Người cảnh sát khu vực hết lòng vì dân

TIỂU PHƯƠNG

Thứ Tư, 07/09/2011 18:58
Yêu mến, trân trọng người chiến sĩ công an khu vực hết lòng vì nhân dân, rất nhiều gia đình ở phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng đã cùng làm đơn, đề nghị lãnh đạo Công an thành phố giữ đồng chí lại công tác thêm một thời gian, khi anh đã đến tuổi về hưu. Anh là Ðại úy Ðỗ Viết Sỹ, một trong những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Công an thành phố Hải Phòng.

Theo địa chỉ bức thư có chữ ký của đại diện hàng chục hộ dân, chúng tôi tìm đến khu dân cư đường Võ Thị Sáu và đường Nguyễn Trãi, phường Máy Tơ, do Ðại úy Sỹ phụ trách. Ðằng sau những trụ sở cơ quan khang trang ngoài mặt phố là những con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo. Bà con ở đây phần lớn là người lao động, đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả. Gặp Ðại úy Sỹ đang xuống thăm địa bàn, chúng tôi nhận thấy anh đã quá thân thuộc với bà con khu phố qua những cái bắt tay rất chặt của người già, những lời chào hỏi niềm nở của chị bán hàng nước từ đầu ngõ, đến mấy em nhỏ chơi trên đường.

Anh tâm niệm, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ là học từ những việc tưởng chừng rất nhỏ, trong trách nhiệm của mỗi người; việc nhỏ giải quyết được thì việc lớn không xảy ra. Và vì thế, là cảnh sát khu vực, anh luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của người dân để giải quyết tốt những việc phát sinh trên địa bàn. Người dân ở đây vẫn nhớ sự việc anh Nguyễn Văn Nam ở tầng 3, nhà số 10, bị chết do nhiễm HIV sau nhiều năm nghiện hút ma túy. Nhà chỉ có bà mẹ già yếu, không còn tiền lo hậu sự cho con, nên đành đắp chiếu để trong nhà. Hàng xóm hoảng sợ, sơ tán hết.

Nhận tin báo của nhân dân, anh xuống ngay địa bàn, vận động quyên góp được gần hai triệu đồng, thuê xe, chở về quê mai táng. Rồi anh tự tay dọn dẹp căn phòng cho bà mẹ. Mọi người thấy vậy mới dám quay về. Hay việc anh không ngại mưa gió, kịp thời có mặt, tìm cách đưa người con trai ông Uyên ở ngõ 18 - Võ Thị Sáu, bị bệnh tâm thần, ra khỏi nhà để mọi người vào lo mai táng cho ông, vì người con nhất định đóng chặt cửa không cho ai vào. Khi đồng chí Sỹ đến, nước đã ngập gần tới chỗ người cha nằm, chung quanh, con trai ông đã chất đầy củi.

15 năm làm cảnh sát khu vực, Ðại úy Ðỗ Viết Sỹ biết rõ hoàn cảnh của tất cả các hộ dân trong khu phố, các cơ quan, doanh nghiệp, các loại đối tượng trên địa bàn. Anh suy nghĩ giản dị, người cảnh sát khu vực muốn làm tốt được nhiệm vụ cần thật sự vô tư trong công việc; sống gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân để nắm tình hình; cảm thông và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Bởi thế, những gia đình anh hay lui tới động viên, thăm hỏi thường là những gia đình nghèo nhất, lam lũ nhất trong xóm lao động nghèo.

Chẳng nề hà, anh thầm lặng làm nhiều việc lẽ ra không thuộc trách nhiệm của mình. Nói về công việc, anh giãi bày, là cảnh sát khu vực có trách nhiệm thì làm không hết việc, nếu không có trách nhiệm thì chẳng có việc gì để làm. Vì thế, anh sẵn sàng làm giúp người dân từ những việc nhỏ: lấy chứng minh nhân dân, nhập sinh, nhập hộ khẩu... đến việc phát hiện, đấu tranh với kẻ gian lận làm giấy tờ giả, bán nhà tới ba lần, buộc trả lại tiền cho người bị hại; hóa giải mâu thuẫn, xích mích trong khu dân cư...

Lực lượng Công an khu vực chính là những người gần dân nhất, trực tiếp góp phần xây dựng nên hình ảnh người công an trong lòng nhân dân. Những việc làm tích cực của người cảnh sát khu vực đều được người dân ghi nhận. Nhưng nếu có những việc làm chưa đúng, chưa chuẩn mực, người dân cũng phát hiện ngay.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, tổ phó tổ an ninh khu phố cho biết, ông đã sống ở phường Máy Tơ hơn 20 năm, những việc làm hằng ngày của Ðại úy Ðỗ Viết Sỹ thật sự thuyết phục ông: "Ðược một người chiến sĩ công an như anh ấy thật tốt cho khu phố chúng tôi. Cũng vì yêu mến đồng chí Sỹ mà tôi tham gia tổ an ninh, để mong được chia sẻ những khó khăn, vất vả với đồng chí, một người hết lòng vì nhân dân. Có những khi, dù đang bận việc gia đình, hay dịp lễ, tết, nhưng mỗi khi người dân ở khu phố cần là anh ấy có mặt. Trước đây, rất nhiều đối tượng lén lút bán heroin trên đường Võ Thị Sáu, chập tối ít người dám qua khu vực này. Ðồng chí Sỹ liên tục đi tuần, phát hiện, thuyết phục, tình hình yên ắng hẳn. Nhân dân rất cảm phục".

Cùng ông Hồng, chúng tôi đến gia đình bà Hoàng Thị Sinh, 83 tuổi, ở số 4, đường Nguyễn Trãi. Căn nhà trống huếch trống hoác, mấy chùm nắng xuyên qua mái dột, lọt xuống nền đất ẩm mốc. Trải qua nhiều đau khổ, bà Sinh cho biết, bà còn tinh thần để sống đến ngày hôm nay chính một phần nhờ sự giúp đỡ của anh Sỹ. Bà có 9 người con thì hai người đã mất, ba người nghiện ma túy, cháu cũng chết vì nghiện nặng. Nhà có gì cũng "đội nón" ra đi, hàng xóm láng giềng xa lánh, lúc đau ốm cũng không ai dám đến hỏi thăm. Nhờ anh Sỹ động viên, một người con của bà đã cai nghiện và lập gia đình, một người được anh Sỹ tìm cho công việc phù hợp...

Ðược cảm hóa bởi sự chân thành của anh, họ còn tham gia tuyên truyền, động viên những bạn nghiện đi cai. Vợ chồng anh Nguyễn Văn Ðược, một trong những người con của bà Sinh, được anh Sỹ giới thiệu việc làm, nay đã cất được ngôi nhà xinh xắn. Tổ ấm hạnh phúc này, với anh Ðược, như là một giấc mơ tưởng chừng không có thực: "Nói thật là tôi cũng đi tù hai lần rồi. Từ ngày về, được anh Sỹ giúp đỡ, cải tạo, anh ấy xin cho việc làm, động viên, khuyến khích. Mình chỉ biết nói lời cảm ơn các anh công an. Anh ấy tốt lắm". 

Tại diễn đàn Công an lắng nghe ý kiến nhân dân, do Công an TP Hải Phòng tổ chức hằng năm ở cơ sở, nhân dân trong địa bàn đều bày tỏ tình cảm quý mến với Ðại úy Ðỗ Viết Sỹ và mong muốn lực lượng Công an nhân rộng điển hình như thế. Còn bản thân, anh luôn tự hào là người cảnh sát khu vực, chiến sĩ Công an của nhân dân.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.