Ngày 19/5, khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc

QUỐC TRINH

Thứ Tư, 15/05/2024 17:06
Công trình Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, thể hiện tình yêu của người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên vùng biển Tây Nam.
Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc.
Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc.

Chiều 15/5, cuộc họp giao ban báo chí định kỳ nửa đầu tháng 5/2024, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang đã thông tin về công tác chuẩn bị tổ chức Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc.

Được sự chấp thuận của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng công trình Quảng trường trung tâm và Tượng đài Bác Hồ, thành phố Phú Quốc. Đây là một công trình mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, thể hiện tình yêu của người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên vùng biển Tây Nam.

Theo đó, công trình Quảng trường trung tâm và Tượng đài Bác Hồ được xây dựng tại phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc với quy mô 7,45ha. Khu vực này quy hoạch xây dựng khu trung tâm đô thị, thương mại-dịch vụ, cảng biển hành khách quốc tế, khu hành chính tập trung mới của thành phố Phú Quốc-nơi sinh hoạt vui chơi, giải trí của người dân trên đảo và cũng là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước tham quan.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Kiên Giang, Tượng đài Bác Hồ tổng chiều cao 20,7m; trong đó: Tượng Bác chất liệu hợp kim đồng cao 18m, đế tượng chất liệu hợp kim đồng cao 0,3m, bệ tượng chất liệu đá tự nhiên cao 2,4m. Tượng Bác đặt tay phải lên ngực trái thể hiện ý nghĩa “Miền Nam trong trái tim tôi”. Tượng Bác và đế tượng đúc bằng chất liệu hợp kim đồng gồm: 83.381kg đồng; 2.922kg chì; 5.859kg thiếc; 1.131kg niken; 102kg đất hiếm, bên trong có khung thép không gỉ.

Tượng Bác Hồ được chế tác tại làng đúc đồng truyền thống của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Phía sau lưng Tượng đài Bác Hồ là dãy phù điêu gồm 484 tấm đá ghép thành. Phù điêu gồm 2 mặt: Mặt trước là những hình ảnh danh lam thắng cảnh, địa danh tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác Hồ; mặt sau là những hình ảnh danh lam thắng cảnh, địa danh tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang, khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh) đến đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc.Kết cấu phù điêu có 2 mặt trước và sau được chạm nổi phù điêu, hệ kết cấu bê tông cốt thép, bề mặt neo đá tự nhiên, chiều dài phù điêu 63m, điểm cao nhất 10,8m, phần bệ phù điêu cao 1,2m. Bề mặt phần thân và phần bệ phù điêu được làm bằng chất liệu đá xanh Thanh Hóa ghép khối, bên trong là hệ khung bê tông cốt thép.

Riêng Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh có 3 phần nội dung: Câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tình cảm thiêng liêng sâu nặng của Bác với đồng bào, chiến sĩ miền Nam và sự quan tâm của Người trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dự kiến Lễ khánh thành Tượng đài Bác Hồ diễn ra vào lúc 8 giờ, ngày 19/5 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc.

Tin liên quan

Biểu dương 80 gương phụ nữ Thủ đô tiêu biểu làm theo lời Bác

Biểu dương 80 gương phụ nữ Thủ đô tiêu biểu làm theo lời Bác

NDO - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh đề nghị, các cấp Hội Phụ nữ thành phố và mỗi người phụ nữ Thủ đô cần tiếp tục nỗ lực rèn luyện về đạo đức, sức khỏe và trí tuệ; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ, hưởng ứng tích cực phong trào “Bình dân học vụ số”...
Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo

Hồ Chí Minh qua hồi ức của những cựu tù chính trị Côn Đảo

NDO - Trong những năm tháng chiến tranh, vượt lên đói rét bệnh tật, tra tấn thể xác và khủng bố tinh thần, những người tù cộng sản luôn có Bác là ánh sáng soi đường, nâng đỡ sức mạnh tinh thần. Họ truyền nhau đọc lại từng lời dạy của Người, ôn lại từng bài học lý luận để nuôi dưỡng ý chí và tinh thần cách mạng.