Nghĩa tình ông chủ đò Bảy Thôn

Bài và ảnh: THANH TÂM

Thứ Hai, 06/01/2014 20:03
Vươn lên từ gian khó, ông Huỳnh Văn Thôn (tên thường gọi Bảy Thôn), chủ bến đò Vàm Xáng, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, Thành phố Cần Thơ luôn tâm niệm làm hết khả năng để giúp đỡ những người khốn khó. Đã 18 năm, ông Bảy Thôn tình nguyện đưa đò miễn phí cho học sinh vùng sông nước đến trường, hết lòng hỗ trợ người nghèo, góp tiền, công sức làm cầu, đường, xây nhà tình thương... Mọi người quý mến gọi ông là "ông Bảy từ thiện".
Ông Huỳnh Văn Thôn hướng dẫn hành khách xuống đò an toàn.
Ông Huỳnh Văn Thôn hướng dẫn hành khách xuống đò an toàn.

Mỗi ngày, tại bến đò Vàm Xáng, hành khách lên xuống đò tấp nập. Khách chủ yếu là học sinh qua sông Cần Thơ và người dân nông thôn đem các loại nông sản qua chợ thị trấn tiêu thụ. Lẫn giữa dòng người qua lại là hình ảnh ông chủ đò Bảy Thôn hướng dẫn hành khách xuống đò, sắp xếp chỗ ổn định. Đò xuất bến, đến giữa sông bất ngờ gặp sóng to, gió ngược, con đò tròng trành, lắc lư, ông Bảy Thôn lập tức hướng dẫn tài công lái con đò nương theo hướng gió và dòng nước để tránh nguy hiểm. Đò vừa cặp bến, ông Bảy Thôn nhanh nhẹn hướng dẫn hành khách lên theo thứ tự. Buộc dây con đò cẩn thận, ông Bảy Thôn nói với tôi: "Đưa đò đã trở thành cái nghiệp nên tôi luôn đặt mục tiêu an toàn cho hành khách là quan trọng nhất".

Ông Bảy Thôn xuất thân trong gia đình có 10 anh em ở vùng quê xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, mưu sinh nhiều nghề gắn với sông nước. Nghề đưa đò đến với ông như một cơ duyên và trở thành cái nghiệp. Ông kể, nhà ông cặp kênh Cái Sắn, gần bến đò, khi đó những năm 90 của thế kỷ 20, đò qua sông bằng ghe tam bản, nhỏ, chở ít hành khách hay bị chìm khi gió lớn. Chứng kiến nhiều lần đò chìm, học sinh mất hết tập sách, nhiều em phải dang dở việc học vì đò ngang cách trở, ông nghĩ mình sẵn thạo nghề sông nước, nên tham gia đưa đò cho các em học sinh sang sông đến trường được an toàn. Vì thế, ông bàn với vợ bán đôi bông cưới, cái đồng hồ, vay mượn tiền của anh em, đóng một chiếc chẹt có lường rộng, vững vàng. Ban đầu dùng sức để chèo rất vất vả nhưng qua sông an toàn, hành khách an tâm. Sau đó có điều kiện, ông gắn thêm động cơ giúp hành khách rút ngắn thời gian qua sông.

Khoảng năm 1999, người dân hai bên sông Cần Thơ qua lại chủ yếu bằng xuồng hoặc đò chèo bằng ghe tam bản rất nguy hiểm. Được chính quyền ủng hộ, ông đầu tư xây dựng bến bãi, đóng chiếc đò máy loại lớn chở từ 80 đến 100 khách tại Vàm Xáng trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có thể hoạt động liên tục trong điều kiện mưa to, gió lớn. Điều đáng quý là từ khi khởi nghiệp đến nay, ông luôn chở miễn phí học sinh đến trường.

Em Lê Thị Thanh, học sinh lớp 11, Trường THPT Phan Văn Trị (thị trấn Phong Điền) cho biết: "Nhà em bên kia sông, mỗi ngày đi học phải đi đò hai lượt của bác Bảy. Bác rất tốt bụng không lấy tiền, lại còn tặng tập sách mỗi khi tựu trường. Nếu không có sự giúp đỡ của bác Bảy, em và nhiều bạn chưa chắc học đến ngày hôm nay".

Gần 20 năm, ở tuổi 53, ông Bảy Thôn là chủ của chín bến đò ở Cần Thơ, Hậu Giang và Kiên Giang với 30 phương tiện đưa khách và hàng hóa sang sông. Ngoài miễn phí cho học sinh, cơ sở đò Bảy Thôn còn miễn phí cho người nghèo, gia đình chính sách, người tàn tật, cán bộ địa phương nơi có bến đò hoạt động. Tính trung bình mỗi ngày có gần hai nghìn lượt học sinh qua sông miễn phí ở các bến đò, nếu quy ra tiền, thấp nhất mỗi lượt một nghìn đồng, số tiền miễn phí cho học sinh trong mười tám năm qua là rất lớn. Không những vậy, với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phong Điền, ông Bảy Thôn luôn tận lực hỗ trợ học sinh quần áo, sách vở, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Ông chủ đò Bảy Thôn tâm sự: "Trước đây do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi học hành không đến nơi đến chốn.Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của học sinh vùng nông thôn sông nước, không muốn học sinh vì không có tiền đi đò phải nghỉ học nên tôi tự nguyện miễn phí cho tất cả các em học sinh. Nói thiệt, từ trước tới nay, tôi thấy người làm nghề đưa đò thường chẳng dư giả gì. Riêng tôi may mắn có công việc, thu nhập ổn định nên sẵn lòng chia sẻ để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn".

Với người nghèo, ông Bảy Thôn sẵn lòng giúp đỡ bằng tất cả tấm lòng. Ba năm qua, ông đã hỗ trợ ba hộ nghèo ở thị trấn Phong Điền và xã Nhơn Nghĩa cất ba nhà tình thương trị giá 27 triệu đồng; hỗ trợ hàng trăm triệu đồng làm đường, bắc cầu, khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho người bệnh nghèo...

Chia sẻ với tôi bà Nguyễn Thị Hai ở ấp Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, tấm tắc khen: "Chú Bảy Thôn là người rất tử tế, chân thành và nghĩa tình với mọi người. Chú luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, nhất là người nghèo, hàng xóm láng giềng".

Đã quá cái tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh", ông Bảy Thôn nghiệm ra rằng, nhờ học và làm theo Bác Hồ ở đức tính khiêm tốn, thật thà, tiết kiệm giúp ông thành công. Làm theo các đức tính của Bác Hồ không phải từ những việc cao xa mà bằng cách đối xử tử tế, chân thành với mọi người trong cuộc sống thường nhật sẽ được lòng người, phù hợp với nét văn hóa, tính cách của ông.

Năm 2006, ông chủ đò Bảy Thôn vinh dự được kết nạp Đảng. Ở tuổi 52, ông vẫn tham gia học bổ túc THPT nhằm nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của người đảng viên đồng thời động viên con cháu, nhân viên của mình quan tâm học tập để nâng cao trình độ học vấn, văn hóa vì ông quan niệm "văn hóa làm chìa khóa mở cửa đi đến thành công". Nhờ sự nêu gương của ông, nhiều nhân viên tiếp tục đi học. Năm 2013, con gái út của ông đỗ hai trường đại học, mang lại niềm vui, vinh dự to lớn cho gia đình.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Hoàng Ba khẳng định: "Đồng chí Huỳnh Văn Thôn luôn tiên phong trong các phong trào ở địa phương, đặc biệt là xây dựng bến đò an toàn cho người dân đi lại, miễn phí tiền đò cho học sinh, giúp đỡ hỗ trợ cho người nghèo; bản thân ông và gia đình gương mẫu, tiết kiệm góp nhiều công sức trong phong trào xây dựng nông thôn mới.Với những đóng góp của mình, ông được TP Cần Thơ, các bộ, ngành Trung ương tặng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương trong công tác nhân đạo, khuyến học, khuyến tài...".

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.