Trong ba năm qua, Tết trồng cây đã có kết quả rất khá. Theo con số thấp nhất, thì miền Bắc cũng đã trồng được độ 30 triệu cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây phong cảnh, v.v..
Vì có lợi ích thiết thực cho nhân dân mà Tết trồng cây đã thành một phong trào quần chúng rộng khắp. Có những gương mẫu rất cảm động như:
- Cụ Vũ Văn Lân ở Hưng Yên, tuy đã 104 tuổi, cụ vẫn trồng được hơn 100 cây, cây nào cũng tốt. Cụ còn đôn đốc con cháu ra sức trồng cây.
- Anh Cao Xuân Nhì ở Vĩnh Phúc, 21 tuổi, tuy mù cả hai mắt, trong ba năm qua đã mò mẫm trồng được gần 6.000 cây.
- Vợ chồng cụ Vũ Đức Thúc, vợ chồng cụ Vũ Huy Ôn và cụ Đoàn Thị Quý ở xã Yên Hải (Quảng Ninh), tuổi các cụ từ 57 đến 68, đã không sợ gian khổ cùng nhau xung phong trồng 135.000 cây nước mặn để giữ đê.
- Ở xã Vinh Quang (Phú Thọ), cụ Nguyễn Nho đã trồng 2.000 cây, cụ Nguyễn Văn Chung: 6.000 cây, anh Trần Văn Thành: 9.000 cây cho hợp tác xã mà không tính công điểm.
Nhiều kiểu mẫu tập thể trồng cây gây rừng, đã làm cho làng mạc tươi đẹp, lại nâng cao mức sống của xã viên như: hợp tác xã Lạc Trung và Ngọc Long (Vĩnh Phúc), hợp tác xã Vĩnh Thành (Nghệ An), hợp tác xã Lê Hồng Phong (Hà Tĩnh), hợp tác xã Ná Vó (Hòa Bình), v.v..
Biến đồi trọc thành vườn cây. Đó là mục đích của sáu hợp tác xã ở xã Vinh Quang, trong số đó hợp tác xã Thắng Lợi là trội nhất. Vinh Quang người đông ruộng ít, mỗi đầu người chỉ được hơn 2 sào. Nhưng trong vùng có hơn 5.000 mẫu Bắc Bộ đồi trọc, trước kia hầu hết đều bỏ hoang. Từ ba năm nay, chi bộ phát động một phong trào sôi nổi: Biến đồi trọc thành vườn cây. Trong hai năm (1962 - 1963), sáu hợp tác xã đã trồng được 1 triệu 10 vạn cây các loại: trẩu, sở, mít, xoan, chè, bạch đàn, cây thả cánh kiến, v.v.. Đồng thời trồng xen kẽ 40 vạn bụi sắn, hơn 1 triệu gốc dứa. Chỉ sắn và dứa năm nay sẽ bán được hơn 42.500 đồng.
Do sự cố gắng và kết quả đó, thu nhập của xã viên đã tăng khá nhiều. Bình quân một năm một đầu người được 370 ký thóc, 690 ký hoa màu, 87 đồng tiền mặt.
Xã Vinh Quang đã xây được 34 gian nhà trường cấp I và cấp II cho 635 học sinh; lớp vỡ lòng cho 280 cháu bé; 81 lớp bổ túc văn hóa cho hơn 1.000 người học; 1 nhà đỡ đẻ và cho thuốc có 8 cán bộ phụ trách; 1 đội văn công.
Việc giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ và những người già yếu tàn tật cũng làm tốt. Mê tín, cúng bái, ma chay đã xóa bỏ nhiều.
Có kết quả tốt đó là do chi bộ khéo lãnh đạo, do cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên đều hăng hái xung phong. Vì vậy mà từ các cụ bô lão đến các em nhi đồng ai cũng phấn khởi hăng hái trồng cây và chăm sóc cho cây tốt. Trong 700 cụ ông, cụ bà tình nguyện giúp hợp tác xã hoàn thành kế hoạch, thì 52 cụ là nòng cốt các đội trồng cây.
Nếu bà con xã Vinh Quang cố gắng tiến lên mãi, không tự mãn với kết quả hiện nay, thì vài ba năm nữa, các đồi trọc sẽ biến thành những vườn cây tươi tốt, thành kho vàng vô tận của hợp tác xã và của xã viên.
Xã Vinh Quang làm được tốt thì các xã khác (tùy theo điều kiện địa phương mình) chắc cũng làm được tốt.
Tết trồng cây năm nay, các nơi chuẩn bị rất sôi nổi. Thí dụ:
- Sơn Tây - (cũng như Nghệ An, cho đến nay hai tỉnh đó trồng cây còn kém) - đã hứa năm nay phấn đấu trồng 1 triệu 20 vạn cây.
- Thái Nguyên đã quyết định trồng 4 triệu 65 vạn cây (trong số đó 4 triệu cây trẩu), v.v..
Thế là triển vọng rất tốt. Cần nhớ rằng: Trồng cây nào phải chăm sóc cho tốt cây ấy.
Quảng Ninh là nơi dùng gỗ nhiều nhất cho các hầm mỏ. Thái Bình có nhiều đất hoang ở dọc bãi biển, sông ngòi, hồ ao, đường đi, v.v. nhưng phong trào trồng cây cũng còn kém. Đảng ủy và chính quyền Quảng Ninh và Thái Bình cần có kế hoạch thiết thực để trồng cây nhiều hơn và tốt hơn các nơi.
T.L.
-----------------------
- Báo Nhân Dân, số 3600, ngày 5-2-1964, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.248-250.