Người “mở đường” sản xuất vaccine Việt Nam

Bài và ảnh: HẠNH NGUYÊN

Thứ Hai, 03/04/2017 19:28
Ở tuổi 88, mỗi tuần hai lần, GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên vẫn đi xe lăn đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm việc. Hơn 60 năm gắn bó với nghề, cho đến tận bây giờ, ông luôn trăn trở làm thế nào tìm ra những loại vaccine mới, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là những em nhỏ.
GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên.
GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên.

“Cha đẻ” của vaccine bại liệt

GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên nhờ trợ lý đỡ lên xe lăn để dẫn chúng tôi đi thăm nhà máy của Công ty TNHH MTV vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH). Khi còn là Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên đã đến gõ cửa đối tác để xây dựng VABIOTECH. Ông cho biết, phải có cơ sở vật chất hiện đại mới có thể sản xuất được những loại vaccine tốt. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, ông và cộng sự đã sản xuất ra những loại vaccine đầu tiên, đặt nền móng cho ngành sản xuất vaccine Việt Nam.

Đó là những năm 1957-1959, dịch bại liệt gia tăng nhanh chóng, số người tử vong cao. Khi biết Liên Xô (trước đây) đã thử nghiệm thành công vaccine bại liệt, Bác Hồ nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng liên hệ với Liên Xô đề nghị giúp Việt Nam đào tạo cán bộ có thể tự sản xuất vaccine bại liệt. Trước tình hình cấp bách lúc đó, GS Hoàng Thủy Nguyên được Bộ Y tế cử sang Liên Xô tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine bại liệt dạng uống có tên gọi Sa-bin. Sau ba tháng, ông trở về nước và thành lập nhóm các nhà khoa học để triển khai sản xuất vaccine tại Việt Nam. Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cấp khoản kinh phí 2.000 bảng Anh để phục vụ nghiên cứu. Năm 1962, ông và cộng sự đã sản xuất được hai triệu liều vaccine Sa-bin bằng công nghệ nuôi cấy trên tế bào thận, gây ngạc nhiên cho các nhà khoa học thế giới từng hợp tác ủng hộ Việt Nam trong lĩnh vực y tế. Từ thành công quan trọng này, lĩnh vực sản xuất vaccine bắt đầu ươm cấy những nhân tố khoa học mới với tầm nhìn xa rộng. Đến năm 1980, vaccine Sa-bin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ đó, tỷ lệ mắc, tử vong do bại liệt đã giảm xuống đáng kể và không còn xảy ra dịch. Kiên trì suốt 40 năm, đến năm 2000, Việt Nam đã loại bỏ thành công bệnh bại liệt. Trong khi, trên thế giới phải đến năm 2018 mới có thể thanh toán được hoàn toàn căn bệnh này.

Ngoài vaccine bại liệt, GS Hoàng Thủy Nguyên cùng các cộng sự sản xuất thành công vaccine viêm não Nhật Bản, vaccine viêm gan B dựa trên công nghệ tiên tiến nhất của các nước Nga, Mỹ, Nhật Bản. Các vaccine này đều được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp hàng triệu trẻ em Việt Nam tránh được những di chứng, tật nguyền nặng nề và phòng được dịch bệnh nguy hiểm do vi-rút gây ra, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm. GS Hoàng Thủy Nguyên cho biết, vaccine viêm gan B là niềm tự hào của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Những năm 90, vaccine viêm gan B thế hệ thứ nhất ra đời với nguyên liệu là huyết tương người bị nhiễm và đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Mười năm sau, với sự trưởng thành về tư duy nghiên cứu và công nghệ sản xuất tiên tiến, ông và các cộng sự đã làm chủ công nghệ sản xuất vaccine viêm gan B tái tổ hợp ADN.

Luôn tâm niệm đặt lợi ích sức khỏe của người dân lên trên hết, GS đau đáu mỗi khi có một dịch bệnh mới xảy ra. Khi trong nước xuất hiện những ca bệnh đầu tiên nhiễm vi-rút H5N1, tình hình dịch bệnh cúm A H5N1 trên thế giới diễn ra phức tạp, ông đề nghị nghiên cứu sản xuất vaccine H5N1 để phòng, chống căn bệnh nguy hiểm này. GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên đã thuyết phục được đồng nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ di truyền ngược, đồng thời gửi hai nhà khoa học trẻ sang Tô-ki-ô, Nhật Bản để tu nghiệp. Nhờ đó, các nhà khoa học Việt Nam đã sử dụng công nghệ của chính mình để sản xuất vaccine phòng bệnh cúm H5N1. Đến nay, loại vaccine này đã ra đời và thử nghiệm lâm sàng thành công trên người.

Cống hiến với nhiệt huyết cao

Khi được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa cho công trình "Ứng dụng công nghệ tiên tiến sản xuất vaccine phòng bệnh cho người", GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên không khỏi xúc động nhớ đến người bạn, người cộng sự là cố GS, TSKH Đặng Đức Trạch. Họ cùng học đại học, cùng làm việc tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Một người là nhà vi khuẩn học, một người là nhà virus học, cả hai đều cống hiến không biết mệt mỏi cho sự nghiệp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm hiểm nghèo.

GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên cho biết: Tôi bất ngờ vì được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa. Giải thưởng có ý nghĩa khích lệ, nhắc nhở tôi phải cố gắng hơn nữa, dù đã cao tuổi cũng phải cùng lớp trẻ sản xuất ra những loại vaccine mới hiệu quả hơn. Ông hy vọng năm 2017, Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine phối hợp sáu trong một và vaccine Zika trong phòng thí nghiệm.

Khi được hỏi: Làm thế nào có được sự tự tin trong nghiên cứu khoa học? Ông trả lời: “Có đam mê thì sẽ có tự tin, nếu bạn làm việc bằng tất cả đam mê của mình thì sẽ có thêm sức mạnh. Đó là bài học trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi”. Chính sự đam mê đã giúp ông vượt qua mọi khó khăn, tạo thêm động lực để nghiên cứu. GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên đặt nhiều hy vọng vào lớp trẻ, ông tạo điều kiện cho những nhà khoa học trẻ có cơ hội được ra nước ngoài, học hỏi công nghệ di truyền ngược. Ông đã tham gia đào tạo hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ, hiện nay nhiều người đảm nhận những vị trí quan trọng của Viện. Ông cho biết, dự án sản xuất vaccine Zika sẽ được giao cho một nhà khoa học trẻ mới hơn 30 tuổi.

TS Nguyễn Anh Tuấn, người đảm nhiệm việc nghiên cứu và sản xuất vaccine viêm não Nhật Bản của VABIOTECH tâm sự: “GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên là một nhà khoa học thật sự, không chỉ trong nước mà còn được thế giới ngưỡng mộ và nể phục”.

Hình bóng GS, TSKH Hoàng Thủy Nguyên ngồi trên xe lăn giữa khuôn viên của VABIOTECH, say sưa trao đổi công việc với đồng nghiệp in đậm mãi trong tâm trí chúng tôi. Ông là tấm gương sáng, có sức lan tỏa trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thôi thúc chúng tôi hãy sống, làm việc thật tốt hơn nữa.

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.