PGS, TS Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế có nhiều công trình khoa học mang lại lợi ích cho trẻ em. |
PGS, TS Lê Thị Luân, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) chia sẻ, năm 2012, sản phẩm vaccine uống Rota virus cho trẻ em được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, nhưng nhóm nghiên cứu của chị đã trải qua mười năm mày mò, thực nghiệm; có lúc tưởng thất bại. Với kết quả nghiệm thu đề tài cấp Bộ đạt loại xuất sắc (năm 2005), công trình này được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích với tên sáng chế "Quá trình tạo chủng giống gốc virus Rota giảm độc lực để sản xuất vaccine phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp".
Tìm ra chủng giống gốc rồi, phải tìm cách tạo ra sản phẩm nhằm ngăn chặn bệnh tiêu chảy cấp lây lan đang đe dọa tính mạng nhiều trẻ em trên cả nước. Bởi, qua điều tra dịch tễ học, hằng năm ở nước ta có khoảng từ 5.300 đến 6.800 trẻ dưới năm tuổi tử vong do mắc bệnh tiêu chảy mà thủ phạm chính là virus Rota.
PGS Lê Thị Luân tiếp tục chủ trì đề tài cấp Nhà nước KC.10.03/06-10 "Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất vaccine Rota sống uống, giảm độc lực phòng bệnh tiêu chảy ở Việt Nam". Những chuyến ra đảo khỉ ở Quảng Ninh và nhiều tháng trời miệt mài trong phòng thí nghiệm đã giúp PGS Lê Thị Luân xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất vaccine Rota trên tế bào Vero (tức phương pháp tách dòng, nhân dòng, thích nghi dòng và tính sạch dòng), đồng thời thiết lập được quy trình kiểm định vaccine Rota theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.
Thông qua đề tài "Ðánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vaccine Rotavin-M1 sống, giảm độc lực, uống phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em Việt Nam", PGS Lê Thị Luân giải quyết được ba mục tiêu. Trước hết, việc sản xuất vaccine Rotavin-M1 và giả dược (Placebo) cho địa điểm triển khai nghiên cứu lâm sàng, thứ hai là đánh giá tính an toàn và sinh miễn dịch của vaccine Rotavin-M1 do POLYVAC sản xuất giai đoạn một, hai và ba; thứ ba là xác định liều dùng và lịch sử dụng cho từng nhóm đối tượng.
Sau ba năm thử nghiệm lâm sàng trên 30 người lớn và 1.000 trẻ từ sáu đến 12 tuần tuổi, tuân thủ nghiêm túc thực hành lâm sàng tốt (GCP) của ngành y tế, trải qua các cung bậc lo lắng, mong chờ của nhóm nghiên cứu cuối cùng vaccine Rotavin-M1 đã được khẳng định an toàn và đáp ứng miễn dịch tốt ở trẻ từ sáu đến 12 tuần tuổi, tương đương vaccine Rotarix nhập ngoại.
Thành công của đề tài, theo đánh giá của một số chuyên gia y học dự phòng, đã mở ra bước ngoặt của chuyên ngành vắc-xin học, là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vaccine Rota sử dụng hệ thống chủng giống nội địa mà không phải nhập khẩu; tiết kiệm một khoản ngoại tệ đáng kể.
Chủ động được nguồn vaccine này, theo tính toán sơ bộ, mỗi năm, nước ta giảm hơn 122 nghìn lần trẻ phải nhập viện do virus Rota, đồng thời tiết kiệm hàng chục tỷ đồng chi phí điều trị bệnh tiêu chảy cấp đối với trẻ em. Từ khi đưa vào lưu hành (năm 2012), vaccine do ta sản xuất không thua kém chất lượng vaccine nhập khẩu của Mỹ và Bỉ, trong khi nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu nên giá thành sản phẩm vaccine nội chỉ bằng một phần ba so vaccine mua của nước ngoài.
Việc PGS, TS Lê Thị Luân cùng nhóm nghiên cứu tìm ra quy trình công nghệ sản xuất vaccine Rota đã đưa Việt Nam trở thành nước thứ hai ở châu Á và là nước thứ tư trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ và Trung Quốc) tự sản xuất thành công vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em, theo tiêu chuẩn quốc tế.
Vừa là chủ trì, chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, chị còn tham gia công tác đào tạo đại học và sau đại học (giảng viên kiêm nhiệm) hướng dẫn hàng chục trường hợp bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và thạc sĩ; vừa viết riêng và viết chung 10 cuốn sách (trong đó có một giáo trình và hai sách chuyên khảo cho đối tượng đại học và sau đại học), công bố 95 bài báo khoa học. Chị từng là cán bộ công đoàn, bí thư chi bộ và hiện là Bí thư Ðảng ủy Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế nhiều khóa liền.
Chị tâm sự: "Tôi may mắn có một bà mẹ chồng rất hiểu và thông cảm cho công việc của con cái. Hơn nữa sẵn có lòng yêu nghề, lại sinh ra ở một vùng quê mà vài chục năm trước thường xảy ra các dịch bệnh nên tôi càng ý thức sâu sắc hơn công việc mình làm. Với chúng tôi, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là không ngừng học hỏi, nghiên cứu và cập nhật những thành tựu của y học dự phòng thế giới để vận dụng vào thực tế nước ta, tạo ra các loại vaccine và sinh phẩm y tế có chất lượng, nhằm góp phần phòng, chống ngày càng tốt hơn các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở trẻ em. Sản xuất được vaccine bại liệt tiêm và vaccine tay-chân-miệng vào năm 2016 là mục tiêu chúng tôi đang hướng tới"...
Sự phấn đấu không mệt mỏi hơn 30 năm qua của PGS Lê Thị Luân được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý: Hai Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba, Giải thưởng Kovalevskaia...