Người "đánh thức" đồi hoang

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀNG PHÚC

Thứ Hai, 11/11/2013 15:11
Một người khuyết tật không chỉ tạo lập cho mình một cuộc sống ấm no mà còn giúp nhiều người bình thường khác vượt qua đói nghèo. Ðó là ông Ðinh Xuân Hưng, 55 tuổi, ở xóm Rôốc, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình).  
Nguồn điện từ thủy điện nhỏ góp phần thắp sáng ngôi nhà ông Hưng.
Nguồn điện từ thủy điện nhỏ góp phần thắp sáng ngôi nhà ông Hưng.

Chuyện ông Hưng một tay làm thủy lợi

Ðến thị trấn Quy Ðạt, huyện Minh Hóa, giữa trưa nắng đến rát mặt, chúng tôi dừng xe hỏi đường về xã Xuân Hóa. Vượt qua đập Ba Nương, hỏi tiếp đường đến nhà ông Ðinh Xuân Hưng thì ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường. Dường như đối với người dân Xuân Hóa, họ biết rất nhiều về ông. Thậm chí có người còn nói thêm "nhờ ông mà chừ tui có ruộng để làm, các chú cứ chạy xe vô hết đường, rẽ trái là nhà ông Hưng"...

Ông Hưng bỏ dở việc chăm đàn lợn để tiếp chúng tôi. Hỏi về chuyện ông chỉ còn một tay sao làm được thủy lợi đưa nước về vùng Rôốc, ông nói rằng, "do đói nghèo nên phải nghĩ cách", "không sáng tạo và mạnh dạn làm thì biết bao giờ khá lên được". Bên chén chè xanh đặc sánh pha thêm chút mật ong lấy từ sau vườn, chúng tôi như bị hút vào câu chuyện khó tin đối với một người khuyết tật như ông.

Năm lên chín tuổi, ông Hưng trúng bom Mỹ, mất một cánh tay. Sau khi lập gia đình vợ ông sinh liền một mạch sáu đứa con, cuộc sống hết sức khó khăn. Ông Hưng bỏ làng Minh Xuân (Xuân Hóa) dắt díu vợ con ra vùng Rôốc với tài sản duy nhất là hai con bò để lập nghiệp.

Năm 2001, ông xin hợp tác xã Ba Nương nhận vùng đất cằn này để trồng cây nhưng cây đều chết vì khô hạn. Ông không nản lòng mà ngày đêm nghiền ngẫm cách làm thủy lợi. Sau đó, ông quyết định bán đôi bò là tài sản lớn nhất của gia đình có tám miệng ăn để làm thủy lợi. Vợ ông vì lo lắng cho cái ăn của cả nhà nên không cho bán. Ngày này qua ngày khác, người dân xóm Rôốc thấy ông Hưng một tay, dáng người nhỏ choắt, đi nghiêng nghiêng, leo lên leo xuống bên mấy triền đồi ngẫm ngợi, tính toán.

Một ngày, ông đưa cho vợ xem một tờ giấy mà trên đó ông vẽ nguệch ngoạc mô hình và những phép toán giản đơn, gọi là bản "tường trình khả thi" về công trình thủy lợi đưa nước về tưới vùng Rôốc, rồi khẩn khoản xin bán bò để mua vật liệu. Thương chồng, vợ ông cũng xiêu lòng...

Ông bàn với xóm giềng về ý tưởng góp tiền, bỏ công ra đắp đập, đào kênh qua đồi để dẫn nước về ruộng thì ai nấy đều nghi ngại. Có lẽ vì nghèo, sợ làm không được, bà con lại mất số tiền ít ỏi tích góp được nơi vùng đất khô hạn nên chưa đồng ý. Ông Hưng quả quyết "tui bỏ tiền ra mần nếu không được tui chịu mất". Cuối cùng chỉ có năm hộ thuận theo.

Ông Hưng dắt cặp bò đi bán được bốn triệu đồng lấy tiền mua vật liệu. Ðo đi tính lại, cuối cùng ông quyết định đắp đập bằng rọ đá, đào con mương dài 1,5 km, bốn đoạn phải đào vòng vắt qua triền đồi, đoạn vượt suối thì dùng ống nhựa. Số tiền bán bò xem ra chưa thấm vào đâu. "Tui nghĩ rồi, cứ đến mô lo nấy, nếu không có thì vay mượn bà con nội ngoại thêm... đôi bò"- ông Hưng nhớ lại.

Ngày mưa cũng như ngày nắng, chỉ với một tay, ông trằn lưng với cuốc, thuổng đào kênh, xe bi làm cống, hàn ống dẫn nước. Thương ông, vợ và mấy người con lớn cũng dầm mưa cùng làm thủy lợi. Người làng thấy vậy cũng chung tay để sớm đưa dòng nước mát về đồng Rôốc. Suốt sáu tháng trời quần quật làm việc, đập ngăn nước và kênh thủy lợi của ông Hưng được thành hình. Một đập cao gần ba mét chắn ngang dòng suối, đưa nước chảy vào tuyến kênh xẻ dọc sườn đồi về đồng ruộng. Nhờ thiết kế hợp lý nên vào thời điểm khô hạn nhất, nước cũng tự chảy về ruộng. Bà con bắt tay vào cải tạo ruộng khô thành ruộng nước hai vụ.

Người cho đất nở hoa

Ông Hưng nói vui: "Ðưa nước về, công trình thủy lợi coi như thành công nhưng như rứa tui vẫn nợ vợ đôi bò, phải trả vợ mình mới sướng chớ!". Nói là làm, ông khai hoang, cải tạo đất làm hơn một héc-ta ruộng. Qua hai vụ lúa đầu tiên có nước, ông được bốn tấn thóc.

Vợ ông cười bảo: "Thóc phơi khô quạt sạch xong, ông gọi tui đến nói rứa là đã trả được tiền bán đôi bò cho bà rồi đó. Tui nhìn ông vui mà chảy nước mắt". Cán bộ xã và người dân Xuân Hóa không tin xóm Rôốc làm được lúa nước, kéo nhau vào để được thấy tận mắt. Từ triền đồi nhìn xuống, cánh đồng Rôốc vàng óng trong nắng tháng năm. Ai cũng tấm tắc khen người nông dân tàn tật tài giỏi.

Có nước, ông Hưng lại đào ao thả cá, làm chuồng trại nuôi hàng trăm con lợn. Ông biến cả vạt đồi hoang thành khu vườn trồng đậu cô ve, dưa chuột, mướp đắng... cung cấp quả sạch cho các chợ trong huyện Minh Hóa. Lên rừng, ông dẫn dụ hàng chục đàn ong về làm tổ trong vườn, hút hương hoa rừng tạo nên những giọt mật sóng sánh.

Chưa dừng ở đó, ông Hưng còn đầu tư sắm cả máy xay xát, xe tải nhỏ và nhiều tư liệu sản xuất khác phục vụ bà con trong vùng. Ông cho biết, thu nhập từ kinh tế gia đình mang lại khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Có nước sản xuất nhưng nước sinh hoạt thì thiếu. Ông lại băm bổ lên rừng tìm suối đầu nguồn. Năm 2010, ông đầu tư hơn 10 triệu đồng mua ống, dẫn nước sạch từ sâu trong khe núi về phục vụ sinh hoạt. Giữa trưa nắng tháng sáu, tôi vục mặt vào bể nước trong veo thấy mát đến lạ kỳ.

Có nước nhưng thiếu điện, ông bố trí hai hồ cá chênh lệch nhau với mức độ khá lớn, mua máy thủy điện nhỏ, sử dụng nguồn nước từ hồ trên cao đổ xuống để phát điện. Như để chúng tôi tin, ông với tay bật công tắc, ánh điện bừng sáng trong ngôi nhà gỗ khiêm nhường giữa xóm Rôốc trù phú.

Cùng với gia đình ông, 20 hộ gia đình ở đây được hưởng lợi từ dòng nước mát lành mà ông Hưng dày công đưa về. Lúc chúng tôi lên, vùng Rôốc đang vào mùa thu hoạch lạc.

Bên ruộng lạc, chúng tôi dừng lại trò chuyện với vợ chồng anh Ðinh Xuân Khuệ. Anh hồ hởi nói: "Tui có đất sản xuất như ri là nhờ kênh mương thủy lợi của ông Hưng. Ông còn giúp vợ chồng tui làm đất sản xuất, bày cho cách làm ăn, cuộc sống ổn định hơn. Nhiều hộ nuôi được bò, sắm xe máy, làm nhà cửa cũng từ hạt thóc, hạt lạc trên cánh đồng Rôốc khô cằn khi xưa".

Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa Ðinh Xuân Thanh, ông Hưng là người có công rất lớn với vùng Rôốc, chính ông đã ngăn khe, dẫn nước tạo nên ruộng vườn tươi tốt, giúp nhiều hộ dân xóa đói nghèo. Bản thân ông là một tấm gương sáng đầy nghị lực, vượt khó vươn lên để làm giàu cho mình và có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.