Nâng bước chân em đến trường

PHẠM THỊ TOÁN (Hội Liên hiệp VHNT Ðồng Tháp)

Thứ Sáu, 30/01/2015 19:48
Ðến Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng, tỉnh Ðồng Tháp), chúng tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp hàng chục em nhỏ cổ quàng khăn đỏ, mặc áo phao vàng rực, lưng mang cặp sách đi học, đang được các anh bộ đội biên phòng đưa xuống chiếc tắc ráng mấy chục mã lực để đến trường cùng các bạn trên đất liền.
Cán bộ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Ðồng Tháp) đưa các em học sinh đến trường.
Cán bộ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Ðồng Tháp) đưa các em học sinh đến trường.

Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà quản lý đoạn biên giới dài 17,8 km, chạy dọc bờ bắc sông Sở Hạ và hai xã Tân Hộ Cơ, Bình Phú, nơi có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm gần 23%. 665 hộ dân không có đất sản xuất và hơn 200 hộ thiếu đất sản xuất, không có nghề, chỉ đi làm thuê làm mướn.

Nhiệm vụ chính trị của các anh là bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc; tham gia phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh. Dọc tuyến biên giới Ðồn biên phòng phụ trách có bảy cụm và hai tuyến dân cư, trong đó cụm dân cư Cả Xim và Cả Chanh bị chia cắt hoàn toàn trong mùa lũ. Nước lũ tràn về, cụm dân cư nằm thoi loi như một ốc đảo, biệt lập với đất liền.

Ðồng bào ở đây ai cũng hiểu, việc học hành của con em là cần thiết, nhưng nhiều gia đình phải cho con thôi học do không có xuồng ghe, không có thời gian để đưa đón con. Hai xã Tân Hộ Cơ và Bình Phú là xã nghèo trong huyện, nằm giữa vùng rốn lũ Ðồng Tháp Mười, hằng năm, mùa lũ kéo dài từ 5-6 tháng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ðồng Tháp Hồ Nhất Thống trăn trở: Cái lo thường trực của ngành giáo dục địa phương vẫn là những chuyến đò an toàn cho các em học sinh. Bản thân giáo viên và học sinh luôn nâng cao nhận thức để có những kỹ năng cơ bản trong việc phòng, chống và hạn chế thấp nhất sự nguy hiểm trên đường đến trường.

Em Nguyễn Thị Kim Anh ở cụm dân cư Cả Xiêm, học lớp 4C, Trường tiểu học Dinh Bà cười nói với chúng tôi: Ba con hằng ngày đi chăn bò, còn má thì bán quán. Trước đây muốn đi học, ba má con phải thay nhau bơi xuồng qua sông đưa rước, con mới tới trường được. Có ngày, ba má bận công chuyện, con phải nghỉ học, buồn lắm. Bây giờ, con vào học hai giờ chiều, thì một giờ tập trung ở Ðồn biên phòng để các chú đưa đi. Con rất thích vì ba má không phải lo chuyện đưa đón, lại không tốn tiền đò, chúng con đứa nào cũng vui lắm...

Ði cùng các em trong suốt mùa nước năm nay, anh Mai Văn Tút (thường gọi Ba Tút), chia sẻ: Tuy không có con đi học, nhưng được xã vận động, mấy tháng nay, đều đặn từng buổi, tôi đưa rước các cháu đến trường mà không nghĩ đến tiền thù lao... Sự đóng góp không lớn, nhưng rất có ý nghĩa đối với người dân nơi đây.

Thiếu tá Phạm Ngọc Tuất, Ðội Vận động quần chúng Ðồn Biên phòng Cửa khẩu tâm sự: Thương các em lắm, nhất là các em gia đình nghèo không thể lội nước đến trường, lãnh đạo Ðồn Biên phòng, UBND hai xã Bình Phú và Tân Hộ Cơ chủ động phối hợp, tìm cách đưa các em đến trường. Tắc ráng thì sử dụng của Ðồn Biên phòng, áo phao thì những em lớn dùng của anh em trong đơn vị; ngoài ra xã vận động quyên góp ủng hộ tiền mua áo phao cho các em nhỏ; gia đình nào có điều kiện thì tự mua. Mỗi tháng phải chi phí khoảng 10 triệu đồng tiền dầu, các đơn vị chia nhau cùng đóng góp. Hằng ngày, đơn vị cử hai cán bộ, chiến sĩ, một chạy máy, một ngồi lái và xã cử một đại diện phụ huynh đi theo để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cháu.

Năm đầu tiên của mùa lũ ở huyện đầu nguồn biên giới Tân Hồng, các em không phải nghỉ học, không còn nguy hiểm luôn rình rập trên đường cắp sách đến trường. Hình ảnh các anh bộ đội cài từng nút áo phao, đưa từng em học sinh lên tắc ráng thật xúc động và trở nên thân quen với nhân dân ở vùng biên giới còn lắm khó khăn này. Bà con tin tưởng tuyệt đối, gởi gắm sự sống của con em mình vào các anh bộ đội biên phòng.

Hình ảnh những chiến sĩ mang quân hàm xanh đưa từng học trò xuống xuồng tới trường ở vùng biên giới Tân Hồng, càng cho thấy, ở đâu cũng vậy, tình quân dân luôn gắn bó keo sơn. Các anh luôn nhớ lời Bác Hồ nhắc nhở, quân với dân như cá với nước.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.