Người "giữ lửa" bếp ăn từ thiện

Bài và ảnh: TRẦN CÔNG THI

Thứ Tư, 22/08/2012 17:23
Ở tuổi 63, chị vẫn ngược xuôi như con thoi. Do vậy phải liên hệ mãi mới được gặp chị. Chọn một nơi không gian thật yên tĩnh, tôi xin phép được viết về chị, bởi có quá nhiều điều muốn nói về chị, một bác sĩ đa khoa, nhưng giờ đây hàng nghìn người bệnh nghèo tỉnh Khánh Hòa đều biết và thầm gọi chị là "chị nuôi". Ðó là bác sĩ Phan Thị Kim Túy, Chi hội trưởng Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo y tế Khánh Hòa.
Bác sĩ Túy (người thứ hai từ phải sang) ủng hộ tiền cho phòng khám đa khoa Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa.
Bác sĩ Túy (người thứ hai từ phải sang) ủng hộ tiền cho phòng khám đa khoa Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa.

Tôi nhớ rất rõ ngày 12/9/2002, chị có tờ trình đầu tiên - với tư cách là Chủ tịch Công đoàn bệnh viện, đề xuất quyên góp tiền hoặc vật chất để giúp người bệnh nghèo và đã được Ban Giám đốc bệnh viện hoàn toàn ủng hộ nhưng muốn công đoàn đứng ra tổ chức bếp ăn từ thiện, chị vui mừng khôn xiết.

Từ đấy, chị đôn đáo ngược xuôi vận đông, tìm các nhà hảo tâm và đã  được đông đảo đội ngũ chị em thiện nguyện nhiệt tâm ủng hộ. Người có tiền góp tiền, người có vật chất góp vật chất, có người thì bằng công sức.

Ngày 9/12/2002, "Bếp ăn từ thiện bệnh nhân nghèo" Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa chính thức ra mắt. Trên khuôn mặt khắc khổ của chị ngời lên sự hân hoan đến khó tả. Người nữ thương binh hạng 3/4 như khỏe hơn, vui hơn. Chị đi bắt tay cảm ơn mọi người mà không nói lên lời, chỉ có khóe mắt là rưng rưng...

Thời gian đầu, bếp ăn chỉ đáp ứng vài chục suất, sau đó nâng lên vài trăm suất và ổn định cho tới nay. Chả lẽ chỉ có người nghèo điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh mới được hưởng sao? Từ suy nghĩ đó, chị tìm mọi cách phát triển bếp ăn từ thiện bệnh nhân nghèo đến các bệnh viện tuyến huyện.

Tới nay, ở Khánh Hòa đã có nhiều bếp ăn từ thiện, trong đó tám bệnh viện có bếp ăn từ thiện đều do công sức vận động, tổ chức ban đầu của chị.

Theo số liệu chưa đầy đủ từ các bếp ăn tổng hợp về, tính đến tháng 8/2012, tại buổi lễ tổng kết 10 năm xây dựng bếp ăn từ thiện,  tổng số tiền và hiện vật quyên góp được hơn 13 tỷ đồng và gần 900 nghìn lượt người là bệnh nhân nghèo đã được nuôi ăn miễn phí, riêng Bệnh viện chuyên khoa tâm thần tỉnh với biên chế 150 giường nhưng gần như 100% số bệnh nhân được ăn miễn phí.

Cùng với việc phát triển bếp ăn từ thiện, chị còn tổ chức quyên góp, lập Quỹ Bảo trợ bệnh nhân nghèo đột xuất. Quỹ này  được  sử dụng vào việc hỗ trợ những bệnh nhân nghèo vô gia cư, chữa trị dài ngày không còn khả năng chi trả như: hỗ trợ truyền máu, dụng cụ y tế, thuốc men, phục vụ việc tổ chức các đoàn thầy thuốc về các thôn làng, bản khám, chữa bệnh từ thiện. Hàng nghìn người được khám bệnh và cấp thuốc, gần50 người bệnh miền núi được phẫu thuật về sản khoa, tổng số tiền chi cho các hoạt động này lên đến cả tỷ đồng.

Tất cả những ai đã và đang làm việc với chị đều có chung một cảm nhận: Chị là người giàu tình cảm, dễ xúc động nhưng cũng giàu nghị lực và mọi người đều dành cho chị sự cảm phục, sẻ chia và lòng kính trọng. 16 tuổi viết đơn tình nguyện thoát ly lên đường theo cách mạng. Khi nghe tin cha, mẹ và anh trai hy sinh, chị nén đau thương vào lòng, quyết tâm học tập văn hóa, học tập  chuyên môn và đã trở thành bác sĩ.

Chiến tranh đã qua đi nhưng giờ đây, cả hai vợ chồng chị dù đã hơn 40 năm tuổi Ðảng, được nghỉ ngơi theo chế độ, lẽ ra đây là thời gian quý giá để anh chị chăm sóc nhau hơn, về thăm lại mái nhà xưa, chiến trường xưa và đồng đội, về lại bên những phần mộ cha mẹ, thắp nén nhang mà vừa báo công, vừa tạ lỗi mẹ cha. Thế  nhưng kẻ thù vẫn còn đeo bám, nó đang gặm nhấm thân thể và tâm hồn bốn người (anh, chị và hai con trai) trong gia đình chị bởi chất độc da cam/dioxin. Gia đình và chính bản thân chị lẽ ra phải cần nhiều sự giúp đỡ của mọi người và của xã hội.

Nhưng chị nghĩ khác: Tôi khổ thật nhưng còn nhiều người khổ hơn tôi. Vì thế mà hai chữ "việc thiện" cứ thôi thúc trong lòng, chị làm việc để nhiều người bệnh nghèo khổ sẽ bớt khổ hơn, cái TÂM của chị nó thế rồi, càng làm nhiều việc thiện càng vui, cái triết lý ấy nói thì dễ, nhưng làm được như chị lại thật khó.

Những người bệnh mang trong mình rất nhiều loại bệnh, nhưng vì nghèo, kiếm cái ăn no đã khó, huống chi muốn thức ăn có dinh dưỡng, giờ nằm viện vừa được chữa trị, vừa được ăn no, lại đủ chất nên mau bình phục, rút ngắn ngày nằm viện, giảm được nhiều chi phí cho bệnh viện và người bệnh... Tất cả đều mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh nghèo và cho cả cơ sở chữa bệnh.

Ngành y tế từ Trung ương tới địa phương có nhiều quyết sách lo cho công tâm, minh bạch, tất cả vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà nơi này, nơi khác còn làm chưa tốt, gây điều tiếng với người bệnh.

Trong muôn vàn nỗi lo ấy, bác sĩ Phan Thị Kim Túy đã âm thầm lặng lẽ làm việc, không một lời kêu than, vừa chăm sóc mấy "người bệnh" trong nhà, vừa đôn đáo lo từng bữa cơm cho hàng trăm người bệnh nghèo. Trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bác sĩ Túy không chỉ thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đạo đức của Người, mà còn luôn gương mẫu làm theo lời Bác, chị như một bông hoa trong cả rừng hoa đẹp, một tâm hồn thật sáng trong, dung dị của người thầy thuốc, người mẹ hiền mà kiên gan, người "chị nuôi" của bao bệnh nhân nghèo.

 

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.