Mỗi đơn vị, cá nhân chọn một việc làm ý nghĩa

Bài, ảnh: Tiểu Phương và Nhất Sơn

Thứ Ba, 03/03/2020 06:57
Học Bác là để làm tốt công việc của chính mình, hướng đến lợi ích cộng đồng, tập thể. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW năm 2016 của Bộ Chính trị ở huyện miền núi, biên giới Lộc Ninh (Bình Phước), nhận thức đó được cụ thể hóa thành hành động để mỗi cá nhân, đơn vị chọn việc thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, nhân lên những mô hình hay, tấm gương tiêu biểu.
Con đường nối từ đường lớn vào ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh vừa được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2020.
Con đường nối từ đường lớn vào ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh vừa được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2020.

Chọn vấn đề trọng tâm

Con đường dân sinh nối từ đường lớn vào ấp Đồng Tâm, xã Lộc Thịnh đã được trải bê-tông và hoàn thành ngay trước dịp Tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, trong niềm vui của người dân trong ấp. Chị Đinh Thị Lý, một trong những nông dân tiên phong làm kinh tế hộ, bộc bạch, mong muốn bao lâu của người dân về một con đường “tử tế” giờ đã thành hiện thực.

Để phát triển kinh tế, gia đình chị đã chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống sang trồng cây ăn trái, bước đầu cho kết quả khả quan. Với bảy sào đất, trồng hơn 220 gốc nhãn đặc sản, vụ vừa qua cho sản lượng 20 kg/gốc, thu nhập cao hơn nhiều lần trồng lúa. Con đường bê-tông không chỉ giúp người dân đi lại dễ dàng trong mọi điều kiện thời tiết mà còn thuận lợi trong vận chuyển nông sản mùa thu hoạch.

Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thịnh Trần Thị Yến cho biết, bảo đảm kế hoạch bê-tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 mà Đảng ủy xã tập trung giải quyết. Theo đó, cấp ủy, chính quyền từ xã đến cơ sở cùng vào cuộc, vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công. Song song một số đoạn đường Nhà nước và nhân dân cùng làm, có sự đồng hành của đơn vị kết nghĩa là Sư đoàn 302, hơn 17 km đường đã được bàn giao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Tại xã Lộc Tấn, nhiệm vụ trọng tâm được gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; quản lý bảo vệ rừng… Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường phối hợp ngành chức năng, đơn vị chủ rừng chủ động các giải pháp phòng, chống cháy rừng; kiểm tra các hộ trồng, mua, bán cây xanh; xác minh những hộ dân xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép…

Chủ tịch UBND xã Giang Minh Hiến cho biết, với phương thức Nhà nước hỗ trợ vật tư, nhân dân góp vốn làm công trình, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 16 km đường bê-tông tại các ấp 12, K57, 6B, Thạnh Tây, và một số công trình khác đang được khẩn trương thực hiện. Mới đây, công trình “thắp sáng đường quê” tổng chiều dài hơn 3,6 km tại các ấp 1B, 6B, 5C đã làm làng quê thêm khởi sắc, góp phần bảo đảm an toàn, trật tự trị an địa bàn.

Có sự chung tay của toàn xã hội, năm 2018, xã Lộc Tấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, cấp ủy chỉ đạo thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, tiếp tục hoàn thiện các công trình giao thông, cống, mương, kè thoát nước; triển khai đề án của huyện về hệ thống điện chiếu sáng nông thôn giai đoạn 2019-2021.

Theo Huyện ủy Lộc Ninh, việc gắn những nội dung của Chỉ thị 05 với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị góp phần thúc đẩy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, nổi cộm đặt ra từ thực tế cuộc sống. Điển hình như việc tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân về đền bù, giải tỏa làm quốc lộ 13; đền bù, bàn giao mặt bằng thực hiện dự án mở rộng nâng cấp khu căn cứ Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết.

Ở khối cơ quan nhà nước, quá trình thực hiện sáp nhập và nhất thể hóa các chức danh của các cơ quan khối Đảng, đoàn thể được cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị chọn là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện công khai, dân chủ...

Năm 2019, Đảng bộ huyện Lộc Ninh lựa chọn bốn vấn đề thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là, tăng cường tiếp xúc, đối thoại kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân, hạn chế thấp nhất khiếu kiện đông người, vượt cấp; khuyến khích nhân dân tham gia quá trình phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tăng thu ngân sách, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người. Năm 2019, tất cả 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Lộc Ninh đều đạt và vượt mức đề ra.

Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả

Chuyển biến từ các phong trào thiết thực đã nhân lên nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực trong đời sống. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã khích lệ tinh thần đoàn kết trong nhân dân, cùng nhau làm giàu đẹp quê hương bằng các hành động cụ thể như hiến đất, ủng hộ vật chất, ngày công.

Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ với mô hình hũ gạo tình thương, nuôi heo đất, góp vốn xoay vòng để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều bệnh nhân nghèo điều trị tại Trung tâm Y tế huyện cảm thấy ấm lòng khi nhận những suất ăn miễn phí từ Bếp ăn tình thương của Hội Chữ thập đỏ thị trấn Lộc Ninh. Cuộc sống nông thôn bình an hơn từ khi mô hình Tiếng kẻng an ninh được nhân rộng.

Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ Công an huyện Lộc Ninh vận động cán bộ, chiến sĩ tặng quà cán bộ công an hưu trí và thân nhân liệt sĩ, gia đình khó khăn ở hai xã Lộc Hưng và Lộc Thành, các em học sinh vượt khó học giỏi tại các xã Lộc Phú, Lộc Thiện, Lộc Thành, Lộc Hưng...

Ở mảnh đất “miền Đông gian lao mà anh dũng” này, chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với những tấm gương bình dị mà cao quý. Với họ, học Bác không phải là những điều xa vời, mà chính là làm tốt việc của bản thân, gắn bó và góp phần làm lợi cho vùng đất mình sinh sống.

Tham quan vườn cây trái của vợ chồng cựu binh già Nguyễn Thắng Giang, Dương Thị Lợi ở ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh, ngưỡng mộ tình yêu của họ, thêm khâm phục ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ. 2 ha trồng cam, chanh, ổi… cho quả trĩu cành, do bàn tay của hai vợ chồng già tự tay trồng và chăm sóc.

Từng là người lính của Đơn vị Anh hùng C270 đặc công nước Bến Tre, sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, ông Giang tiếp tục làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ biên giới tây-nam. Trở về địa phương, ông liên tục đóng góp cho công tác xã hội. Dù không sinh ra và lớn lên ở đây, nhưng trót yêu mảnh đất này, nên ông cùng người vợ quyết tâm gắn bó, làm xanh thêm vùng đất đỏ anh hùng.

Một trong những tấm gương điển hình là Trưởng ấp Tà Thiết, xã Lộc Thịnh Lâm Vi, người đã góp phần cùng Chi bộ ấp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tuyến đường Đồng Tâm - Tà Thiết. Việc khó đã được tháo gỡ khi vận động thành công một số người dân trước đó cố tình cản trở, không chịu bàn giao mặt bằng dù đã có quyết định thu hồi đất, thậm chí đã nhận tiền đền bù nhưng vẫn cố tình gây khó.

Đánh giá kết quả ba năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Huyện ủy Lộc Ninh cho rằng, việc đổi mới phương thức tuyên truyền, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; động viên, khuyến khích người dân tự lực vươn lên bằng sự quan tâm cụ thể đã tạo động lực để kết quả đi vào thực chất.

Đối với hệ thống chính trị, sự chuyển biến được minh chứng bằng kết quả thực hiện việc đăng ký làm theo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị. Từ đó hạn chế phát sinh vụ việc nổi cộm, bức xúc; những việc mà cán bộ, đảng viên, người dân đặc biệt quan tâm được tập trung xử lý, giải quyết có kết quả.

Bên cạnh đó, rèn luyện tác phong gần dân của người đứng đầu Huyện ủy, UBND và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách cơ sở, qua việc thường xuyên gắn bó cơ sở, kiểm tra đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05, cũng là kinh nghiệm cần được chia sẻ và nhân rộng.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.