Người bí thư chi bộ giàu sáng tạo

Bài, ảnh: QUỐC TRINH và TIẾN VIỆT

Thứ Hai, 12/06/2017 19:38
Anh Nguyễn Văn Cường, Quản đốc, Bí thư Chi bộ 2, Đảng bộ Công ty cổ phần Bao bì Hà Tiên (Kiên Giang) có niềm đam mê cải tiến kỹ thuật, sửa chữa máy. Mặc dù chỉ có trình độ trung cấp điện, nhưng nhờ chịu khó, tìm tòi, sáng tạo, anh Cường đã đóng góp rất lớn cho công ty.
Đảng viên Nguyễn Văn Cường và chiếc máy se chỉ do anh cải tiến.
Đảng viên Nguyễn Văn Cường và chiếc máy se chỉ do anh cải tiến.

 Đã hơn 11 giờ, nhưng anh Cường vẫn say sưa sửa chữa máy vận hành se chỉ do mình “phát minh”. Đây là “công trình” anh đã bỏ ra gần sáu tháng mày mò, thiết kế lại từ chiếc máy se chỉ cũ hết thời gian bảo trì, bảo hành. Cuối năm 2013, chiếc máy được vận hành, đáp ứng tốt các chỉ số về kỹ thuật, năng suất, chất lượng. Chỉ vào chiếc máy, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì Hà Tiên Nguyễn Hữu Đức nói: "Thay vì phải mua máy mới hơn 250 triệu đồng, Cường đã chế tạo lại máy cũ bằng những thiết bị sẵn có. Máy vẫn hoạt động tốt”. Máy cũ cần đến sáu công nhân vận hành, nhưng với chiếc máy do anh Cường cải tiến chỉ cần hai công nhân. Bình quân mỗi công nhân lao động hưởng lương 5 triệu đồng/tháng, mỗi năm công ty giảm chi phí 240 triệu đồng. Chiếc máy này từ khi được cải tiến đã sử dụng được 4 năm". 

Anh Nguyễn Văn Cường năm nay 43 tuổi, vào công ty làm việc ngay những ngày đầu mới thành lập doanh nghiệp. Hơn 20 năm qua, sự lớn mạnh của công ty gắn liền với tên tuổi, sự cống hiến của anh Cường. Với nhiệm vụ điều hành, quản lý phân xưởng cơ điện, anh Cường được Ban Giám đốc tin tưởng, giao thực hiện hầu hết các công việc liên quan đến tình trạng hoạt động của thiết bị, các kế hoạch kinh doanh, phương án đầu tư theo dõi và lập kế hoạch bảo trì toàn bộ thiết bị của công ty. Ở phân xưởng cơ điện do anh Cường đảm trách, tất cả máy móc, thiết bị đều do anh trực tiếp lắp đặt, sửa chữa. Năm 2012, anh có 8 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được Hội đồng sáng kiến cải tiến kỹ thuật công nhận và áp dụng thành công vào sản xuất, tiết kiệm và làm lợi rất lớn cho công ty.

Anh Cường cũng nghiên cứu chế tạo thành công giàn phóng bao cho máy may. Loại máy này qua thời gian sử dụng, bộ ra bao bị hư hỏng. Trước đây công ty phải nhập mua thiết bị ở nước ngoài với giá khoảng 700 triệu đồng. Anh Cường đề xuất Ban Giám đốc cho mình thiết kế và lắp đặt bằng vật tư mua trong nước. Sau thời gian lắp đặt, giàn phóng bao được đưa vào sử dụng đạt yêu cầu, chi phí đầu tư chỉ 213 triệu đồng. Sau đó, anh tiếp tục thiết kế và chế tạo thành công bộ ra bao, xếp bao cho máy in, tiết kiệm chi phí đầu tư mới 250 triệu đồng và giảm nhân công vận hành máy từ hai người xếp bao xuống còn một người, mỗi năm tiết kiệm hơn 90 triệu đồng.

Anh Cường chia sẻ: “Làm kỹ thuật, tôi luôn đặt câu hỏi phải làm sao để máy móc hoạt động tốt, hiệu quả, rồi tìm tòi, sáng tạo tìm câu trả lời. Mỗi ứng dụng mới không chỉ nâng tay nghề, kiến thức của bản thân mà còn giảm sức lực cho người vận hành và tiết kiệm để tăng thu nhập cho người lao động”. Mỗi chiếc máy sáng chế, cải tiến thành công, Cường kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ bảo cho anh em công nhân. Ông Lê Đăng Châu, Tổ trưởng Tổ sợi, người có 20 năm làm việc cùng anh Cường, chia sẻ: “Với Cường, hết giờ chứ không hết việc. Anh ấy rất đam mê máy móc, thiết bị, nhờ vậy sản lượng, giá trị sản phẩm của công ty ngày càng được nâng cao, thu nhập của anh em công nhân cũng được cải thiện”.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Cường đã lãnh đạo chi bộ đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ lao động sản xuất. Nhiều năm liền, Chi bộ anh Cường là đơn vị trong sạch, vững mạnh. Phân xưởng do anh lãnh đạo đạt tập thể lao động xuất sắc. Năm 2006, thu nhập bình quân của người lao động công ty là 1,36 triệu đồng/tháng, đến nay đạt hơn 7 triệu đồng/tháng. Một yếu tố đem lại thành công cho công ty là nhờ đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật nhằm giảm chi phí nhưng vẫn đạt hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh tốt tại các thị trường khó tính như Tây Ban Nha, Mỹ… Thành công của Công ty trong việc đem lại cuộc sống ổn định cho hơn 400 lao động có sự đóng góp lớn của người quản đốc sáng tạo.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.