Bà K'Hiếu (ngoài cùng bên phải) tại buổi giao lưu các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Giỏi việc khu phố
65 tuổi đời với gần 40 năm tích cực hoạt động xã hội tại địa phương, bà K’Hiếu được cán bộ và người dân nơi đây ghi nhận là tấm gương hết lòng vì lợi ích cộng đồng và chăm nuôi những trẻ em tật nguyền, cơ nhỡ. Năm 2009, bà được bầu làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố, phụ trách tổ vay vốn và y tế thôn bản.
Bao năm qua, bà con khu phố quen với hình ảnh người phụ nữ tần tảo việc gia đình, nhiệt tình với bà con khối phố. Không kể sớm khuya, bà đến từng nhà vận động người dân loại bỏ dần những phong tục lạc hậu, thói quen sinh hoạt không phù hợp, như tục thách cưới, lo tang ma, ốm đau không đến cơ sở y tế mà ở nhà làm lễ cúng...
Với vai trò cấp ủy, bà K’Hiếu luôn băn khoăn, làm sao để đảng viên cũng như người dân có hướng vươn lên thoát nghèo. Bản tính năng động, thực tế, lại là tổ trưởng vay vốn, bà vận động người dân lựa chọn cách làm, hỗ trợ thủ tục vay vốn phát triển kinh tế. Người có hoàn cảnh khó khăn như gia đình K’Tỷ được hỗ trợ 10 triệu đồng để cải tạo nơi ở... Nhiều hộ gia đình sử dụng hiệu quả đồng vốn vay, kết hợp áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa một vụ, cà-phê cằn cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Phong trào được nhân rộng, vừa tăng năng suất, sản lượng cây trồng vừa giải quyết việc làm tại chỗ cho bà con... Kết quả từ sự kiên trì, bền bỉ của Bí thư Chi bộ K’Hiếu cùng cộng đồng nỗ lực thoát nghèo, khu phố Xoan giảm từ 31 hộ (năm 2009) đến nay còn 5 hộ nghèo.
Triển khai phong trào “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”, nữ bí thư chi bộ cùng cấp ủy và trưởng các đoàn thể thống nhất cách làm, vận động nhân dân tạo sự đồng thuận cao, nhất là đối với bà con dân tộc thiểu số. Chi bộ thống nhất các đảng viên phải làm gương dẫn đầu phong trào, Bí thư Chi bộ phải trở thành tấm gương tiêu biểu. Nói là làm, bà K’Hiếu và gia đình tự nguyện hiến 500m2 đất làm đường, với tổng trị giá 60 triệu đồng.
Để bà con trong tổ dân phố có nơi hội họp khi cần, Chi bộ phân công đảng viên vận động người dân đóng góp được 200 triệu đồng. Từ khi có hội trường, những sinh hoạt cộng đồng được bà con khu phố tham gia nhiệt tình hẳn. Bà K’Hiếu tâm sự, nếu tự mình vượt qua khó khăn và thiếu thốn trong cuộc sống, giúp được nhiều người là tạo niềm vui cho chính mình. Giờ đây ai cũng nhận thấy sự đổi thay tích cực của địa phương. Từ một tổ dân phố nghèo với nhiều hủ tục lạc hậu, đến nay có đường bê-tông, có hội trường làm nơi sinh hoạt văn hóa và tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước...
Đảm việc nhà
Nhiều người dân tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, cũng như cán bộ huyện Lâm Hà đều kể về người phụ nữ Cơ Ho ấy bằng tình cảm trìu mến. Họ bày tỏ sự cảm phục tấm lòng nhân hậu của bà K’Hiếu khi nhận nuôi 8 đứa trẻ bất hạnh tới lúc các em trưởng thành.
Bà tâm niệm, bản thân từng là trẻ mồ côi, không được sống trong vòng tay gia đình, nên bà thấu hiểu, dành tình thương cho những mảnh đời cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Khi 17 tuổi, bà đã nhận trách nhiệm làm mẹ khi nhận một bé bất hạnh về nuôi. Từ đó đến nay, tám đứa trẻ đã được bà cưu mang, nuôi nấng, đến lúc trưởng thành, rồi dựng vợ, gả chồng. Bao vất vả không đếm đong được khi trong số đó có một trẻ bị khiếm thị, một bé mắc hội chứng thiểu năng trí tuệ.
Cuộc sống cần cù, chăm chỉ để nuôi các con ăn học của bà lại chất chồng khó khăn khi bà phát hiện người con út là K’Niệm có dấu hiệu bệnh tâm thần. Từ năm 2000, bắt đầu những tháng ngày đưa con đi chữa bệnh khắp nơi... Từ khi K’Niệm mới 6 tháng tuổi đến nay, bà đã dốc cạn sức mình. Khó khăn hơn nữa với bà khi chỗ dựa duy nhất là người chồng thì ông lại mắc bệnh tim. Nhưng trong hoàn cảnh nào, bà cũng thể hiện sự lạc quan, mong chồng con mạnh khỏe để cả nhà có thêm động lực.
Bao áp lực đè nặng đôi vai gầy nhưng trong bà vẫn không nguôi trăn trở việc chung, vì cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn khó khăn, thiếu thốn nhiều bề. Trình độ dân trí, kiến thức hạn chế, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi còn chậm. Đời sống nhìn chung còn thấp. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi chưa cao... Bà con nơi đây luôn mong mỏi cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và hướng dẫn, hỗ trợ vốn liếng, cách thức làm ăn nhiều hơn nữa để kéo gần khoảng cách với các vùng miền.
Ghi nhận sự nỗ lực của bà K’Hiếu, UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen; UBND huyện Lâm Hà nhiều lần khen thưởng và tuyên dương nữ cán bộ có đóng góp xuất sắc trong công tác vận động quần chúng. Năm 2010, bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2015 bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.