Người giữ gìn những bài thuốc quý

TRẦN THỊ LUYÊN

Thứ Sáu, 02/01/2015 18:34
Thấu hiểu nguyện vọng, hoàn cảnh khó khăn của người bệnh, hơn 23 năm gắn bó với nghề, chị đã không quản ngại khó khăn, vất vả nơi rừng sâu, núi thẳm cùng với cộng sự sưu tầm, đưa vào kho thuốc quý của địa phương hơn 70 bài thuốc dân gian...
Chị Đoàn Thị Tuần với các loại thuốc cổ truyền do chị sưu tầm.
Chị Đoàn Thị Tuần với các loại thuốc cổ truyền do chị sưu tầm.

Chị là Đoàn Thị Tuần, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Kon Tum, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Kon Tum.

Năm 1991, tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, chị Tuần về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Tại đây, chị là người đầu tiên được phân công phụ trách Khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Kon Tum.

Kể từ đó, chị nung nấu ý tưởng sưu tầm các bài thuốc quý có trong dân gian để phục vụ việc chữa bệnh. Được sự tư vấn, động viên khích lệ của nhiều đồng nghiệp, tháng 4/2012, chị Tuần bàn bạc với các hội viên Hội Đông y Kon Tum triển khai thực hiện Đề tài "Điều tra sưu tầm các bài thuốc dân gian tại Kon Tum". Mục đích là sưu tập những bài thuốc hay, các loại cây thuốc quý đang được bà con dân tộc thiểu số dùng chữa bệnh, để nghiên cứu, truyền bá và lưu giữ.

Với việc chọn những người từ 30 tuổi trở lên, có khả năng hiểu biết và sử dụng một số bài thuốc nam chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian để điều tra phỏng vấn, chị cùng các cộng sự đã lặn lội đến 36 thôn, làng thuộc chín huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum để ghi chép và phỏng vấn.

Từ tháng 4 đến tháng 9/2012, qua việc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với gần 500 người, chị đã sưu tầm được 53 bài thuốc dân gian từ bà con dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, mỗi lần gặp bệnh nhân đã khỏi các bệnh khó chữa, hoặc nghe họ kể lại về những công dụng của các cây thuốc ở các địa phương lân cận như Gia Lai, Quảng Nam, chị Tuần ghi chép và sưu tầm được 16 bài thuốc chữa bệnh dân gian khác. Đó là các cây thuốc, những bài thuốc, các phương pháp chữa bệnh dân gian lưu truyền trong các gia đình, dòng tộc hoặc trong các cộng đồng dân tộc khác nhau, ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những bài thuốc ấy được chị phân loại thành từng nhóm với từng bài riêng. Thí dụ: chín bài chữa bệnh tiêu hóa, tám bài chữa bệnh về khớp xương, bảy bài chữa bệnh mẩn ngứa, dị ứng, 11 bài chữa bệnh lao hạch, giải độc, đau mắt đỏ, v.v. Trong đó, một số bài thuốc có giá trị trong nghiên cứu y học, như các bài thuốc ngừa thai cho phụ nữ bằng lá cây gừng núi hay giải độc lá ngón của cộng đồng người dân tộc Giẻ Triêng ở xã Đác Choong (huyện Đác Glây); các bài thuốc chữa bệnh hắc lào bằng cây kiến cò hay chữa đau khớp bằng cây thuốc của dân tộc Mường ở xã Đác Long; bài thuốc chữa bệnh đau lưng bằng quả chuối hột rừng của dân tộc Gia Rai...

Theo chị, đây là những bài thuốc đơn giản và dễ sử dụng trong các gia đình; có nguồn gốc từ thực vật, cây cỏ, ta thường gặp, hoặc những loại rau, cây ăn quả mình ăn uống hằng ngày.

Chị kể, trong một lần đến xã vùng ven thành phố Kon Tum công tác, chị gặp một người phụ nữ mất hàng chục năm chữa bệnh tổ đỉa. Trò chuyện với người phụ nữ này, rồi tìm hiểu thêm, chị biết được bài thuốc chữa khỏi bệnh tổ đỉa không gì khác ngoài củ sâm đại hành, v.v.

Để có những thành công ấy, chị và cộng sự phải vượt qua nhiều khó khăn. Chẳng hạn như đường sá đi lại tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số phức tạp, khó khăn. Một số cây thuốc, bài thuốc rất nhiều công dụng nhưng bà con lại không biết tên, cộng thêm sự bất đồng ngôn ngữ, cho nên việc tiếp cận với những người lớn tuổi có kinh nghiệm chữa bệnh bằng lá rừng rất khó. Một số phương thuốc bí truyền không được họ tiết lộ...

Khi được hỏi, khó khăn là thế, động lực nào khiến chị đam mê tìm tòi nghiên cứu và sưu tầm các cây thuốc, những bài thuốc dân gian như vậy, chị Đoàn Thị Tuần chia sẻ: qua nhiều năm công tác cho thấy, hiệu quả từ các bài thuốc Đông y đem lại cho người bệnh rất cao và không có tác dụng phụ như thuốc Tây. Trong khi đó, Kon Tum là địa phương có nguồn dược liệu phong phú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây lại có rất nhiều cây thuốc dùng để chữa lành bệnh tật. Thế nhưng, các vườn thuốc nam chưa phát triển, nguồn dược liệu để chữa bệnh tại các bệnh viện, các trung tâm y tế thường phải nhập từ bên ngoài, giá thành cao... Vì thế, tôi quyết dồn tâm huyết vào lĩnh vực này.

Trong hoàn cảnh nào, chị cũng luôn phấn đấu thực hiện những lời căn dặn của Bác Hồ về y đức và chuyên môn. Hơn 23 năm gắn bó với nghề, say mê nghiên cứu trong khám và điều trị bệnh, tận tâm với bệnh nhân, tận tụy với nghề, tháng 8/2013, chị Đoàn Thị Tuần được đề bạt giữ chức Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kon Tum.

Trong dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2014), chị là người phụ nữ duy nhất ở Kon Tum được tặng thưởng danh hiệu "Thầy thuốc Ưu tú". Đây là vinh dự, là niềm vui lớn của người thầy thuốc.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.