Trong chuyến công tác ở huyện miền biển Tiền Hải, tình cờ chúng tôi được nghe một câu chuyện rất cảm động, ý nghĩa về một ông lão đã chuyển thể toàn bộ Di chúc của Bác Hồ thành ba thể loại thơ: lục bát, bát ngôn và tự do.
Ðồng chí cán bộ tuyên giáo huyện Tiền Hải hồ hởi đưa tôi đi tìm gặp người có khả năng đặc biệt này. Con đường từ trung tâm huyện vào nhà ông Mão được rải nhựa, đổ bê-tông sáng bóng khoảng hơn 3 km. Nhà ông nằm ở cuối thôn.
Khi chúng tôi đến, ông Mão đang cặm cụi chăm sóc, cắt tỉa vườn cây cảnh. Cây cảnh của ông có đủ loại với nhiều kiểu dáng. Ở giữa vườn cây là một chiếc chòi lá để ngồi uống nước, cảm giác rất thú vị. Năm nay, ông Mão đã bước sang tuổi 75, sức khỏe tốt và minh mẫn.
Ông nói, mình già rồi, có người đến chơi như hôm nay nên cảm thấy rất phấn khởi. Sau tuần trà nước, người đặc biệt kể cho tôi nghe về mối lương duyên này. Trước đây, ông công tác ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải. Năm 1993, về hưu, có nhiều thời gian hơn nên thường xuyên trồng, chăm sóc cây cảnh, làm thơ, đọc tư liệu về người lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Làm thơ từ hồi còn nhỏ, ngày trước, thơ của ông chủ yếu viết về đề tài thiên nhiên, quê hương, đất nước. Thời gian còn công tác ở ngân hàng, ông đã nung nấu ý định viết thơ về Bác Hồ, về Ðảng, nhưng do thiếu tư liệu và nhiều lý do khác nữa nên đến bây giờ mới thực hiện được. Năm 2007, thấy báo chí tuyên truyền đậm nét về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thế là ông tìm đọc sách, báo, tư liệu về Bác Hồ.
Năm 2010, ròng rã 20 ngày liên tục ông đã viết xong tập trường ca Bảy mươi chín mùa xuân của Bác Hồ với 240 câu thơ. Ở tập thơ này, ông trình bày thành ba chương. Chương một, bối cảnh lịch sử gia đình Bác. Chương hai, tư tưởng và đạo đức của Người. Chương ba là lời ước nguyện.
Ðọc những vần thơ ông viết ở tập trường ca thật tình cảm, da diết. Ở chương một, có đoạn ông viết: "Quê hương xứ Nghệ miền trung/Ðịa linh nhân kiệt đã sinh ra Người/Ngay từ khi thủa thiếu thời/Bác phải sống giữa cuộc đời tối tăm"... Với chương ba lời nguyện ước, ông viết "Xa Bác bốn chục năm trời/Làm sao viết hết cuộc đời Bác đây/Tôi chưa gặp Bác một ngày/Nhưng hình bóng Bác dâng đầy trong tim".
Nối tiếp mạch nguồn cảm hứng từ tập thơ đầu tiên về Bác, ba tháng mùa xuân 2012, ông Mão đã hoàn thành xong tập thơ Di chúc Bác Hồ con tạc thành thơ. Có thể thấy rằng, ở tập thơ này, ông Mão nặng lòng về Bác, về Ðảng hơn bao giờ hết.
Ông nói, nếu không hoàn thành được tập thơ Di chúc Bác Hồ con tạc thành thơ thì bản thân luôn thấy mình như nợ Bác, nợ Ðảng và nhân dân cả nước rất nhiều. Ở tập thơ thứ hai này được tác giả trình bày thành ba chương với 750 câu di chúc, ngôn ngữ thể hiện rất tài tình, súc tích. Chương một, những lời tâm huyết với Bác Hồ, thuộc thể thơ lục bát. Chương hai, Di chúc của Bác Hồ, thể thơ bát ngôn. Chương ba, tấm gương đạo đức Bác Hồ, thể thơ tự do.
Ông Mão chia sẻ, sau khi hoàn thành hai tập thơ về Bác, được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương, nhất là sự đóng góp, ghi nhận của GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp-Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chỉ trong thời gian ngắn, bản trường ca Bảy mươi chín mùa xuân của Bác Hồ đã chính thức ra mắt bạn đọc gần xa, được nhân dân đón đọc sôi nổi.
Ông Mão dự định, thời gian tới sẽ tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ Di chúc Bác Hồ con tạc thành thơ. Trước tình cảm đặc biệt chân thành mà ông Mão dành cho Ðảng, Bác Hồ, GS,TS Hoàng Chí Bảo cho biết, người viết bản trường ca đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của mình về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức cao quý của Bác Hồ. Không những thế, bản trường ca còn là tiếng nói từ đáy lòng tác giả, giản dị mà sâu lắng, toát lên tình cảm yêu thương, kính trọng và ngưỡng mộ đối với Bác Hồ. Tập thơ còn thể hiện mong muốn thiết tha được học tập và làm theo lời Bác, không chỉ tác giả mà cả chúng ta. Vì lẽ đó, những điều tâm huyết của tác giả thể hiện qua bản trường ca này chắc chắn sẽ nhận được nhiều tình cảm của anh em, bạn bè, đồng chí... gần xa ở mọi miền Tổ quốc.