Người đảng viên sưu tập hơn 3.000 bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh

NGUYỄN VĂN LUẬN (Hà Nội)

Thứ Tư, 11/07/2012 18:33
Cụ Nguyễn Văn Tỵ (tức Văn Nhân, trong ảnh) là đảng viên ở chi bộ 5, Ðảng bộ xã Ðông Dư, (Gia Lâm, Hà Nội), vừa được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Ðảng đợt 19-5-2012 tại Ðảng bộ xã Ðông Dư. Cụ là một đảng viên gương mẫu, có nhiều đóng góp xây dựng địa phương và đã sưu tập được hơn 3.000 bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cụ Văn Nhân và những tư liệu sưu tầm được.
Cụ Văn Nhân và những tư liệu sưu tầm được.

Cụ Văn Nhân tham gia Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày 15-3-1947, cụ được kết nạp Ðảng Cộng sản Việt Nam. Từ những ngày đầu đi theo kháng chiến đến khi về hưu, cụ đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành ở nhiều lĩnh vực công tác khác nhau. Tháng 6-1947, cụ bị giặc Pháp bắt, giam ở nhà tù Hỏa Lò. Trong đợt giặc Pháp đánh lên các tỉnh biên giới phía bắc, chúng đã đưa các chiến sĩ cách mạng ở nhà tù Hỏa Lò đi mở đường và phục vụ cho chiến dịch của chúng. Cụ đã cùng với một số đồng chí trong đoàn nhà tù Hỏa Lò làm công tác "binh vận", vận động trung đội công binh của địch làm binh biến, cướp đồn giặc ở Cao Bằng để "Trung đội tự động cứu quốc" về với "ta" ở liên khu 1. Năm 1948, cụ được chuyển về làm việc ở Tỉnh ủy Bắc Ninh, năm 1952 sang làm cán bộ tình báo, rồi cán bộ thanh tra trong đoàn thanh tra trong công tác sửa sai và cán bộ ngoại giao của cơ quan ngoại giao. Năm 1973, cụ về hưu tại địa phương và tham gia làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã đến năm 1993.

Là đảng viên cao tuổi, cụ Văn Nhân được miễn sinh hoạt đảng nhưng với trách nhiệm của người đảng viên, cụ vẫn thường xuyên đóng góp với chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể về xây dựng tổ chức đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân ở địa phương, nâng cao hiệu quả của các hoạt động xã hội, quan tâm các hộ gia đình khó khăn và sự tiến bộ của thanh, thiếu niên nhi đồng.

Khi còn đang công tác và cả khi đã được về hưu, cụ Văn Nhân vẫn thường xuyên đọc báo, tạp chí các loại và sưu tập các bức ảnh. Từ năm 1968 đến nay, cụ đã sưu tập được hơn 3.000 bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ trong 22 quyển an-bum rất cẩn thận. Trí nhớ và đôi mắt của cụ vẫn tinh tường lắm. Cả 22 tập an-bum, những bức ảnh Bác Hồ chụp thời gian nào, chụp ở đâu, chụp với những ai cụ đều nhớ hết. Có những bức ảnh Bác Hồ chụp ở lớp "Bình dân học vụ" từ thời kỳ chống "giặc đói, giặc dốt" hay Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Liên Xô, cụ vẫn đọc đầy đủ và giải thích rõ ràng.

Hơn 3.000 bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cụ Văn Nhân sưu tập và lưu giữ thật quý giá. Khi được hỏi về kế hoạch sưu tập các bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Văn Nhân cho biết: Khi mắt cụ còn sáng, còn đọc được, cụ vẫn còn tiếp tục sưu tập các bức ảnh và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và khi xóm có nhà văn hóa, cụ sẽ tặng lại toàn bộ bộ sưu tập đó cho nhà văn hóa, để nhân dân, các cháu thanh niên, các cháu học sinh đến đọc, học tập và làm theo những điều Bác Hồ dạy.

Tin liên quan

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - giá trị vĩnh hằng của Tư tưởng Hồ Chí Minh

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - câu nói bất hủ ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên trên làn sóng phát thanh từ Thủ đô Hà Nội vào tháng 7/1966, trong thời điểm miền bắc đang gồng mình trước bom đạn chiến tranh, còn miền nam chìm trong máu lửa. Đây không chỉ là khẩu hiệu kháng chiến, mà là tuyên ngôn bất diệt về quyền sống và khát vọng làm người của một dân tộc từng trải qua hàng nghìn năm mất nước, chia cắt và hy sinh.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sáng tác của các nhạc sĩ trẻ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt trong âm nhạc. Hình ảnh Bác Hồ vẫn sống động và lan tỏa trong sáng tác của thế hệ nhạc sĩ trẻ với những cảm quan nghệ thuật hiện đại; góp phần gìn giữ, tôn vinh những giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Người.
Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Sức sống và tầm vóc của tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong xã hội hiện đại, dấu ấn con người và các trào lưu tư tưởng dễ bị lu mờ bởi những vấn đề đương đại nóng bỏng. Vượt qua thách thức đó, Hồ Chí Minh là hiện tượng hy hữu của lịch sử khi đã trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và “độ lùi” của thời gian càng tôn vinh sức sống, tầm vóc tư tưởng của Người.