Người bắc "nhịp cầu nhân ái"

MINH TRƯỜNG

Thứ Sáu, 21/02/2014 18:54
Học Bác Hồ về tình yêu thương con người, ngày ngày trên các nẻo đường từ chốn thị thành đến nơi thanh vắng, Hòa thượng Ngô Văn Từ (trong ảnh) (pháp danh Thích Thiện Sanh, trụ trì chùa Khánh Sơn, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) tìm đến với người nghèo, những mảnh đời bất hạnh để giúp đỡ, sẻ chia. Hình ảnh Hòa thượng với bộ áo cà sa nhuốm mầu mưa nắng đã trở nên quen thuộc với người dân tỉnh Sóc Trăng.
Hòa thượng Thích Thiện Sanh (người thứ hai từ trái qua) cắt băng khánh thành cầu tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng).
Hòa thượng Thích Thiện Sanh (người thứ hai từ trái qua) cắt băng khánh thành cầu tại xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng).

Hòa thượng Thích Thiện Sanh không chỉ làm tròn bổn phận của người con nhà Phật, tưởng niệm cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ, cầu mong quốc thái dân an mà còn làm nhiều việc thiện. Dù đã 77 tuổi, nhưng Hòa thượng không ngại nắng mưa, đường sá xa xôi, đến thăm, tặng quà các em nhỏ mồ côi, người già không nơi nương tựa, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật... Mỗi khi hay tin có người cần giúp đỡ, Hòa thượng lặn lội gõ cửa từng nhà bà con Phật tử, những người có điều kiện kinh tế khá giả kêu gọi họ ủng hộ. Theo Hòa thượng, hạnh phúc nhất là mọi người làm nhiều điều tốt, điều hay, cái đẹp cho đời.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Sanh, lời dạy của Bác Hồ gần gũi với đạo pháp nhà Phật, tất cả vì lòng yêu thương con người vô hạn. Là Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Hòa thượng luôn nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Hòa thượng Thích Thiện Sanh bộc bạch: "Chính tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thôi thúc tôi không những cố gắng làm tròn mọi bổn phận của người con Phật, mà còn phải thực hành thật nhiều điều tốt, điều hay, cái đẹp mới là hạnh phúc. Từ đó, tôi đã phát tâm làm nhiều việc thiện để thể hiện lòng yêu thương của mình đối với con người, nhất là những người nghèo, bệnh tật, người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh". Sau những chuyến đi làm từ thiện, mặc dù mệt mỏi do tuổi cao, sức yếu, nhưng Hòa thượng luôn cảm thấy vui khi có thêm những em nhỏ với những bộ quần áo lành lặn, một hộ nghèo với căn nhà mới, một người bệnh có hy vọng kéo dài sự sống...

Không chỉ tự mình làm từ thiện, Hòa thượng Thích Thiện Sanh còn tích cực vận động bà con Phật tử giúp đỡ những người nghèo khó, cơ nhỡ; vận động các cơ sở thờ tự trong tỉnh tận dụng đất trống làm vườn thuốc nam để trồng thuốc chữa bệnh cho người nghèo; kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"...

Hằng ngày, điều luôn thôi thúc Hòa thượng là phải làm thế nào để ngày càng có thêm nhiều người làm việc thiện, ngày càng ít đi những mảnh đời bất hạnh. Nghĩ là làm, Hòa thượng chủ động liên hệ, phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình (PT-TH) tỉnh Sóc Trăng thực hiện chương trình "Nhịp cầu nhân ái" nhằm nối kết yêu thương, thông qua chương trình, vận động các "Mạnh thường quân", nhà hảo tâm chung tay đóng góp, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình phát sóng những chuyến đi, phóng sự về những mảnh đời bất hạnh... đã tạo được sức lan tỏa của lòng nhân ái trong toàn xã hội.

Bà Phạm Hải Yến ở phường 2, TP Sóc Trăng chia sẻ: "Từ khi xem chương trình "Nhịp cầu nhân ái" do Hòa thượng Thích Thiện Sanh cùng với Đài PT-TH Sóc Trăng thực hiện, tôi nhiều lần đóng góp cho chương trình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Thấy Hòa thượng tuổi đã cao mà còn hết lòng làm từ thiện, giúp được rất nhiều hoàn cảnh éo le, gần đây, tôi đã theo đoàn làm từ thiện và còn vận động nhiều người cùng tham gia".

Từ "Nhịp cầu nhân ái", 2 năm qua, Hòa thượng cùng chương trình đã tích cực vận động được hơn 100 tỷ đồng. Qua chương trình, hàng nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh éo le được giúp đỡ, tạo thêm niềm tin và hy vọng để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Nhịp cầu kết nối yêu thương đã thực hiện nhiều hoạt động nhân đạo như: tổ chức bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện trong tỉnh, cấp phát cơm, cháo miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo; trợ giúp nhiều nạn nhân chất độc da cam, tặng xe lăn cho người tàn tật; hỗ trợ bệnh nhân điều trị mắt; cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học...

Bà Nguyễn Thị Lệ ở xã An Mỹ, huyện Kế Sách xúc động nói: "Trước đây, gia đình tôi túng thiếu lắm, lúc ốm đau càng khó khăn. Tôi nằm bệnh viện, nhiều chi phí phải lo, chồng thì đi làm thuê làm mướn tối ngày để lo cho cả nhà. Lúc đó, nhờ bếp ăn từ thiện hỗ trợ từng bát cơm, chén cháo mà tôi vượt qua khó khăn, bệnh tật. Giờ tôi mới thấm thía câu nói "một nắm khi đói bằng một gói khi no" và không bao giờ quên ơn Hòa thượng, các nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân ái".

Mới đây, do tuổi cao sức yếu, Hòa thượng phải nằm điều trị suốt cả tháng trời. Nhưng Hòa thượng không lo nghĩ nhiều về sức khỏe của mình mà luôn canh cánh trong lòng suy nghĩ có bao nhiêu trẻ thơ còn mặc áo rách, bao nhiêu gia đình không có nhà ở, bao nhiêu người cần được chạy chữa để giành sự sống... Với những việc làm cụ thể, bình dị, đầy lòng nhân ái, Hòa thượng Thích Thiện Sanh luôn là tấm gương sáng trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.