Một cửa "lưu động" phục vụ nhân dân

ÐÌNH CHÂU

Thứ Tư, 27/03/2013 20:02
Cải cách thủ tục hành chính phải trực tiếp phục vụ nhân dân, cộng đồng và xã hội; là giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, nhiều địa phương, đơn vị, tập thể và cá nhân trong cả nước đã có những cách làm hay, sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ  quan trọng này. Mô hình một cửa "lưu động" ở Chi cục Thủy sản Bình Thuận là một trong những mô hình đang thật sự phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Cán bộ một cửa "lưu động" Chi cục Thủy sản Bình Thuận hướng dẫn ngư dân phường Mũi Né, TP Phan Thiết làm hồ sơ.
Cán bộ một cửa "lưu động" Chi cục Thủy sản Bình Thuận hướng dẫn ngư dân phường Mũi Né, TP Phan Thiết làm hồ sơ.

Chúng tôi có dịp đi cùng tổ công tác của Chi cục Thủy sản Bình Thuận tới phường Mũi Né (TP Phan Thiết) để tìm hiểu việc đăng kiểm tàu cá cho ngư dân tại đây. Ðiều gây ngạc nhiên cho tôi là trong tổ công tác có một cán bộ của bộ phận một cửa thuộc chi cục cùng tham gia.

Thông thường, những cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa ở các cơ quan nhà nước đều phải luôn có mặt tại trụ sở để thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Như đoán được suy nghĩ của tôi, anh cán bộ "một cửa" tên là Trần Bình Trọng cho biết, hằng năm cùng với bộ phận chuyên môn xuống cơ sở thực hiện đăng kiểm tàu cá theo định kỳ, thì bộ phận một cửa cũng cử cán bộ cùng đi để đồng thời tiến hành việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cho bà con ngư dân. Ði công tác cơ sở đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ một cửa ở Chi cục Thủy sản Bình Thuận.

Tháng 6-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định phê duyệt đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa tại Chi cục Thủy sản Bình Thuận, nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy đăng ký tàu cá, danh sách thuyền viên, giấy phép khai thác thủy sản, cấp giấy phép đóng mới, cải hoán tàu cá...

Thực hiện quyết định này, Chi cục Thủy sản đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (còn gọi là bộ phận một cửa) với bốn cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn,  phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần thái độ phục vụ nhân dân để hướng dẫn nhân dân thực hiện các thủ tục và nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết theo quy định chung. Qua một thời gian thực hiện, việc giải quyết các thủ tục, hồ sơ giấy tờ cho ngư dân ngày càng có kết quả tích cực.

Tuy nhiên, đối với nhiều ngư dân, do trình độ còn khá hạn chế nên việc phải hoàn chỉnh đầy đủ các loại giấy tờ, hồ sơ trước khi nộp cho cơ quan chức năng là rất khó khăn. Cùng với đó, nhiều người ở các địa phương vùng biển xa TP Phan Thiết cũng mất rất nhiều thời gian đi lại và các chi phí khác để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết. Ðối với ngư dân ở huyện đảo Phú Quý xa xôi thì còn khó khăn hơn nhiều.

Nhận thấy nỗi vất vả, khó khăn của người dân và sự bất cập trong quá trình thực hiện, Chi cục Thủy sản đã đề xuất điều chỉnh lại đề án cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt thực hiện vào tháng 7-2011.

Theo đó, bổ sung quy định, trường hợp khi đoàn công tác kiểm tra đăng kiểm theo định kỳ tại các địa phương cơ sở thì Chi cục Thủy sản phân công công chức bộ phận một cửa trực tiếp đi cùng đoàn để thực hiện hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ của ngư dân, hẹn thời gian trả kết quả. Việc thực hiện mô hình này được gọi đơn giản là một cửa "lưu động".

Với lực lượng chỉ có bốn người, trong đó có một nữ, những cán bộ bộ phận một cửa đã khắc phục mọi khó khăn, thường xuyên thay nhau đi cơ sở để giải quyết các thủ tục cho bà con.

Trước khi xuống địa bàn một tuần, bộ phận một cửa phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cùng lực lượng bộ đội biên phòng tổ chức tuyên truyền thông báo cho nhân dân về thời gian tiến hành và các thủ tục hành chính sẽ thực hiện.

Là tỉnh có nhiều địa phương ven biển, với số lượng tàu thuyền rất lớn, cùng với đó là các hoạt động liên quan đến nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản đều thuộc lĩnh vực quản lý của Chi cục Thủy sản. Vì vậy, lịch làm việc của cán bộ một cửa "lưu động" gần như quanh năm là ở cơ sở.

Anh Trần Bình Trọng, cán bộ một cửa "lưu động" tâm sự, tuy phải gánh vác công việc nhiều hơn, thường xuyên xa nhà, nhưng khi giúp được bà con giảm bớt khó khăn, tiết kiệm thời gian đi lại và những chi phí phát sinh thì cảm thấy rất vui và coi đó là nguồn động viên khích lệ tinh thần rất lớn để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa.

Ông Huỳnh Thiện Ánh, ở khu phố 14, phường Mũi Né, là chủ tàu cá công suất 200 CV hành nghề pha xúc cho biết: Trước đây, mặc dù chỉ cách trung tâm TP Phan Thiết khoảng 20 km, nhưng cứ mỗi lần phải làm thủ tục cho tàu cá hoạt động khai thác là ông lại thấy căng thẳng và ngại. Bởi ông sợ khi đến nơi, nếu không tập hợp đầy đủ giấy tờ theo quy định thì lại phải quay về, vừa mất thời gian đi lại, vừa tốn kém chi phí phát sinh.

Nhưng từ khi Chi cục Thủy sản triển khai thực hiện một cửa "lưu động", ông chỉ việc mang hồ sơ tới địa điểm tiếp nhận tại nơi cư trú, nếu thiếu giấy tờ gì có thể về nhà mang lên bổ sung ngay hoặc có gì sai thì được cán bộ một cửa hướng dẫn sửa ngay tại chỗ. Việc này rất thuận tiện, giảm bớt phiền hà cho nhân dân.

Bình Thuận có khoảng 9.000 tàu thuyền đánh cá, trong đó gần 5.200 tàu cá có công suất từ 20 CV trở lên do Chi cục Thủy sản quản lý cấp giấy đăng ký hoạt động, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản...

Năm 2011, tổng số hồ sơ bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả gần 5.900 hồ sơ, trong đó gần 2.900 hồ sơ nhận tại địa bàn cơ sở theo mô hình một cửa "lưu động".

Theo ước tính đã tiết kiệm được cho nhân dân ở các địa bàn xa như: Phú Quý, Tuy Phong, La Gi, Hàm Tân, Mũi Né hơn 350 triệu đồng tiền tàu, xe đi lại cùng hàng vạn ngày công lao động. Năm 2012, tiếp nhận gần 7.500 hồ sơ, trong đó một cửa "lưu động" gần 3.000 hồ sơ; tiết kiệm được cho nhân dân hơn 400 triệu đồng tiền tàu xe và các hao tổn khác.

Cùng với việc thực hiện mô hình một cửa "lưu động", Chi cục Thủy sản Bình Thuận còn đẩy nhanh thời hạn giải quyết thủ tục, hồ sơ các lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, hầu hết đều được rút ngắn so với quy định chung của Nhà nước từ hai đến ba ngày. Trong hai năm 2011 và 2012, không có hồ sơ nào giải quyết bị trễ hẹn. Chất lượng và hiệu quả công việc được tăng lên rõ rệt thông qua các số liệu thống kê.

Ðồng chí Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết: Việc trực tiếp xuống với dân, gần dân hơn đã giúp cán bộ một cửa nắm chắc được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, hiểu rõ những thắc mắc cũng như những kiến nghị của nhân dân. Từ đó, đề xuất với cơ quan quản lý để điều chỉnh, bổ sung cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp với tình hình thực tế công việc trên cơ sở tiện nhất, gọn nhất và đúng pháp luật.

Nhưng đối với anh, thành công nhất của việc đề xuất thực hiện mô hình một cửa "lưu động" là thay đổi thói quen làm việc của cán bộ công chức trong cơ quan với phương châm "làm hết việc chứ không phải hết giờ", mọi người có tinh thần trách nhiệm với công việc hơn. Thông qua thực hiện tiêu chí "5 biết" do chính mình đưa ra (biết vui vẻ khi tiếp xúc với nhân dân; biết cảm ơn khi được nhân dân góp ý, xây dựng; biết xin lỗi nhân dân khi mình sai sót, khuyết điểm; biết lắng nghe dân nói, nói dân hiểu, dân tin; biết xử lý đúng đắn các yêu cầu, kiến nghị của nhân dân), tinh thần thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ một cửa được nâng lên rất rõ, được bà con nhân dân tin yêu.

"Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm", lời dạy của Bác Hồ năm xưa đã được tập thể Chi cục Thủy sản Bình Thuận áp dụng vào trong công việc một cách hết sức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hôm nay. Một cửa "lưu động", đó chính là sự vận dụng sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào trong cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức Chi cục Thủy sản Bình Thuận.

Có thể nói, một cửa "lưu động" đã tiếp sức cho ngư dân Bình Thuận yên tâm ra khơi bám biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Một cửa "lưu động" giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính được tiện lợi, nhanh gọn, bớt phiền hà. Ðó cũng là biểu hiện rõ nét của nền hành chính công phục vụ nhân dân.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.