Ngọn cờ hồng trên vùng cao Sơn Ðộng

Bài, ảnh: TRẦN THƯỜNG, VIỆT HƯNG

Thứ Tư, 20/03/2013 18:37
83 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Ðảng, nhưng đồng chí có hơn 30 năm tình nguyện làm người tuyên truyền, kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ. Năm 2012, đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðó là đôi nét về đồng chí Hoàng Hồng Kỳ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Ðộng (Bắc Giang), cựu chiến binh - ngọn cờ hồng trên vùng cao Sơn Ðộng.
Ông Hồng Kỳ kể chuyện cho các em học sinh Trường THCS Thanh Sơn (Sơn Ðộng, Bắc Giang).
Ông Hồng Kỳ kể chuyện cho các em học sinh Trường THCS Thanh Sơn (Sơn Ðộng, Bắc Giang).

Chúng tôi về thị trấn Thanh Sơn (Sơn Ðộng, Bắc Giang), tìm gặp đồng chí Hồng Kỳ vào một sớm Xuân Quý Tỵ. Trong căn nhà nhỏ giữa bạt ngàn cây vải thiều, keo bên dòng sông Lục hiền hòa, đồng chí Hoàng Hồng Kỳ kể cho chúng tôi về những kỷ niệm trong suốt 30 năm làm người kể chuyện truyền thống tình nguyện. Ðó là vào năm 1983, khi vừa nghỉ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Ðộng, đồng chí về quê tham gia Hội Cựu chiến binh xã. Khu vực Thanh Sơn lúc đó là vùng cao vô cùng khó khăn, chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống vật chất và tinh thần cực kỳ thiếu thốn.

Lúc đó, một trong những nhiệm vụ của cựu chiến binh là việc tuyên truyền giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ. Ông đề xuất việc nói chuyện cho các cháu học sinh ở các trường học trong xã vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần, sau thời gian chào cờ và sinh hoạt chung của nhà trường. Mỗi buổi nói chuyện như vậy kéo dài khoảng 15 phút, chuyện do ông tự biên soạn, nội dung về lịch sử, truyền thống cách mạng, những tấm gương sáng trong chiến đấu, lao động, sản xuất, thời sự trong nước, quốc tế, chuyện về Bác Hồ và những danh nhân dân tộc...

Ðồng chí Kỳ nhớ lại, những năm đầu mới đi kể chuyện, hầu hết những câu chuyện đều được đồng chí ghi lại theo trí nhớ và một số tài liệu sưu tầm được. Thời kỳ là bộ đội, rồi làm cán bộ huyện, đồng chí được tiếp xúc nhiều với các loại sách, báo, tài liệu của Ðảng, Quân đội nên cái "vốn" chuyện khá phong phú. Nhưng lâu dần thì không đủ, hơn nữa yêu cầu của các cháu muốn được nghe thêm những chuyện mới, biết thêm nhiều bài học thú vị nên đồng chí lại mày mò tìm, bổ sung cho kho truyện của mình.

Có những hôm, đồng chí ngồi cả ngày bên chiếc đài để nghe và ghi lại những câu chuyện, những vấn đề thời sự. Nhiều lần đồng chí đạp xe lên huyện vào thư viện ngồi đọc và ghi chép lại; rồi từ sách, báo và tài liệu bạn bè, đồng chí biếu tặng, cho mượn... Từ những tài liệu này, đồng chí lại phải tỉ mỉ biên soạn lại cho đủ thời gian nói chuyện trong 15 phút, chú thích những chỗ khó hiểu hay rút ra những bài học cho các cháu dễ cảm nhận.

Những "câu chuyện ông Kỳ" được các cháu "đòi" nghe nhiều lần, đến mức đồng chí có thể nhớ từng dấu chấm, dấu phẩy trong trang viết của mình. Nhiều buổi nói chuyện, đồng chí vẫn mang mấy cuốn vở đi nhưng hầu như không hề phải mở ra. Thậm chí đồng chí biết rõ câu chuyện ấy nằm ở cuốn sổ nào, trang nào. Nhiều thế hệ học trò nơi đây vẫn nhớ như in những câu chuyện về "Ta chiếm hầm Ðờ Cát", "Dân quân Tuấn Ðạo bắt giặc lái", "Tổ dũng sĩ", hay những mẩu chuyện về lịch sử các ngày lễ lớn của đất nước, các danh nhân...

Những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ là kho tàng vô tận để đồng chí khai thác. Mỗi câu chuyện là một bài học bổ ích không chỉ cho các cháu học sinh mà cả người lớn, cán bộ, đảng viên đều thấm thía. Với riêng đồng chí, mỗi lần kể chuyện về Bác, đồng chí thể hiện bằng tất cả tình cảm từ trái tim kính yêu Bác khiến người nghe thật sự xúc động. Có những chuyện như Bác ăn cháo ngô một tuần để góp gạo cứu đói đồng bào, hay chuyện chiếc dép cao-su, chuyện chiếc áo cũ của Bác... làm cả người kể lẫn người nghe đều rớm nước mắt.

Trong câu chuyện với chúng tôi về một số vấn đề lớn của đất nước hiện nay, như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác xây dựng Ðảng, công tác cán bộ, đồng chí bày tỏ: Tôi đã không giấu được sự xúc động của mình khi Trung ương phát động Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và nay là đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðó thật sự là liều thuốc tinh thần quý giá đối với đời sống xã hội hiện nay. Tôi cũng vô cùng cảm kích trước các giải pháp của Trung ương sau Ðại hội XI của Ðảng về công tác xây dựng Ðảng, công tác cán bộ.

Ðồng chí cho rằng, mình có duyên trong vai người kể chuyện, nhưng không dám nhận là người thầy của các cháu học trò vùng cao. Bởi một lẽ: "Ðảng ta, Nhà nước ta có một hệ thống giáo dục rất tốt, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, miền núi. Tôi chỉ là người kể chuyện, chỉ góp phần sưởi ấm thêm một chút cho tâm hồn các cháu thôi. Mà cũng là sưởi ấm cho tâm hồn mình nữa, đồng chí ạ. Mỗi tuần mà không được nói chuyện với các cháu, tôi cứ bứt rứt không yên".

Các cháu cũng vậy, vài tuần không thấy đồng chí đến là thế nào cũng có vài cháu đến tận nhà hỏi thăm. Ðồng chí Kỳ coi việc kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ như một "món nợ" trách nhiệm. Nếu các cháu quên nguồn gốc, chưa biết nghe lời hay, làm việc tốt, không thấu hiểu đạo lý là do người lớn thiếu trách nhiệm bảo ban, dạy dỗ các cháu. Người lớn giúp các cháu biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, biết giữ gìn kỷ cương và hình thành nhân cách tốt đẹp. Quan trọng hơn, người lớn phải là tấm gương tốt cho các cháu noi theo.

Lúc chia tay, đồng chí Kỳ tiễn chúng tôi tới tận chân dốc bằng những bước chân chứa đầy nhiệt huyết. Bên sườn đồi, những cây vải thiều đang nở hoa trắng xóa như báo hiệu một mùa quả ngọt đang về nơi vùng cao thanh bình này. Không thể tính được trong 30 năm miệt mài đi kể chuyện ấy, có bao nhiêu km đường đồng chí đã đi qua nhưng có một điều chắc chắn rằng, đã có một con đường nối lịch sử, truyền thống và hiện tại, con đường được sưởi ấm bằng trái tim nhiệt huyết và cao đẹp của tâm hồn người cán bộ, người lính Cụ Hồ.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.