Người mang chữ Bác Hồ đến với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô

Danh tiếng thầy giáo Hà Công Văn - Anh hùng Lao động, tôi đã biết từ lâu, bởi anh nổi tiếng cả nước với mô hình giáo dục "Nội trú dân nuôi" từ năm 1985. Ðể gặp được anh, từ thành phố Ðông Hà, tôi đã "một mình, một ngựa" ngược đường 9 (con đường xuyên Á) 50 km, đến xã Ða Krông, huyện Ða Krông, tỉnh Quảng Trị.
Thầy giáo Hà Công Văn nhận hoa do các học sinh trao tặng.
Thầy giáo Hà Công Văn nhận hoa do các học sinh trao tặng.

Mặc dù đã nắm chặt tay Hà Công Văn nhưng tôi vẫn chưa tin, con người thấp bé nhẹ cân này đã bám trụ ở đây 35 năm, đã đi qua những tháng năm nhạt muối, đói cơm, mưa rừng, thác lũ, lấy sàn nhà làm giường, lấy sương sa thay chiếu, qua những trận sốt rét không một viên thuốc, không một tấm chăn.

Vì thương con trẻ không biết cái chữ Bác Hồ, anh đã có mặt ở đây cho đến ngày hôm nay. Ngày mà 100% số trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được học cái chữ Bác Hồ. Ngày mà Hà Công Văn không ngờ mình trở thành Anh hùng Lao động.

Sau lời tự giới thiệu về mình, Hà Công Văn mời tôi vào nhà, qua ly nước chè xanh, người đàn ông thấp bé nhẹ cân đã hoàn toàn thuyết phục tôi trước nghị lực phi thường, trước tình thương anh dành cho con trẻ nơi đây.

Anh Văn còn nhớ như in: Ngày 14-9-1977, chuyến tàu xuôi về nam ngày ấy đã chở anh và 13 đồng nghiệp vào nhận công tác ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (ngày ấy chưa tách ra hai huyện Hướng Hóa và Ða Krông). Trong 14 người, có 12 nam và hai nữ, người lớn tuổi nhất, anh Nguyễn Ðức Thuần ( 27 tuổi), người nhỏ tuổi nhất Hà Công Văn (20 tuổi).

Trước khi nhận quyết định, anh Vũ Văn Dy, cán bộ tổ chức Trường Sư phạm Quảng Bình, cho biết: Từ Ðông Hà đến Khe Sanh chỉ có chín km, nên anh em trong đoàn bàn nhau đợi gần tối rồi đi cho mát. Ðúng 17 giờ, ngày 14-9-1977, từ thị xã Ðông Hà, đoàn lên đường, bắt đầu cuộc hành quân "Vạn lý Khe Sanh" 65 km đang đợi đoàn ở phía trước, chứ không phải chín km. Hà Công Văn bảo may mà ngày ấy mỗi người chỉ vài bộ áo quần, một ít sách vở nên dắt dìu nhau suốt một đêm, đến 7 giờ ngày 15-9-1977, đoàn chúng tôi mới đến được Khe Sanh.

Trước đó, Hà Công Văn chỉ biết người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô qua lời bài hát của nhạc sĩ Huy Thục "...Người Vân Kiều có tấm lòng trong trắng, như cánh hoa xinh đẹp giữa rừng, bão tố rung cây mà lòng không lay, trong gian khổ, càng lớn lên như khóm măng rừng...".

Lời của bài hát đã làm lay động tâm hồn Hà Công Văn. Anh ước được đến với các bản làng của người Vân Kiều, Pa Cô ở Quảng Trị để được chứng kiến những điều kỳ diệu mà đồng bào đã tạo dựng lên qua bao thế hệ giữa Vạn lý Trường Sơn. Không chỉ được gặp mà từ đây anh còn cùng ăn, cùng ở, cùng lên rẫy, lên nương.

Hà Công Văn và Nguyễn Bá Thù như hai người vừa trên trời rơi xuống, bởi bà con ở đây kéo đến xem hai thầy giáo dạy cái chữ Bác Hồ. Họ lân la hỏi chuyện: "Học cái chữ Bác Hồ có khó không? Ngoài con trẻ, người lớn như chúng tôi có học được không?...". Lòng Hà Công Văn lâng lâng khó tả, thế là mình trở thành thầy giáo thật rồi. Anh tự an ủi khó khăn rồi sẽ qua đi, còn thuận lợi là từ trẻ đến già đều thích được học cái chữ Bác Hồ, mà họ đã thích chắc sẽ thành công trong tương lai.

Sau một tuần cùng ăn, cùng ở với Pả An, ngoài tìm hiểu phong tục, tập quán, điều kiện sống, Hà Công Văn lập danh sách phân loại đối tượng, phân lớp. Anh đảm nhận dạy lớp một gồm 40 em, số này chưa biết đọc, biết viết. Còn Nguyễn Bá Thù dạy lớp hai, số em này đã biết tiếng Kinh. Anh Văn còn đảm nhận dạy một lớp bổ túc cho người lớn 32 người vào buổi tối bắt đầu từ 18 giờ 30 phút đến 22 giờ. Nhìn đồng bào cầm bút nắn nót từng con chữ, khó hơn cầm cái cày, cái cuốc, nhìn những giọt mồ hôi nhỏ lên từng trang giấy mới thấy hết ý nghĩa cái chữ Bác Hồ, họ quý trọng như thế nào. Mặc dù Ðảng và Nhà nước quan tâm sự nghiệp giáo dục ở miền núi, nhưng ngày ấy đất nước đang khó khăn, nên 4-5 em mới có một bộ sách giáo khoa, còn giấy trắng thì viết hai lần, lần thứ nhất viết bằng bút chì, lần thứ hai viết bằng bút mực.

Tiếng lành đồn xa, cái chữ Bác Hồ đã đến với bản Chân Rò, các bản khác đứng ngồi không yên, chạy lên chạy xuống mong thầy đem cái chữ Bác Hồ đến với bản mình. Nhưng khổ nỗi trong hai thầy về Tà Long thì thầy Nguyễn Bá Thù bị ốm lên, ốm xuống. Hà Công Văn sáng dạy lớp một, chiều dạy lớp hai, tối dạy lớp bổ túc. Anh tranh thủ xuống suối mò cua, bắt ốc bồi dưỡng cho thầy Thù mong thầy chóng khỏi, để cùng nhau giúp các em qua cơn khát chữ.

Nhưng chỉ được một năm thầy Thù xin rút lui khỏi chốn rừng sâu núi thẳm, các thầy, các cô còn lại cũng lần lượt rút lui, người trụ lâu nhất được năm năm. Chỉ còn lại Hà Công Văn vẫn bám bản, vẫn yêu đời nơi thâm sơn cùng cốc. Anh Văn bảo không vui sao được khi tôi là giáo viên, mà các em thì khát chữ. Hơn nữa tôi bảo các em rằng, Bác Hồ dạy "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền...". Muốn dạy các em có kết quả, trước hết mình phải dạy mình. Tôi luôn lấy tấm gương Bác để rèn luyện bản thân. Tôi dạy các em học cái chữ Bác Hồ để một ngày không xa các em và bà con thôn bản ở đây bớt khổ, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi...

Tháng 2-1980, Hà Công Văn phải chuyển vào bản Chai, cũng là nơi chưa có giáo viên. Anh dạy lớp một có 35 em và dạy lớp bổ túc 40 người. Ở bản Chai cũng chỉ được năm năm đến tháng 2-1985, anh lại chuyển đến bản Ly Tôn cách bản Chai 14 km. Ðiều cảm động mà cả cuộc đời anh Văn không bao giờ quên được khi rời bản Chai, bảy gia đình đã tự nguyện rời nhà ra bản Ly Tôn để bản thân và con cái tiếp tục được học cái chữ Bác Hồ. Nhờ học cái chữ Bác Hồ mà sau này Pả Khoòng trở thành Chủ tịch UBND xã Tà Long (giai đoạn 1987-1990); Pả Minh làm Chủ tịch UBND xã Tà Long (1991-1995); Pả Hiền làm bí thư xã đoàn...

Trong xã còn lại ba bản chưa có lớp học. Ông Vỗ Thiệu, 65 tuổi ở bản A Ðu, đề nghị thầy Văn dành ba tháng hè cho bản A Ðu và con cháu của ông. Anh Văn bảo từ ngày vào dạy học ở đây anh chưa được một ngày nghỉ hè, ba tháng hè là thời gian dạy cho những người lớn tuổi chưa biết chữ. Anh mời các già làng, trưởng bản đến họp nhờ bản giúp làm cho một phòng để các cháu có chỗ ở và một phòng học, còn ăn thì các gia đình tự đóng góp cho con em mình, có gì ăn nấy. Và kể từ đây, ngoài trách nhiệm làm thầy, anh Văn còn kiêm thêm trách nhiệm làm bố, làm mẹ để lo cho các em nên người.

Năm 1992, Hà Công Văn lại khăn gói lên đường, tạm biệt Tà Long sau mười lăm năm gắn bó. Ðến xã Húc Nghì, anh  lại tiếp tục mô hình nội trú dân nuôi nhưng tổ chức lập các vườn nhà chuyên canh nuôi, trồng các loại cây, con.

Qua 20 năm từ một xã không có lớp học, đến nay xã Húc Nghì có 17 phòng học gồm bốn khu vực, học sinh tiểu học có 274 em, trung học cơ sở có 186 em. Hằng năm có hơn 60% số em tiếp tục học THPT, dân tộc nội trú, có hàng chục em tốt nghiệp đại học, đang công tác ở các lĩnh vực. Mô hình nội trú dân nuôi nhân rộng ra 5/14 xã, thị trấn...

Học tấm gương đạo đức của Bác, thầy giáo Hà Công Văn luôn thực hiện lời nói đi đôi với việc làm. Trong cuộc sống anh xác định rõ ràng, luôn hết mình vì mọi người, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

LÊ VĂN MINH (Ban Tuyên giáo Hội CCB tỉnh Quảng Trị)

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.