Nét đẹp phong trào phụ nữ giúp đỡ nhau ở Bến Tre

HOÀNG TRUNG

Thứ Ba, 10/12/2019 02:55
Với tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bến Tre có những việc làm rất thiết thực, gắn với tình hình thực tế tại địa phương. Nhiều nơi đã xuất hiện những mô hình hay, có sức lan tỏa, được tích cực nhân rộng.
Chị em phụ nữ ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri phát triển mô hình nuôi heo đất.
Chị em phụ nữ ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri phát triển mô hình nuôi heo đất.

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Tri có nhiều cách làm sáng tạo, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Cụ thể, tùy vào tình hình thực tế của từng địa bàn cơ sở, chị em tại các xóm, ấp đã thành lập mô hình tiết kiệm, giúp nhiều gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Từ năm 2016, Chi hội Phụ nữ ấp Phú Khương, xã Phú Lễ thực hiện mô hình nuôi heo đất với mười thành viên tham gia. Mỗi ngày, chị em cố gắng tiết kiệm một số tiền bỏ vào heo đất. Cứ sáu tháng một lần, tất cả mười con heo đất được khui ra và gộp số tiền lại để hỗ trợ cho một hộ phụ nữ khó khăn nhất, đang cần vốn nhất để buôn bán hay chăn nuôi. Cứ như vậy, chị em đã tự tạo được nguồn kinh phí giúp nhau rất hiệu quả.

Chị Trần Thị Hồng, ngụ ở ấp Phú Khương cho biết: “Tôi tham gia mô hình này từ năm 2016, đến tháng 6-2017 được hỗ trợ năm triệu đồng từ số tiền cùng nhau cóp nhặt nuôi heo đất. Tôi bàn với gia đình bỏ thêm bốn triệu đồng nữa mua hai con dê nái về nuôi, cải thiện kinh tế gia đình”. Không chỉ đầu tư chăn nuôi, nhiều chị em sử dụng số tiền tiết kiệm được mua vật tư về phát triển nghề thủ công như đan đát...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lễ Trần Thị Kim Quyên cho biết, hiện tại địa phương có hai mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là mô hình tiết kiệm giúp phụ nữ khó khăn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã (chủ yếu để mỗi dịp cuối năm hỗ trợ những gia đình khó khăn, người neo đơn) và mô hình nuôi heo đất của Chi hội Phụ nữ ấp Phú Khương (hỗ trợ chị em phát triển kinh tế). Cả hai mô hình đều mang lại hiệu quả cao và đang được tiếp tục nhân rộng.

Một số mô hình tiết kiệm khác cũng được triển khai xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương. Từ năm 2018, các chị em tại Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thanh 1 (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) thực hiện mô hình hũ gạo tình thương để giúp đỡ hai hộ gia đình trong ấp khó khăn về kinh tế. Hằng tháng, 20 chị em lại tụ họp tại nhà chị Trần Thị Cẩm Vân, Chi hội trưởng để đổ gạo vào chiếc hũ bằng sành đã được chuẩn bị tại đây. Chị Trần Thị Mỹ Linh, thành viên trong tổ chia sẻ: Hai gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà chị em đang góp gạo giúp đỡ là hộ bà Trần Thị Ba và bà Nguyễn Thị Hai, đều là người già neo đơn, lại khiếm thị không có khả năng lao động. Tình cảm “lá lành đùm lá rách” trong ấp đã duy trì gần hai năm nay, ai cũng tự nguyện làm với tấm lòng đồng cảm, sẻ chia.

Chị Võ Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Tri đánh giá, bảy năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã duy trì hiệu quả phong trào giúp nhau vượt qua khó khăn. Ðây cũng là biểu hiện cụ thể, thiết thực theo tinh thần Chỉ thị 03 và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, nỗ lực noi gương Bác Hồ, học và làm theo những điều Bác dạy. Ðiều đáng quý là tất cả chị em đều xuất phát từ tấm lòng đoàn kết, thương quý nhau, cho nên rất sáng tạo, linh hoạt, lấy hiệu quả của hoạt động làm mục tiêu hàng đầu, không chạy theo phong trào hay nặng tính hình thức.

Tùy theo tình hình thực tế, điều kiện cụ thể, mà chị em ở mỗi xã có cách làm khác nhau, từ đó dần được củng cố, ổn định thành mô hình với những tên gọi giản dị, gần gũi mà có sức thuyết phục, đem lại hiệu quả cao, như: Nuôi heo đất tiết kiệm, quả dừa khô tiết kiệm, góp tiền trao học bổng cho học sinh nghèo, hũ gạo tình thương... Từ các mô hình này lại xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, đáng học tập như điển hình về ý chí vươn lên vượt khó, thoát nghèo, điển hình về tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình vì phong trào giúp đỡ chị em phụ nữ, tấm gương về lòng nhân ái… Trong năm 2018, các cấp hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tuyên dương, tuyên truyền 12 tập thể và 109 cá nhân là gương điển hình tiêu biểu tại địa phương. Nhờ đó phong trào ở địa phương ngày càng có sức lan tỏa.

Sau chín tháng năm 2019, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Lách đã tổng kết và bình xét chọn 11 tập thể, 31 cá nhân điển hình trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những tấm gương này đều rất đáng được nêu gương học tập.

Tại tổ phụ nữ số 5 (ấp Phụng Sơn, xã Sơn Ðịnh), chị em phụ nữ tích cực triển khai mô hình tiết kiệm điện. Từ 24 thành viên ban đầu, nay đã phát triển lên 38 thành viên, mỗi tháng chị em tổ chức sinh hoạt một lần. Nội dung sinh hoạt là phổ biến và hướng dẫn cho nhau cách sử dụng các thiết bị điện hợp lý, không để lãng phí điện, hình thành thói quen, phản xạ tắt các thiết bị điện khi không sử dụng... Kết quả, mỗi tháng tổ tiết kiệm điện được từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng. Ðáng quý hơn nữa là số tiền tiết kiệm được từ việc sử dụng điện hợp lý, chị em mua gạo hỗ trợ cho phụ nữ nghèo tại địa phương hoặc đóng góp vào quỹ từ thiện của Bệnh viện Ða khoa huyện Chợ Lách để giúp đỡ bệnh nhân nghèo...

Chi hội Phụ nữ ấp Phú Hòa (xã Hưng Khánh Trung B) còn thành lập nhóm nhân ái, có “nhiệm vụ” vận động các nhà hảo tâm ủng hộ giúp đỡ chị em nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn vào mỗi dịp lễ, Tết. Bên cạnh đó, những chị có kinh tế khá giúp chị em còn nghèo khó bằng các hình thức: bán thiếu trả chậm, cho mượn tiền hoặc cây con giống để phát triển kinh tế. Chị Lữ Thị Minh Diễm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hưng Khánh Trung B cho biết, mô hình nhóm nhân ái của chị em Chi hội Phụ nữ ấp Phú Hòa đã được nhân rộng ra các ấp khác trên địa bàn. Hiện, toàn xã có bảy mô hình phụ nữ giúp nhau khá hiệu quả, góp phần tích cực để chị em vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định đời sống và phát triển kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre Võ Ái Hòa, toàn tỉnh hiện có 632 mô hình với 16.526 chị em phụ nữ tham gia, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Ðảm đang” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các mô hình như đã nêu ở trên đều phát huy hiệu quả tốt và đang được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh Bến Tre tiếp tục nhân rộng. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang chỉ đạo các cấp hội gắn việc thực hiện các mô hình với những phong trào như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”’; gia đình hạnh phúc; phụ nữ tự tin; phụ nữ tích cực xây dựng nông thôn mới..., nhằm tạo sức lan tỏa mạnh hơn và đem lại hiệu quả bền vững.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.