Người cựu chiến binh và 25 năm sưu tập tài liệu về Bác Hồ

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Thứ Tư, 06/01/2010 17:29
Ông Nguyễn Duy Hưng.
Ông Nguyễn Duy Hưng.

May mắn trong cuộc đời của người cựu chiến binh này là hai lần được gặp Bác Hồ nên những tình cảm chan chứa đối với Người của người lính trong ông càng thẳm sâu.

Năm 1945, mới 15 tuổi, ông Nguyễn Duy Hưng đã tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở xã. Năm 1949, tròn 19 tuổi, ông đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Ðảng, rồi vào bộ đội, tham gia hết chiến dịch Tây Bắc, Việt Bắc, Ðiện Biên... vào chiến trường miền nam đánh Mỹ...

Ông thổ lộ: "Cha mẹ sinh ra nuôi nấng mình lớn lên, nhưng Bác Hồ là người dìu dắt không chỉ riêng mình mà cả thế hệ của mình trưởng thành. Cả thế hệ của tôi đi đánh giặc với niềm tin son sắt quyết thắng vì ai cũng nghĩ đến Bác Hồ kính yêu".

Xuất phát từ suy nghĩ phải làm việc gì đó để mãi khắc ghi tình cảm của mình đối với Người, đồng thời để cho thế hệ trẻ hiểu Bác hơn và học tập theo tấm gương của Người, ông Hưng đã sưu tầm tư liệu về Bác.

Ông cho hay: "Tôi có ý định làm tập tài liệu này từ năm 1972, ngay sau khi rời khỏi quân ngũ. Nhưng mãi đến năm 1984 mới bắt đầu làm được. Viết lại chuyện của Bác Hồ để mình đọc mà tự răn bản thân trước tấm gương của Bác, sau nữa là cho con cháu trong làng đọc để biết rõ thêm về thân thế, sự nghiệp và đạo đức của Bác". Thế là 25 năm qua, ông miệt mài đọc báo, nghe đài và tìm sách viết về Bác. Với cuốn sổ cá nhân, ông đã tỉ mẩn ghi chép lại hàng nghìn trang tư liệu về Bác Hồ. Khi tư liệu về Bác khá nhiều, ông mới sắp xếp lại theo mốc thời gian  hoạt động tìm đường cứu nước của Người rồi viết thành sách "Dân ta muốn biết rõ thêm về Bác Hồ".

Bản thảo gốc đầu tiên của tập tài liệu "Dân ta muốn biết rõ thêm về Bác Hồ" của ông Hưng được viết trên vở học sinh. Ông đã trân trọng đặt bút qua từng nét chữ, từng câu viết lên vở ngay từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, không một vết gạch bỏ hay sửa chữa, không một gợn mực nào vấy bẩn lên giấy. Nhiều người trong thôn, kể cả cán bộ thôn, các tổ chức đoàn thể sau khi đọc tập tài liệu của ông đã rất xúc động và động viên ông tiếp tục viết thêm nhiều trang hơn nữa. Thấy được tấm lòng của người dân trong làng, trong xã đối với Bác Hồ, ông Hưng quyết định viết lại tập tài liệu từ vở học sinh lên giấy khổ A4 để tiện phô-tô.

Và 100 bản phô-tô đầu tiên, mỗi bản dày 121 trang khổ A4 của tập tài liệu "Dân ta muốn biết rõ thêm về Bác Hồ" của ông Hưng đã được... tự "xuất bản". Ông đem "sách" của mình phát cho bà con trong thôn, biếu các đoàn thể thôn, xã, huyện. Ông gửi "sách" báo cáo với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương và nhận được thư động viên nhiệt liệt.

Các tài liệu sưu tầm, tìm kiếm được trong sách báo, ở bảo tàng... về Bác đều được ông Hưng đưa vào tập tài liệu, với chú thích, trích dẫn rõ ràng và được trình bày theo tuần tự thời gian từ lúc Bác mới sinh cho đến khi Bác ra đi. Trong đó ông sưu tầm được 30 bức ảnh, tranh vẽ về gia đình và tuổi niên thiếu của Bác làm cho tập tài liệu thêm phần sinh động. Ông còn viết lại các tài liệu nguyên văn chữ Hán, chữ Pháp của Bác và tự dịch nghĩa bằng tiếng Việt. Ông liệt kê và sưu tầm cho vào tập tài liệu được 174 tên gọi, bí danh, bút danh của Bác, điều mà không phải ai cũng biết hết. Tập tài liệu của ông còn có nhiều tư liệu quý về Bác Hồ như: Bác trả lời phỏng vấn các nhà báo quốc tế về cương vị Chủ tịch nước mà Người đảm nhận...

Ông bộc bạch: "Viết tài liệu về Bác thì không biết khi mô cho hết. Nhưng tôi sẽ gắng viết tiếp cho đến khi mô không viết nổi nữa mới thôi". Qua tập tài liệu được viết lại gọn gàng của ông, người đọc biết thêm và rất dễ nhớ về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của Người đối với nhân dân và đất nước; tạo được niềm tin và sự xúc động sâu sắc trong người đọc...

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.