Người mẹ hiền của những trẻ em không may mắn

HẠNH NGUYÊN

Thứ Hai, 28/01/2013 18:12
Gần bảy năm làm mẹ của những trẻ em bất hạnh ở nhà C3, Làng trẻ em Birla (Hà Nội), trải qua bao vui buồn, vất vả, nhọc nhằn, chị Lê Thị Vân thấy mình ngày càng gắn bó với mái ấm này. Mỗi khi có một người con đến tuổi trưởng thành tạm biệt ngôi nhà ra đi, chị lại tự nhủ mình phải dành thêm nhiều tình yêu thương hơn nữa, để những đứa trẻ bước vào đời không chỉ có tính tự lập cao mà còn biết sống giàu tình thương và trách nhiệm.
Chị Lê Thị Vân luôn chăm sóc cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ.  Ảnh: DUY LINH
Chị Lê Thị Vân luôn chăm sóc cho các con từng bữa ăn, giấc ngủ.  Ảnh: DUY LINH

Buớc chân vào nhà C3, ngay ở phòng sinh hoạt chung, chúng tôi thấy dòng chữ in đậm: "Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng". Chị Vân giải thích: Ðó là kinh nghiệm đã trở thành nguyên tắc của các mẹ ở Làng Birla, tôi dán câu nói lên đó để nhắc nhở mình và cũng để các con cùng ghi nhớ và thực hiện.

32 đứa con, cả trai, lẫn gái, từ hai đến 18 tuổi cùng sống chung trong một ngôi nhà, cho nên việc giữ được không khí gia đình luôn vui vẻ, yên ấm là điều không dễ. Ðể làm được điều đó, chị luôn cố gắng để "Yêu thương mạnh hơn lời quát mắng" trở thành lối hành xử chung của các thành viên trong nhà và hơn ai hết, người mẹ phải là tấm gương.

Nhớ lại những ngày mới vào làng năm 2007, chị Vân khi đó 37 tuổi, chưa từng có gia đình, từ Nam Ðịnh ra Hà Nội tìm việc làm. Chị được Làng Birla nhận vào thử việc, với công việc phụ giúp các mẹ của ba nhà chăm sóc tổng cộng hơn 100 con (mỗi nhà có hai mẹ phụ trách chăm sóc hơn 30 con).

Ban đầu, chị không khỏi băn khoăn, do dự khi thấy công việc không đơn giản, thời gian làm việc cả ngày lẫn đêm với những lo toan, vất vả của một người mẹ thực thụ. Trong khi đó thu nhập chỉ bằng, thậm chí thấp hơn nhiều so với một số công việc khác. Thế nhưng mỗi ngày gần gũi, chăm sóc, trò chuyện với các con, biết từng hoàn cảnh không may mắn của những đứa trẻ, thấy các em còn rất nhỏ mà đã xa gia đình, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, ông bà, chị thấy tình thương lớn dần trong mình.

Hết thời gian thử việc cũng là lúc chị quyết định ở lại làng, gắn bó với những đứa trẻ. Những ngày đầu làm mẹ, chị chưa có kinh nghiệm nuôi con, các con còn nhỏ và hay nhớ nhà. Nhiều lúc chỉ một, hai đứa khóc là tất cả những đứa còn lại khóc theo. Dỗ mãi con không nín, mẹ vừa bực, vừa thương rồi cả mẹ và con cùng khóc...

Hằng ngày, chị và một người mẹ nữa trong nhà không lúc nào ngơi tay với những công việc để lo cho hơn 30 đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi. Bận nhất là khi trong nhà có trẻ nhỏ. Hằng ngày, các chị dậy từ năm giờ để lo cho các con bữa ăn sáng; 5 giờ 30 phút gọi các cháu dậy tập thể dục. Từ 6 giờ 30 phút, các thành viên trong gia đình chuẩn bị đến lớp. Hai mẹ đưa các con học mầm non, tiểu học đến lớp; sau đó đi mua thức ăn và khẩn trương chuẩn bị bữa trưa cho các con... Nghe thì đơn giản vậy, nhưng hằng ngày nấu cho hơn 30 người ăn, xoay xở ra sao để trong số tiền hạn hẹp, giá cả đắt đỏ mà các con vẫn có được bữa ăn bảo đảm đủ lượng và chất, ngon miệng là việc không dễ chút nào. Rồi dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo cho các con còn nhỏ, đôn đốc các con vệ sinh cá nhân, bảo quản đồ dùng riêng, nhắc nhở học bài, kiểm tra sách vở...

Ngày nào cũng như ngày nào, lịch làm việc của các mẹ kín từ sáng sớm tới đêm khuya. Trong đêm, người mẹ cũng không được trọn giấc, thường xuyên dậy kiểm tra giấc ngủ của các con. Ðó là chưa kể những lúc có đứa ốm đau hoặc bản thân mình mệt mỏi.

Chị nói: "Nhiều lúc nghĩ lại không hiểu sao mình có thể vượt qua được những lúc khó khăn, những đêm vất vả như thế để ngày hôm sau lại bật dậy cùng các con với lịch trình định sẵn. Chỉ chậm lại một nhịp là sinh hoạt của các con bị đảo lộn, ảnh hưởng tới nhiều việc khác".

Cũng có lúc chị nản lòng vì bọn trẻ còn quá vô tâm. Chẳng trách chúng được, bởi mỗi đứa đều có hoàn cảnh sống khuyết thiếu, cho nên không nhận được một sự giáo dục đầy đủ

Có một kỷ niệm chị nhớ mãi. Ðể giữ sức khỏe cho "đàn con", mẹ quy định không được để các đồ uống trong ngăn đá tủ lạnh. Một cậu bé không nghe lời, khi bị mẹ nhắc nhở đã cãi lại. Chị nghiêm mặt nhắc con không được hỗn. Không ngờ cậu bé có phản ứng mạnh, làm chị ngỡ ngàng, nước mắt ứa ra, một ý nghĩ chạy thoáng qua trong đầu chị "Mình không làm nổi công việc này". Những đứa lớn đã có ý thức lao vào can ngăn, khuyên nhủ cậu bé và có những lời nói động viên mẹ. Nhưng chị vẫn bị rơi vào chuỗi ngày chán nản. Ðêm nằm cứ suy nghĩ: Mình sai ở chỗ nào? Nên làm thế nào? Nếu là con đẻ của mình thì sẽ xử lý ra sao?

Có nhiều khi người nhà tới thăm, nhìn thấy cảnh chị quần quật từ sáng sớm tới đêm khuya, đã khuyên chị tìm công việc khác. Lại có lần qua người nhà giới thiệu, một người đàn ông đã đến tìm hiểu và đặt vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình với chị. Cũng có lúc chị lung lay trước những gợi ý của mọi người, mơ ước về một tổ ấm bé nhỏ của riêng mình. Thế nhưng chị đã từ chối hạnh phúc riêng, tiếp tục ở lại với những đứa trẻ, bởi chị không nghĩ đây là công việc nữa, mà là cuộc sống, hạnh phúc của chính mình. Những đứa trẻ lớn lên từng ngày với bao thắc mắc, nỗi niềm của tuổi mới lớn đã giữ chị.

Hòa với tâm sự của những cô bé, cậu bé, chị thấy mình như vừa làm cha, vừa làm mẹ, có trách nhiệm giải đáp, khuyên nhủ, định hướng cho các con. Rồi các con tuy sống chung một nhà nhưng không cùng huyết thống, cho nên khó tránh khỏi có những cảm xúc vu vơ. Chị phải nói chuyện, định hướng, kể cả kín đáo kiểm soát, để chúng giữ được sự hồn nhiên, trong sáng.

Những đứa đã trưởng thành, mỗi khi trở lại thăm làng đều rớm nước mắt nói với chị: "Mẹ đừng bao giờ về nhà nhé, mẹ về thì ai nuôi các em. Chúng con sẽ năng về nhắc nhở các em chăm, ngoan...". Hơn bao giờ hết, chị thấy bọn trẻ đang rất cần một người mẹ như chị.

Gần bảy năm gắn bó cùng bọn trẻ tuy vất vả, nhưng tràn đầy hạnh phúc với chị. Suốt quãng thời gian ấy, từ một người phụ nữ chưa hề có kinh nghiệm nuôi dạy con, chị đã tự rèn cho mình tính kiên nhẫn trước những tình huống, dùng tình yêu thương của mình uốn nắn, cảm hóa những tính cách bướng bỉnh, ngỗ ngược. Ngôi nhà của chị luôn đầy ắp tiếng cười và ấm áp tình cảm mẹ con, anh chị em.

Tin liên quan

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nơi hội tụ và lan tỏa sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, với lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ miền nam, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra quyết định bảo vệ, bảo quản và giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch.
Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Vùng quê cách mạng làm theo lời Bác

Mấy ngày qua, nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên, nhân dân ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện Vĩnh Lợi đến viếng, thắp hương, báo công với Bác Hồ tại Đền thờ Bác ở xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu).
Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành nét đẹp văn hóa

Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy kết quả đạt được của các giai đoạn trước.
 Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Hồ Chí Minh - Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Mùa Xuân Tân Sửu 1961, Bác Hồ có Thơ mừng năm mới gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, trong đó Người viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Đó là mùa xuân đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội III (tháng 9/1960) của Đảng, đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc vì cuộc sống ấm no, sung sướng, hạnh phúc của nhân dân.