Người gửi 20 nghìn thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ

Ðã 37 năm,  ông Ðào Thiện Sính ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã đến hơn 200 nghĩa trang liệt sĩ để ghi chép, viết và gửi hơn 20 nghìn cánh thư cho thân nhân gia đình liệt sĩ. Tự lo ăn, ở, chủ yếu là ngủ nhờ ngoài "nghĩa địa", nhiều khi ông phải lấy thêm tiền của vợ, con lo cho việc thiện, dốc toàn tâm, toàn lực giúp cả nghìn gia đình thân nhân liệt sĩ biết tin và nhờ đó, rất nhiều gia đình đã đưa "người thân" về "đoàn tụ".

Nghe tin ông Ðào Thiện Sính, cùng đại diện Huyện hội Cựu chiến binh Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vừa bàn giao cho Bưu điện huyện hơn 2.000 lá thư, đưa tổng số thư ông đã viết và gửi cho thân nhân liệt sĩ hơn 20 nghìn thư, đúng lúc ông được trao Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng, chúng tôi lên huyện miền núi tìm gặp ông.

Tới vùng ven thị trấn huyện Khánh Vĩnh, hỏi thăm ai cũng biết ông là người chuyên viết và gửi thư báo tin về phần mộ cho thân nhân liệt sĩ. Ðón chúng tôi vào ngôi nhà nhỏ đơn sơ, tài sản lớn nhất là một tủ gỗ nhỏ và một bàn làm việc, hơn 2.000 bì thư xếp ngay ngắn trên bàn chuẩn bị cho các đợt viết tiếp... ông thong thả nói: "Tôi nhập ngũ năm 1967, mới 20 tuổi được tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, ác liệt lắm. Miền nam giải phóng, tôi chuyển ngành sang bưu điện. Thế nhưng năm 1979, lại tái ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Cam-pu-chia, năm 1983 ra quân, về lại làm bưu điện Khánh Vĩnh, rồi chuyển cả nhà từ Hải Dương vào đây sinh sống, năm 2007 tôi về hưu".

Ông có người anh trai là Ðào Chí Nguyện, bốn người cháu đều là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và hàng trăm đồng đội đã hy sinh.

Từng đi qua chiến tranh, ông hiểu nỗi đau của cha mẹ, người thân đằng đẵng ngóng tin con, em, người thân đang yên nghỉ nơi đâu? Năm 1976, ông khăn gói đến các nghĩa trang liệt sĩ, bắt đầu từ Quảng Trị trở vào, những năm đầu, cứ nghỉ phép là ông đi, khi về hưu ông đi thường xuyên, mỗi năm vài lần, mỗi lần đi cả tháng.

Hơn 200 nghĩa trang ông đã đến và cẩn thận ghi chép họ tên, tuổi, quê quán... càng cụ thể càng tốt, các trường hợp đủ thôn xã, ông gửi thư đến tận gia đình, nếu chỉ có tên huyện, thị xã, ông gửi về Phòng, Ban Thương binh - Xã hội. Kết quả thật bất ngờ, nhiều gia đình thân nhân của liệt sĩ nhận được thông tin vui mừng khôn tả.

Cứ thế ông đến các nghĩa trang liệt sĩ ghi chép, rồi lại gửi thư. 37 năm qua, ông đã gửi đến 20 nghìn lá thư đi mọi miền của Tổ quốc báo tin phần mộ đồng đội ông cho bao gia đình, thân nhân liệt sĩ. Gần đây nhất, trước khi nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Ðảng, ông lại bàn giao cho đại diện Huyện hội Cựu chiến binh hơn hai nghìn lá thư.

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Khánh Vĩnh Hà Teng cho biết: "Khoảng hơn 20% trong tổng số 19 nghìn lá thư ông Sính đã gửi đến các thân nhân của liệt sĩ biết tin về phần mộ người thân của mình. Hầu hết các gia đình có điều kiện đã đưa các liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà yên nghỉ. Khi được hỏi về việc chi phí đi lại, ăn ở, bì và tem thư..., ông trầm ngâm rồi mỉm cười nói: "Lúc đầu tôi âm thầm làm, về sau nhiều người nhận thấy việc tôi làm có ích, từ hơn 10 năm trở lại đây, ngành bưu điện giúp chuyển thư báo tin liệt sĩ miễn phí, còn bì thư có ba người ở Sài Gòn tài trợ. Hơn 10 nghìn điểm bưu điện văn hóa cấp xã cả nước cũng sẵn sàng giúp tôi xác minh những địa chỉ cần làm rõ. Tôi hạnh phúc nhất là được vợ và cả bốn con tôi ủng hộ. Tôi có hơn hai triệu đồng tiền lương hưu, nếu thiếu thì các con gửi thêm. Việc ăn, ở lại càng đơn giản, 66 tuổi rồi ăn mấy đâu: mì tôm, tô bún, mang theo màn, chăn, vài vật dụng thế là xong. Thường thì ngủ luôn ở nghĩa trang, cũng có khi gặp người tốt, biết tôi đi tìm báo tin mộ liệt sĩ, anh xe ôm không lấy tiền, có anh còn lo cho vào nhà nghỉ, trả tiền trước, mời ăn...".

Hiệu quả từ việc làm của ông rất thiết thực, chỉ xin đơn cử  trường hợp nữ Ðại tá Cao Thị Bình ở TP Hồ Chí Minh, không biết rằng người chú ruột của mình đang an nghỉ ở Nghĩa trang Rừng Sác cách nơi bà ở chỉ có 40 km! Nhờ thư ông đã tìm được người thân và có người còn được "minh oan" vì trước đó bị mất tích, đã có lúc còn bị nghi theo địch. Hay có những cụ đã thanh thản nhắm mắt khi nhận được thư ông báo tin về phần mộ của con, cháu các cụ.

Có lần tiễn ông lên đường đi Tây Ninh, điện thoại liên tục, rất vui vẻ tư vấn, ông tâm sự: "Toàn điện thoại thân nhân liệt sĩ gọi cả đấy, tôi thật hạnh phúc, cuối cùng, việc mình làm không chỉ được gia đình, mà cả xã hội giúp đỡ. Có những bác xe ôm tình nguyện dẫn đường cho ông. Hay chủ quán photocopy khi biết ông in mẫu thư báo tìm mộ liệt sĩ đã miễn phí luôn... Gần đây có cụ Phan Văn Phúc (cựu chiến binh, 83 tuổi ở TP Hồ Chí Minh) đã tài trợ toàn bộ chi phí photo thư báo tin và một phần tiền mua phong bì".

Năm 2012, Nghĩa trang Gò Dầu - Tây Ninh đang được xây dựng lại, quy mô 4.000 ngôi mộ, ông lặn lộn ở đó dài ngày, đã viết và gửi đi 2.800 lá thư, có khoảng gần 1.000 thân nhân biết tin về phần mộ, rất nhiều người có điều kiện đã vào với nguyện vọng đưa hài cốt về quê nhà và ông thường xuyên có mặt để chia sẻ và tư vấn giúp họ.

Thông qua việc làm của ông đã phần nào giúp tiết kiệm chi phí cho cả người dân và Nhà nước. Trước hết là giảm chi phí cho thân nhân nhận liệt sĩ đưa về, kế đến làm giảm chi phí cho việc xây mới mộ và nhiều khoản chi phí khác...

Khi được hỏi về hồi âm, hay "cảm tạ" của gia đình thân nhân liệt sĩ, ông thanh thản và cười thật mãn nguyện: Việc mình làm là tự nguyện và là việc thiện, tuyệt nhiên không suy nghĩ đến lợi ích cá nhân. Cũng có người đã hiểu nhầm, xin tài khoản tôi để gửi tiền, hỏi số nhà để gửi quà, nhưng tôi khuyên can họ không làm thế.

Trái lại còn có nơi ngăn cản không cho vào nghĩa trang ghi chép, thậm chí dọa kêu chính quyền bắt, tất cả những điều đó với tôi thật khôi hài bởi mình làm theo cái tâm. Là một cựu chiến binh, nên việc giữ vững phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ" luôn là mệnh lệnh từ trái tim, thật tự hào được làm "Quân bưu" cho liệt sĩ.

TRẦN CÔNG THI

(Khánh Hòa)

 

Tin liên quan

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Công đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam làm theo lời Bác

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế của ngành than là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, tạo bước đà cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước vững mạnh, giàu đẹp. Chính vì thế, Người đã luôn chú ý và dành nhiều sự quan tâm cho vùng mỏ nói chung, ngành than nói riêng.
Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.