Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng

PGS, TS BÙI ÐÌNH PHONG

Thứ Năm, 16/08/2007 03:02

Từ đó trở đi, đặc biệt khi Ðảng ta trở thành đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung xây dựng hệ thống lý luận đạo đức mới, đạo đức cách mạng để giáo dục cán bộ, đảng viên. Ðó là những phẩm chất: trung với nước, hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; thương yêu con người; tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm cả lý luận và thực hành, đặc biệt là nêu gương đạo đức; chú trọng cả đức lẫn tài, lấy đức làm gốc. Bởi vì người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng dân tộc, giải phóng loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản thì còn làm nổi việc gì.

Ðạo đức cách mạng, nói tóm tắt là nhận rõ phải, trái, giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Ðảng, cho cách mạng. Ðó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Ðảng, giữ vững kỷ luật của Ðảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Ðảng. Ðặt lợi ích của Ðảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Ðảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc...

Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phát triển cùng với sự phát triển của cách mạng, trở thành sức mạnh, động lực to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc và bước đầu xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giờ đây, gần bốn mươi năm đã trôi qua kể từ lúc Bác Hồ đi xa, tình hình thế giới, trong nước đã có nhiều đổi thay.

Loài người sống trong xu thế toàn cầu hóa với những bước tiến mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Cùng với việc chăm lo phục hồi và tăng trưởng kinh tế, nhân loại tiến bộ cũng cần một sự phục hưng mới về giá trị đạo đức, một nhân tố xuất hiện từ buổi bình minh của lịch sử loài người. Nhân dân ta, trong khi tập trung mọi nỗ lực, cố gắng để sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, luôn hết sức chăm lo cho sự tiến bộ, văn minh của đất nước.

Ðảng và nhân dân Việt Nam ý thức rất rõ về việc nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, bằng việc chăm lo xây dựng văn hóa, đạo đức làm nền tảng cho xã hội. Trong mỗi bước ngoặt của cách mạng, chúng ta lại tìm về Hồ Chí Minh, con người đã để lại một dấu ấn không phai mờ về tư tưởng và tấm gương đạo đức.

Nghiên cứu tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong tình hình thế giới và Việt Nam hiện nay, đặc biệt phải chú trọng tới chữ liêm. Liêm là trong sạch, không tham lam (vật chất, tiền bạc, địa vị, quyền hành...). Ngược lại là bất liêm. Bất liêm rất nguy hại, và vì vậy đáng lên án nhất là cán bộ cậy quyền thế, đục khoét của dân, ăn của đút, dìm người giỏi để giữ địa vị của mình.

Người đã viết: "Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, tr.104). Hoặc "trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư" (t.5, tr. 641). Ðiều trăn trở lớn nhất của Bác Hồ là khi Ðảng ta trở thành đảng cầm quyền, những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, ít nhiều có chức, có quyền, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.

Tổng kết hai mươi năm đổi mới, Ðảng ta càng quan tâm và nhấn mạnh nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Ðảng. Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn cho thấy, đảng cầm quyền phải rất coi trọng đạo đức, năng lực và bản lĩnh. Bác Hồ đúc kết ngắn gọn súc tích: Ðảng ta là đạo đức, là văn minh. Vấn đề suy thoái đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền; kém lý luận và năng lực thực tiễn; không vững vàng, kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng là những nguy cơ của đảng cầm quyền.

Vừa qua, những vụ tham nhũng, lãng phí lớn, những hành vi về hách dịch, cửa quyền, vô cảm trước nỗi vất vả của nhân dân đều liên quan đến cán bộ, công chức, nhất là cán bộ có chức, quyền. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu là những căn bệnh trong bộ máy, tổ chức và của cán bộ, công chức. Theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống tham nhũng phải chống từ trong bộ máy, tổ chức, chống bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân, chống lạm quyền và lộng quyền. Phải kiểm soát quyền lực bằng tai mắt của quần chúng nhân dân. Phải xây dựng một bộ máy trong sạch, minh bạch. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì phải chú trọng tính tối thượng, nghiêm minh và bình đẳng của pháp luật. Cần tăng cường giáo dục và nêu gương. Kết hợp giáo dục, nêu gương với thi hành pháp luật.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì". Xây phải đi đôi với chống. Xây đức tính cần thì phải chống lười biếng. Xây đức tính kiệm thì phải chống xa hoa, lãng phí. Xây đức tính liêm thì phải chống bất liêm. Xây "chí công vi thượng" thì phải chống chủ nghĩa cá nhân "dĩ công vi tư". Chống tham nhũng là công việc của toàn xã hội, đất nước muốn được giàu mạnh thì phải chống tham nhũng hiệu quả.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.