Người "mắc nợ" các liệt sĩ

MY HƯƠNG

Thứ Hai, 08/09/2014 19:41
Một dịp tình cờ, chúng tôi biết câu chuyện của chị, người được nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ nhắc đến với sự trân trọng, biết ơn chân thành. Nhiều người nhìn vào việc làm của chị đều nói, chị dường như "mắc nợ" các liệt sĩ. Chị là Thượng tá Trần Thị Oanh Lan, ở phố Ðội Nhân (Hà Nội).
Thượng tá Trần Thị Oanh Lan thắp hương các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Thượng tá Trần Thị Oanh Lan thắp hương các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Sinh năm 1957, người con gái Nam Ðịnh khoác trên mình bộ quân phục từ năm 1975, công tác tại Cục Chính trị, Binh chủng Tăng Thiết giáp. Làm công tác công đoàn, hằng năm, chị đều có dịp tham gia đoàn công tác của Binh chủng, đi thăm hỏi 35 Mẹ Việt Nam Anh hùng mà đơn vị nhận đỡ đầu ở tỉnh Quảng Nam.

Lần nào cũng vậy, chị Lan rất xúc động, lòng nặng trĩu khi chứng kiến các gia đình khắc khoải ngóng tìm phần mộ các liệt sĩ. Tháng 10/2010, chị về hưu. Như một sự sắp đặt của số phận, chị vào làm Giám đốc Trung tâm thông tin liệt sĩ thuộc Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.

Hơn 2 năm làm việc tại đây, chị Lan tiếp đón, hướng dẫn hàng nghìn gia đình liệt sĩ, giúp họ biết cách tìm đến các đơn vị, cơ quan liên quan một cách nhanh nhất để tìm phần mộ các liệt sĩ, cũng như tư vấn chế độ, chính sách của Nhà nước. Ðến khi Hội giải thể Trung tâm thông tin liệt sĩ, chị rất buồn, thậm chí có những lúc nản chí. Nhưng trước sự tin cậy, mong muốn của các gia đình liệt sĩ, chị vẫn tiếp tục tư vấn, giúp đỡ họ, bởi chị hiểu những vất vả, khó khăn thiếu thốn của họ.

Việc trợ giúp của chị Lan không hề liên quan đến tâm linh. Từ một vài thông tin ít ỏi được cung cấp, chị phải tìm hiểu, tự mày mò, tự bỏ tiền để mua tài liệu, gặp gỡ hàng trăm cựu chiến binh học hỏi kinh nghiệm đi tìm liệt sĩ, tìm hiểu về đơn vị, về ký hiệu, phiên hiệu, về các trận đánh để tích lũy kinh nghiệm. Cứ nghe thấy có đoàn nào đi dâng hương ở các nghĩa trang liệt sĩ là chị đăng ký nộp tiền xin đi cùng. Do vậy, chị đã trực tiếp đi thắp hương gần 50 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, từ đất mũi Cà Mau đến Ðiện Biên, Sơn La...

Bà Dương Thị Thanh, 75 tuổi, trú tại số 9 Nguyễn Ðình Khơi, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh có người em chồng là liệt sĩ Phạm Ngọc Tú, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nỗi niềm đau đáu của bà là làm sao tìm được mộ người em chồng. Khi tìm đến Hội Trợ giúp các gia đình liệt sĩ tại Hà Nội, bà gặp Thượng tá Trần Thị Oanh Lan và nhận được sự giúp đỡ hết sức tận tình.

Giấy báo tử liệt sĩ Phạm Ngọc Tú chỉ ghi: hy sinh tại mặt trận phía nam. Nhờ chị Lan, bà Thanh tìm ra đơn vị của liệt sĩ Tú. Kết nối với một số hình ảnh do các cựu chiến binh Mỹ gửi về, bà Thanh gặp ông Hoàng Minh Tiến, nguyên Trung đoàn trưởng 31, đang ở số 92, Lê Lợi, quận Hà Ðông (Hà Nội); gặp được các đồng đội của liệt sĩ Tú là cựu chiến binh Nguyễn Anh Quyền, ở phố Bình Ðà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội), cựu chiến binh Trịnh Xuân Tái. Ông Tái, khi đó là Chính trị viên đại đội, đã chỉ huy việc chôn cất các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh đêm 16/6/1966 tại thôn 2, Núi Vú, Quảng Nam. Ðiều khiến bà chưa yên lòng là gia đình bà vẫn chưa tìm được em mình nằm ở đâu trong ba nghĩa trang Tiên Hà, Tiên Cẩm, Tiên Sơn (Quảng Nam).

Chị Trần Thu Ngân sống tại nhà 24, ngõ 8A, Cù Chính Lan, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng rưng rưng xúc động nhắc lại sự giúp đỡ vô tư, tận tình, bất kể đêm hôm của chị Lan với gia đình khi đi tìm mộ người bác ruột là liệt sĩ Phạm Quang Trung. Trên giấy báo tử gửi về chỉ ghi liệt sĩ hy sinh năm 1970 tại mặt trận phía nam. Với thông tin ít ỏi này, việc tìm mộ quả là mò kim đáy bể. Gia đình chị Ngân đã đi tìm nhiều nơi, kể cả tìm đến sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm, nhưng vẫn không thành.

Qua giới thiệu của một số gia đình liệt sĩ, chị Ngân tìm gặp chị Lan và được tư vấn, hướng dẫn cách làm các thủ tục giấy tờ. Từng bước một, với sự giúp đỡ của chị Lan và nhiều người dân địa phương, cuối cùng chị Ngân xác định được người bác của mình đang nằm tại nghĩa trang xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Qua giám định ADN, đó đúng là mộ liệt sĩ Phạm Quang Trung. Mới đây, tháng 4/2014, liệt sĩ Phạm Quang Trung được gia đình và đồng đội đón về yên nghỉ trong lòng quê hương tại nghĩa trang phường Hưng Ðạo, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng.

Nhiều cán bộ của Cục Chính sách, Phòng Chính sách Quân khu 5, các huyện đội, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội một số địa phương đều biết đến chị qua các lần chị đến tìm hiểu thông tin cho các gia đình liệt sĩ. Chị Lan tự bỏ tiền túi đi cùng gia đình liệt sĩ để hướng dẫn họ cách liên hệ với các đơn vị, địa phương, từ đó có cách tìm chính xác. Từ tháng 3/2010 đến tháng 3/2013, chị Lan và Trung tâm đã giúp 300 gia đình thân nhân liệt sĩ đi giám định ADN để có kết quả chính xác trước khi đưa các anh về quê hương.

Còn nhiều lắm những câu chuyện cảm động của chị Lan. Hỏi động lực nào để chị có những chuyến đi năm đến bảy ngày khắp các nghĩa trang ở Quảng Nam chỉ để chụp ảnh các bia mộ rồi thông tin cho các gia đình biết, chị giải thích ngắn gọn: Có lẽ là cái duyên. Ðây chính là tấm lòng với đồng đội đã mất, là sự sẻ chia với người đang sống. Chị Lan tâm sự, sẽ làm công việc này cho đến khi nào không còn đủ sức khỏe.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.