Người kỹ sư nặng lòng với cây lúa

MINH TRƯỜNG

Thứ Hai, 22/07/2013 19:04
Cuộc sống còn nhiều vất vả của nông dân và sự gắn bó với đồng đất Sóc Trăng là động lực giúp kỹ sư Hồ Quang Cua không chỉ nghiên cứu thành công nhiều công trình về cây ăn trái, các loại rau màu khác mà còn có công đầu trong tạo giống lúa thơm ST. Nhờ trồng loại lúa thơm ST có giá trị xuất khẩu cao, hàng chục nghìn hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông bên bờ kênh, ruộng lúa ở ấp Giầy Lăng, xã Hòa Ðông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), không biết hương lúa đồng quê đã thấm vào từ lúc nào mà kỹ sư Hồ Quang Cua "nặng lòng" với cây lúa đến như vậy.

Thấy quê hương mình còn nghèo, mỗi năm, bà con nông dân phải một nắng hai sương "vật lộn" với một vụ lúa mùa cho năng suất, chất lượng thấp, anh canh cánh trong lòng về sự đổi thay của quê hương.

Mang theo hoài bão đó, chàng trai trẻ ruộng đồng Hòa Ðông quyết chí thi vào ngành nông nghiệp. Sau khi lấy bằng kỹ sư nông nghiệp, năm 1978, kỹ sư Cua trở về với ruộng đồng, phục vụ trong ngành nông nghiệp Sóc Trăng. Kể từ đó, anh bắt đầu "bén duyên" với cây lúa.

Hơn mười năm trước, cứ tờ mờ sáng là bà con nông dân thường thấy kỹ sư Cua lặn lội trên những cánh đồng lúa bạt ngàn ở các huyện Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị... có khi hì hục đến tối mịt mới về. Niềm đam mê như ngấm vào máu thịt.

Cho đến khi là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), anh càng gần gũi, gắn bó hơn với nông dân, đồng ruộng. Mỗi khi được trao đổi với bà con nông dân về kinh nghiệm sản xuất, anh hoạt bát, thân thiện như đang hòa mình với ruộng lúa quê hương, với mái ấm gia đình. Ðể có được bộ giống lúa thơm ST phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân, kỹ sư Cua phải bỏ ra rất nhiều công sức mới có thể làm xong khối lượng công việc khổng lồ. Anh tỉ mỉ lựa chọn, gieo trồng từng hạt, tuyển chọn hàng chục nghìn bụi lúa. Sau khi gặt, anh cùng các cộng sự tiếp tục chọn ra khoảng 10 nghìn mẫu để phân tích, phân loại, tuyển chọn từng dòng một, rồi lựa ra vài phần trăm trong số các dòng tốt nhất. Nếu ai được chứng kiến từng khâu trong quy trình lựa giống mới cảm nhận được phần nào tinh thần làm việc tất cả vì cây lúa của kỹ sư Cua.

Cây lúa cũng "trả công" xứng đáng cho niềm đam mê cháy bỏng của kỹ sư Cua, khi giống lúa thơm ST được bà con nông dân trong tỉnh nhiệt tình đón nhận và nhanh chóng bén rễ ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, có đến hàng chục nghìn héc-ta lúa thơm ST được trồng trên đồng đất Sóc Trăng. Bà con nông dân thích trồng, vì lúa thơm ST cho hạt gạo đẹp thon dài, thơm, mềm cơm, năng suất, giá bán cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Từ khi các giống lúa thơm như: ST3, ST5, ST20... được sản xuất rộng rãi, thì thị trường gạo thơm Việt Nam cũng sôi động hẳn lên và theo đó gạo thơm "tỏa hương" sang nhiều nước trên thế giới, mỗi năm xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn.

Gạo thơm Sóc Trăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Trong mắt của nông dân Sóc Trăng, kỹ sư Cua không chỉ là "anh hùng lúa thơm", giúp hàng chục nghìn hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều nông dân xây được nhà kiên cố, mua sắm ti-vi, tủ lạnh, lo cho con cái ăn học đàng hoàng... mà còn là người bạn thân thiết, luôn gần gũi, đồng hành với nông dân.

Ông Lý Hon ở ấp Trà Ông, xã Viên Bình, huyện Trần Ðề (Sóc Trăng) kể: Trước đây, bà con canh tác còn lạc hậu lắm! Mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa, làm thì vất vả nhưng khi thu hoạch, năng suất ba, bốn công lúa không bằng một công như bây giờ. Nhiều người làm lúa mùa chỉ mong có dư chút đỉnh để xay gạo ăn. Gần mười năm trước, ông Cua đến Viên Bình hướng dẫn bà con làm lúa thơm ST. Ðể nông dân quen làm giống lúa này, ông lo hết tất cả từ giống lúa, tập huấn kỹ thuật đến việc mua lúa của bà con với giá cao. Lúa tăng lên hai vụ, trúng mùa, được giá. Cũng nhờ ông Cua mà nông dân Viên Bình biết liên kết sản xuất, rủ nhau làm cánh đồng mẫu lớn với diện tích lên đến gần 1.500 ha, làm cùng một loại giống lúa thơm ST5, cho năng suất, chất lượng cao.

Hiện nay, anh và nhóm cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những giống lúa thơm ngắn ngày hơn, cho năng suất, chất lượng cao, kháng được dịch hại trên cây lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Có nhìn lại suốt quá trình lao động kiên trì, vất vả bằng tất cả tâm huyết của mình từ chọn tạo giống, xây dựng thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng, tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đến hành trình tìm đầu ra cho sản phẩm... mới cảm nhận được hết những đóng góp của kỹ sư Cua cho cây lúa quê hương.

Với những thành tích trên, kỹ sư Hồ Quang Cua được UBND tỉnh, ngành nông nghiệp tặng nhiều bằng khen, giấy khen, đặc biệt anh vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, anh không bao giờ nhận hết công lao về mình.

Một Phó Giám đốc Sở giản dị, gần gũi; cần cù, sáng tạo; khiêm tốn, có dáng vẻ nông dân ấy học ở Bác Hồ nhiều đức tính tốt đẹp. Anh luôn tâm đắc và làm theo câu nói của Bác Hồ: "Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm". Lo cho nông dân và nặng lòng với cây lúa, "kỹ sư chân đất" Hồ Quang Cua đã "làm" được điều đó.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.