Người nông dân phục tráng thành công gạo đỏ - lúa mùa

Bài và ảnh: BẢO TRỊ

Thứ Tư, 30/01/2013 18:40
Gạo đỏ - lúa mùa từng là niềm tự hào của nông dân đồng bằng sông Cửu Long; có chất lượng ngon nhất, thơm nhất, dẻo nhất và dinh dưỡng nhất. Thế nhưng, do năng suất thấp, những hạt gạo đỏ thơm lừng dần mất bóng. Trăn trở, xót xa và quyết tâm phục tráng lại nguồn gien quý đã thôi thúc người nông dân Khmer - Danh Văn Dưỡng (tên thường gọi Danh Dưỡng), ngụ thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn, An Giang), Chủ nhiệm CLB nông dân thị trấn Óc Eo - Thoại Sơn tìm tòi nghiên cứu, lai tạo thành công ba giống lúa Hồng Ngọc Óc Eo 1, 2 và 3.
Ông Danh Dưỡng nhiều tháng lăn lộn trên đồng ruộng để phục tráng thành công giống gạo đỏ - lúa mùa.
Ông Danh Dưỡng nhiều tháng lăn lộn trên đồng ruộng để phục tráng thành công giống gạo đỏ - lúa mùa.

Trăn trở với nguồn gien quý

Năm 1975, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm, thầy giáo trẻ Danh Dưỡng quyết định về quê, nơi có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống, trình độ dân trí thấp để mang cái chữ, mang tri thức xây dựng quê hương phát triển.

Tốt nghiệp ngành toán, lại có kiến thức Anh văn tốt, thế là anh Danh Dưỡng trở thành thầy giáo người dân tộc Khmer đầu tiên ở vùng sâu nội đồng tứ giác Long Xuyên.  Sau giờ lên lớp, ruộng đồng, cây lúa là công việc thứ hai không khi nào ngơi đối với anh Dưỡng.

Thời điểm trước năm 1990, cây trồng chủ lực là cây lúa mùa gạo ngon, nhưng năng suất thấp, đời sống nông dân vô cùng vất vả, đất nông nghiệp hoang hóa nhiều do giá trị canh tác thấp, phèn, mặn. Từ năm 1992 trở về sau, khi chính sách khai hoang vùng tứ giác Long Xuyên bắt đầu đẩy mạnh, hệ thống kênh mương nội đồng được Nhà nước đầu tư, lúa thần nông bắt đầu áp dụng trồng đại trà thì diện tích lúa mùa bị thu hẹp. Hơn 50 công đất của gia đình anh Dưỡng đến năm 1997 không còn một khoảnh đất nào trồng cây lúa mùa.

"Khi cây lúa mùa chính thức không còn nữa cũng là lúc tôi chợt nhận ra rằng, chúng ta đã thật sự sai lầm khi không giữ được một trong những giống lúa là nguồn cội của hạt gạo Việt Nam ngày nay. Chẳng những thế, chuyện người ta nhuộm mầu đỏ cho gạo thường để nhái gạo lúa mùa, gạo huyết rồng... càng khiến mình cảm thấy tiếc cho nguồn gien quý". Ông Danh Dưỡng trăn trở với việc không bảo vệ được nguồn giống gạo đỏ - lúa mùa và cũng chính là nguồn cơn giúp ông quyết tâm tự tìm tòi, nghiên cứu; trở thành nông dân đầu tiên của cả nước phục tráng thành công cây lúa mùa - gạo đỏ!

Phục tráng thành công giống lúa quý

Chính những trăn trở ấy đã khiến ông Dưỡng hễ nghe ở đâu có lớp hướng dẫn kỹ thuật lai tạo giống là đều có mặt.

"Mình xuất thân là giáo viên nên kiến thức phần nào cũng có. Thêm vào đó, có vốn ngoại ngữ khá nên mình đọc thêm nhiều sách hướng dẫn kỹ thuật lai tạo, phục tráng giống lúa gạo của các nước, nhất là của Viện lúa IRI. Vậy mà, mãi đến năm 2006, mình mới bắt đầu có được nguồn gien gạo lúa mùa đầu tiên để nghiên cứu, phục tráng", ông Dưỡng kể về khởi nguồn cho việc lai tạo, phục tráng gạo lúa mùa của mình.

Câu chuyện phục tráng, nhân giống gạo đỏ - lúa mùa bắt đầu từ một lần dự hội thảo chuyên đề lai tạo giống lúa gạo ở TP Cần Thơ. "Lúc hội thảo, mình có trò chuyện với một anh bạn quê ở Hòn Ðất (Kiên Giang) về việc đang đi tìm lại giống lúa mùa để phục tráng. Nghe vậy, anh nói ở nhà còn hơn chục bông lúa mùa nhưng cũng đã bị lai tạp nhiều. Nghe vậy, mình mừng hết lớn, kêu ổng bán lại cho mình. Ổng bảo thôi để khi xong hội thảo sẽ về Óc Eo, thăm và cho mình luôn", ông Dưỡng kể. Vậy là ngay khi có được ba nhánh bông gạo lúa mùa từ người bạn mới quen, ông bắt tay ngay vào lựa hạt, tách hạt và ươm nhân giống. Vậy là những hạt giống đầu tiên ấy cho ra đời hơn chục bụi lúa giống được ông dành mảnh ruộng tốt nhất của gia đình để trồng, nghiên cứu.

Có được nguồn giống ban đầu, với những kiến thức từ các lớp nhân giống cộng đồng, kiến thức của một giáo viên cùng những kiến thức đọc trên mạng, trên sách, tạp chí nước ngoài, ông Dưỡng bắt đầu công việc khó nhất trong phục tráng, lai tạo giống lúa mùa là làm sao để nó thật sự thích nghi với điều kiện canh tác mới mà vẫn bảo đảm những đặc trưng vốn có.

"Lúa mùa có đặc tính quan trọng nhất là sức chống chịu với điều kiện tự nhiên rất tốt nên mình phải lai tạo như thế nào để giữ được đặc tính ấy và giảm thời gian canh tác nhưng bảo đảm về chất lượng hạt gạo đỏ đặc trưng, mùi thơm, độ dẻo và khô vốn có", ông Dưỡng nói. Suốt nhiều tháng ròng sau đó, ông  Dưỡng bỏ tất cả những công việc khác để bắt tay vào nghiên cứu, ăn cùng lúa giống, ngủ cùng lúa giống và ngay trong giấc mơ, ông cũng chỉ biết hai chữ "lúa mùa".

Sau hơn một năm nghiên cứu, vụ hè thu năm 2007, giống gạo lúa mùa được ông  Dưỡng phục tráng thành công được ông đặt tên Hồng Ngọc Óc Eo 01, hạt ngọc đỏ của trời đất ban tặng ghép cùng tên quê hương Óc Eo trong niềm vui khôn xiết của bản thân ông, gia đình, chòm xóm.

"Khi mình đi vào phục tráng, lai tạo gạo Hồng Ngọc Óc Eo này, lúc nào cũng tâm niệm một câu mà Bác Hồ đã dạy "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên" và một khi mình quyết tâm, có tình yêu thật sự thành công sẽ đến!", ông  Dưỡng chia sẻ.

Từ giống gạo Hồng Ngọc Óc Eo 01, ông  tiếp tục cải tiến, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ chín tháng xuống còn 150 ngày đối với Hồng Ngọc Óc Eo 02 và 100 ngày đối với Hồng Ngọc Óc Eo 03. Cùng với việc rút ngắn thời gian, năng suất gạo cũng tăng trưởng mạnh từ dưới ba tấn/ha nay đạt hơn tám tấn/ha đối với lúa Hồng Ngọc Óc Eo canh tác vụ đông xuân. Giờ đây, gạo Hồng Ngọc Óc Eo đã có mặt ở khắp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nguồn gien gạo đỏ lúa mùa một thời thoái hóa, biến mất nay đã trở lại mâm cơm của người dân vựa lúa đồng bằng.

Giờ đây, thành công của nông dân Danh Văn Dưỡng đã được ghi nhận bằng những Bằng khen của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân Việt Nam, của tỉnh An Giang. Ông trở thành nông dân Khmer tiêu biểu nhất của An Giang trong phong trào thi đua yêu nước, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, khi hỏi về những trăn trở của ông đối với định hướng tương lai cho việc nhân rộng thương hiệu gạo Hồng Ngọc Óc Eo, ông Dưỡng bày tỏ "Dẫu được tặng nhiều phần thưởng cao quý nhưng tôi vẫn còn nhiều trăn trở. Trăn trở lớn nhất là hồ sơ đăng ký thương hiệu đã gửi Cục Sở hữu trí tuệ từ năm 2011 nhưng giờ chưa biết ra sao. Nếu chính thức được chứng nhận sẽ tạo điều kiện để tôi có thể hợp tác cùng các nhà khoa học của các viện, trường để nhân rộng, cải tiến giống, đưa vào canh tác đại trà và có điều kiện xây dựng thương hiệu gạo Hồng Ngọc Óc Eo ra quốc tế, hướng đến phát triển thương hiệu giống gạo truyền thống đặc trưng của nền nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam. Tất cả những điều đó không chỉ là niềm tự hào của bản thân tôi mà của tất cả những thế hệ nông dân Việt Nam!".

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.