Công an phường Châu Sơn, TP Phủ Lý giáo dục, cảm hóa tái hòa nhập cộng đồng đối tượng Chu Thắng Hiếu (thứ hai từ trái sang) sau 4 năm ra tù vì tội cướp tài sản. |
Trong bộ cảnh phục, nhìn chị thật giản dị và thân thiện. Ðó là cảm nhận của nhiều người về Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Minh, Ðội trưởng Ðội Hướng dẫn công tác quản lý cư trú, cấp, quản lý chứng minh nhân dân (CMND) và giấy tờ đi lại khác, thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC 64). Chị Minh chia sẻ: Hơn mười năm công tác tại PC 64, chứng kiến người dân đi lại vất vả trong quá trình làm thủ tục giấy tờ, chị không khỏi trăn trở, muốn tìm cách giúp người dân giảm bớt đi lại mà vẫn bảo đảm yêu cầu, nguyên tắc công tác của ngành.
Năm 2013, chị Minh đề xuất lãnh đạo đơn vị tham mưu với Giám đốc Công an tỉnh ban hành Quy chế thực hiện công tác quản lý cư trú và cấp CMND trong toàn tỉnh. Việc làm này đã đáp ứng công tác cải cách thủ tục hành chính và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tạo điều kiện cho công dân không phải đi xa mà làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CMND ngay tại xã, phường, thị trấn hoặc tại công an các huyện, thành phố.
Hiện nay, cán bộ làm công tác cấp CMND tăng cường xuống cơ sở và đến các gia đình neo đơn, gia đình chính sách làm thủ tục cấp CMND. Nhờ đó đã góp phần giảm số lượng người đến trụ sở Công an tỉnh; rút ngắn thời gian hoàn trả CMND cho công dân từ 30 ngày xuống 15 ngày đối với khu vực nông thôn, từ 15 ngày xuống bảy hoặc mười ngày đối với thành phố. Thấu hiểu và chia sẻ với những người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn, vào những ngày lễ, ngày thứ bảy, chủ nhật, chị Minh và đồng đội trực tiếp đến các gia đình làm thủ tục cấp CMND.
Bác Nguyễn Thị Ngoan ở xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, bị ung thư gan giai đoạn cuối. Khi lên điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội), cần có CMND để thanh toán bảo hiểm y tế. Chị đã không một chút đắn đo, lên tận bệnh viện để làm thủ tục cấp CMND cho bác Ngoan và từ chối nhận thù lao của gia đình. Các bác sĩ và bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K lúc đó đều nghĩ rằng gia đình bác Ngoan làm dịch vụ mới được phục vụ tận tình như thế. Nhưng khi biết chị Minh làm vì tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy hết lòng vì dân của người công an nhân dân, ai cũng xúc động và quý mến. Với chị, đó là niềm vui. Chị và các đồng đội đã nhận được hàng trăm lá thư của người dân cảm ơn, khen ngợi tinh thần và thái độ phục vụ tận tình, chu đáo.
Ðến với cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Nam, chúng tôi cảm phục trước nhiều tấm gương hết mình vì công việc đúng như lời Bác Hồ dạy lực lượng Công an "...Ðối với công việc, phải tận tụy".
Thượng tá Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC 45) đã hai mươi năm trong nghề điều tra, phá án và dù ở bất cứ vị trí công tác nào, anh Tiến luôn nắm vững nghiệp vụ, pháp luật, thận trọng, khách quan, công tâm trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, đồng thời làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nhờ đó, nhiều vụ án đã nhanh chóng được phá và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Cách đây hai năm, xảy ra vụ cướp tiệm vàng Kim Trung ở thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục. Ðối tượng manh động và hung hãn dùng lựu đạn để khống chế chủ tiệm vàng. Sau khi bị bắt, đối tượng liều lĩnh ném lựu đạn chống trả. Sự việc xảy ra sát cây xăng, lại đúng lúc có nhiều ô-tô chờ mua. Không chần chừ, anh Tiến lao vào chộp quả lựu đạn, ném ra bãi đất trống. Sau này, nhiều người hỏi về hành động dũng cảm ấy, anh bảo khi đó chỉ nghĩ làm thế nào để hạn chế thấp nhất thương vong cho người dân và đó cũng là phản xạ tự nhiên của người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân.
Nhiều vụ trọng án được anh trực tiếp cùng đồng đội PC 45 điều tra, khám phá kịp thời, điển hình như vụ hiếp dâm, giết người, cướp tài sản xảy ra tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm; vụ giết người tại đường Quy Lưu, phường Minh Khai, TP Phủ Lý; mới đây là vụ giết người tại quán karaoke Thiên Thanh, xã Tiên Tân, TP Phủ Lý.
Anh Tiến bộc bạch: "Việc đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng khó khăn bởi thủ đoạn của bọn chúng rất tinh vi, chỉ có kinh nghiệm điều tra, phá án thôi chưa đủ. Ðể trở thành cảnh sát hình sự giỏi, phải có niềm đam mê, sự sáng tạo, tinh thông nghiệp vụ, dựa vào dân, tìm ra phương án phá án hiệu quả; đồng thời có đủ bản lĩnh vượt qua mọi áp lực và cám dỗ tầm thường".
Thượng tá Trần Minh Tiến và Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Minh là hai trong nhiều gương điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được vinh danh trong lực lượng Công an tỉnh Hà Nam. Không chỉ phát hiện, xây dựng các điển hình tiên tiến, Công an tỉnh Hà Nam còn có nhiều cách làm hay, kinh nghiệm tốt, để nhân rộng các điển hình. Việc ghi sổ vàng gương người tốt, việc tốt và thông báo gương người tốt, việc tốt hằng quý được duy trì đều đặn trong Công an toàn tỉnh.
Ba năm qua, có 45 lượt tập thể, 56 lượt cá nhân được ghi Sổ vàng của Công an tỉnh; hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được ghi Sổ vàng của các đơn vị, đoàn thể quần chúng. Tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Nam đã được Bộ Công an tặng bằng khen; 22 lượt tập thể và 108 lượt cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ ở Công an Hà Nam được gắn với phong trào "Công an nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy", qua đó tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, tác phong chính quy; xây dựng nếp sống văn hóa, nhất là văn hóa giao tiếp, ứng xử; tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, ý thức phục vụ nhân dân.