Nét mới trong thực hiện Cuộc vận động lớn ở Hà Giang

VIỆT DŨNG

Thứ Năm, 04/06/2009 03:14

Sau hơn hai năm thực hiện từng đơn vị, cơ quan, cá nhân đã nỗ lực vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng Ðảng, củng cố chính quyền,  nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong nhiệm vụ chính trị và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương...

Ðiều dễ nhận thấy nhất trong thực hiện Cuộc vận động năm nay ở Hà Giang là chú trọng đi vào việc làm cụ thể. Ðược các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu, chúng tôi đến xã Chế Là, nơi hơn 30 chiến sĩ công an tỉnh đang làm nhiệm vụ giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Anh Bùi Trung, một thành viên trong đội vừa cắt tóc cho một em nhỏ vừa "chỉ đạo" mấy em khác tắm, gội rất thành thạo. Phía trên đồi, một nhóm thanh niên khác xúm quanh ngôi nhà đang dựng tìm cách đưa thanh xà ngang lên mái. Một số người khác đang cùng bà con phát quang những bụi cỏ, san lấp vũng nước đọng.

Thiếu tướng Nguyễn Bình Vận, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: "Ðội thanh niên đi cơ sở giúp dân không hoàn thành nhiệm vụ không về". Ðiều tâm nguyện trên của mỗi chiến sĩ công an đã trở thành những việc làm tốt giúp nhân dân.

Ðến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ấn tượng đầu tiên là bộ phận tiếp công dân của sở trong trang phục lịch sự, tiếp chuyện nhã nhặn. Có đến 95% số hồ sơ trong năm 2008 được các bộ phận liên quan giải quyết dứt điểm với thời gian nhanh nhất có thể. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là một trong những đơn vị được đánh giá xuất sắc trong thực hiện sửa đổi lối làm việc của tỉnh Hà Giang. 

Thực hiện Cuộc vận động gắn với công việc cụ thể không chỉ có lực lượng công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những đơn vị tiêu biểu đã và đang tỏa xuống cơ sở như: Tỉnh Ðoàn với cuộc vận động "Tuổi trẻ Hà Giang học tập và làm theo lời Bác "; Hội Phụ nữ có phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc "; Bộ đội Biên phòng bám đường biên, cột mốc phòng chống nạn bắt cóc, buôn người qua biên giới và giúp dân phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhiều phong trào đã thu hút được nhân dân tham gia như: "Toàn dân làm đường đại đoàn kết, làm nhà đại đoàn kết, làm nhà tình nghĩa" cho gia đình chính sách; xây dựng bếp ăn tình thương tại các bệnh viện huyện, trạm y tế các xã; phong trào mỗi đơn vị, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo; mỗi cơ quan giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn về cơ sở vật chất và phương án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo...

Chính từ thực hiện Cuộc vận động, đã xuất hiện những điển hình tiêu biểu như cán bộ, đảng viên xã Ðồng Văn (huyện Ðồng Văn) ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất xóa đói, giảm nghèo; Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hùng Thị Hồng, ông Ly Chỉn Chỉ, trưởng thôn Ðán Khao (xã Bản Ngò, huyện Xín Mần) tình nguyện dỡ nhà chuyển chỗ ở tránh lở đất làm gương cho bà con; anh Ðặng Văn Chạy ở xã Phương Tiến (Vị Xuyên) hiến 3.000m2 đất làm trường học...

Có thể khẳng định, Cuộc vận động đạt được hiệu quả thiết thực là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền,  BCÐ các cấp của tỉnh. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện ngay từ ở cơ quan, đơn vị của từng thành viên, đặc biệt là sự gương mẫu " làm theo" của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền tốt đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đồng tình của toàn xã hội, được nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực. Vai trò của cấp ủy các cấp được phát huy, nhất là trong quá trình thực hiện, tránh nôn nóng, làm lướt, làm nhanh và đòi hỏi kết quả có ngay được trong thời gian ngắn. Việc gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu các ban, ngành, đơn vị qua các biện pháp xử lý cụ thể trường hợp vi phạm, làm việc thiếu trách nhiệm được chú trọng. Cán bộ, nhân dân đấu tranh, phát hiện những biểu hiện chưa tốt của cán bộ lãnh đạo, đảng viên thông qua các hộp thư đặt tại những khu vực dễ nhận biết hoặc qua đường dây nóng được khuyến khích, biểu dương.

Phát huy những thành quả đã đạt được hơn hai năm qua, từ đầu năm 2009 đến nay, Hà Giang tập trung thực hiện việc đổi mới lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công việc, thực hiện nhiệm vụ chính trị, trau dồi phẩm chất, đạo đức lối sống...

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.