinh, nhiều đường bê-tông, cây giống, vật nuôi… Các ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm những vấn đề nổi cộm, bức xúc: ngành tài nguyên và môi trường giải quyết những bất cập, vướng mắc trong công tác tái định cư; ngành lao động, thương binh và xã hội giải quyết vướng mắc trong việc điều chỉnh tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cho 188 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo kết luận của cơ quan chức năng; huyện Ngân Sơn giải quyết vấn đề khai thác khoáng sản trái phép; Ðảng ủy Công an tỉnh giải quyết tình trạng cán bộ, chiến sĩ vay nợ không có khả năng chi trả, gây dư luận xấu… Hầu hết những việc bức xúc, nổi cộm đã được giải quyết và cơ bản giải quyết trong hai năm qua.
Đồng chí Ma Từ Ðông Ðiền, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Cạn cho biết, việc đăng ký, học tập và làm theo Bác đã dần trở thành việc thường xuyên. Tuy nhiên, một số tập thể, cá nhân còn đăng ký việc làm chưa thật cụ thể; chưa giải quyết dứt điểm những việc bức xúc. Còn có cấp ủy chưa chỉ ra được cá nhân, tập thể thiếu tự giác, nhất là trong khối cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp. Do đó, từ năm 2019, tỉnh Bắc Cạn tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc nêu gương; thực hiện hiệu quả chuyên đề xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân; tập trung tổng kết, đánh giá đợt sinh hoạt chính trị tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII. Bằng cách tổ chức thực hiện bài bản, quyết tâm cao, tỉnh Bắc Cạn đang xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức, mô hình học tập và làm theo tấm gương của Bác một cách thuyết phục.