Người gieo mầm xanh trên đất lúa

Bài và ảnh: SƠN NGỌC

Thứ Hai, 27/02/2017 19:17
“Nhà khoa học của nông dân”, “Người gieo mầm xanh trên đất lúa” là những cụm từ mà người dân vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) yêu mến dành cho PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học Viện lúa ĐBSCL. Gần 40 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, bà đã gắn bó cùng cây lúa với khát khao lai tạo ra những giống mới ít sâu bệnh, năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu để hạt gạo Việt Nam có thể vững vàng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa kiểm tra chất lượng lúa.
PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa kiểm tra chất lượng lúa.

Quả ngọt từ niềm đam mê khoa học

PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa là nhà khoa học nữ vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016. Đây là giải thưởng cao quý dành cho những cống hiến của các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Hồi chân ướt chân ráo về Viện lúa ĐBSCL đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, lúc đó ĐBSCL còn là vùng sâu, vùng xa với nhiều khó khăn của thời bao cấp, bà hiểu thế nào là lao động nông nghiệp, là chân lấm tay bùn và hiểu hơn những đòi hỏi khắt khe của cây lúa ở vùng ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất của cả nước. Khát khao tìm ra giống lúa mới có khả năng chịu mặn, chịu hạn đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất khẩu đã nhen nhóm trong bà.

Trở thành nghiên cứu sinh tại Ấn Độ, rồi nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Purdue (Mỹ) và Viện Kỹ thuật Liên bang Thụy Sĩ… chính là khoảng thời gian bà được học nhiều nhất. Hành trang khắc khổ và khát vọng giúp người nông dân vượt qua khốn khó đã trở thành động lực để bà giành được những thành công trong nghiên cứu khoa học sau này.

Công trình “Nghiên cứu chọn tạo và phát triển hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu” do PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa làm chủ nhiệm đề tài vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2016. Phần lớn các giống lúa do bà tạo chọn có năng suất cao, khả năng chịu mặn, thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu và có thêm đặc tính mới là gạo giàu sắt hơn các giống lúa thông thường, nhờ đó đã được thị trường chấp nhận và được Công ty Cổ phần bảo vệ thực vật An Giang (giống lúa OM5451), Công ty giống cây trồng Trung ương (giống lúa OM6976), Tổng công ty Giống Thái Bình và Công ty giống cây trồng Miền Nam (giống lúa OM8017) mua bản quyền.

Hai giống lúa OM6976 và OM5451, được công nhận là giống quốc gia và đang được gieo trồng rộng rãi tại các tỉnh vùng ĐBSCL. Ưu điểm vượt trội của giống lúa OM6976 là năng suất rất cao, có thể đạt chín tấn/ha vụ đông xuân, bảy tấn/ha vụ hè thu và thích nghi rộng, từ vùng phù sa ngọt tới vùng nhiễm phèn, mặn. OM6976 được mệnh danh là "nữ hoàng xuất khẩu". Còn giống lúa OM5451 lại có chất lượng vượt trội do có hàm lượng vi chất sắt và kẽm cao. Giống lúa có mùi thơm nhẹ, phù hợp với cả ba vụ hè thu, thu đông và đông xuân. OM5451 đang được nông dân trồng thay thế dần giống lúa IR50404 và trở thành giống lúa chủ lực xuất khẩu chất lượng cao.

Tổng diện tích trồng hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 lên đến hơn ba triệu héc-ta trong các năm 2013, 2014 và 2015 theo văn bản xác nhận của các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn vùng ĐBSCL và Nam Bộ, đem lại hiệu quả kinh tế trị giá 9.269 tỷ đồng. Hàng triệu lượt nông dân đã và đang sản xuất bằng các giống lúa này được hưởng lợi trực tiếp do tăng năng suất. Ngoài ra, hiệu quả kinh tế còn mang lại cho các thành phần thu mua, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu. Hiệu quả rộng hơn là đã đóng góp cho an ninh lương thực quốc gia và ổn định xã hội.

Vươn tới những đỉnh cao

Ngoài đam mê nghiên cứu giống lúa mới, PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa còn tham gia viết sách, công bố 92 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín, trong đó có 10 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đồng thời bà hướng dẫn 17 thạc sĩ bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp và đang hướng dẫn bốn nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Giờ đã ở tuổi 62 nhưng PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Với bà, còn sức khỏe là còn tiếp tục gieo mầm xanh trên đất lúa. Đây cũng chính là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đặt lên vai những nhà khoa học chân chính. Thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian tới bà sẽ cùng đồng nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ gien ở cây trồng, xây dựng các quy trình chuyển nạp gien mới theo hướng khắc phục các hạn chế về an toàn sinh học của sản phẩm biến đổi gien. Và đây sẽ là hướng đi mới của nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học trong nông nghiệp nói riêng nhằm nâng cao tiềm lực khoa học của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, trong lĩnh vực nông nghiệp, công trình về hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 được nhận Giải thưởng khoa học và công nghệ năm 2016 chính là giải thưởng danh giá đối với PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học trẻ, say mê nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

Khi ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đang được Nhà nước quan tâm đầu tư thì việc nâng cao tiềm lực khoa học trong nước để tự tạo ra các công nghệ và tiến bộ kỹ thuật của chính mình, có khả năng tiếp thu các công nghệ tiên tiến của thế giới là cần thiết, giúp nông nghiệp phát triển sâu rộng và bền vững.

Với tinh thần lao động miệt mài, PGS, TS Trần Thị Cúc Hòa đã vinh dự nhận nhiều phần thưởng như Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2013 (sau 11 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cơ sở và ba lần chiến sĩ thi đua cấp Bộ), Huân chương Lao động hạng ba (2012), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2008), giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất (2012), Huân chương Lao động hạng nhì (2016), và mới đây là Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ 2016.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.