Người quyết tâm chinh phục gió trời

 Bài và ảnh: TRỌNG DUY

Thứ Sáu, 27/09/2013 18:51
Lúc cha hy sinh, Tô Hoài Dân mới tròn 10 tuổi. Do lòng căm thù giặc, đầu năm 1975, khi mới 15 tuổi, anh Dân nài nỉ mẹ cho theo các chú bộ đội để trả thù cho cha và đồng bào. Sau hơn chín năm làm du kích và bộ đội, năm 1986, anh xuất ngũ trở về quê hương. Bằng niềm đam mê và sự lao động hết mình, anh thành lập doanh nghiệp, với ước mơ chinh phục gió trời trở thành nguồn năng lượng có ích, để làm giàu chính đáng cho bản thân, và luôn hết mình vì quê hương.
Công trình Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu.
Công trình Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu.

Tận dụng nguồn năng lượng gió

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý Tô Hoài Dân  (ảnh trên) được nhiều cán bộ, nhân dân Cà Mau, Bạc Liêu biết đến và quý mến, nể phục. Bởi ông là một cựu chiến binh có nghị lực, luôn tâm huyết, trách nhiệm, năng động và luôn suy nghĩ, tìm tòi trong công việc, đóng góp hết mình vì quê hương và cộng đồng xã hội. Nhiều người quý mến ông bởi sự phóng khoáng, nhân hậu, luôn giúp đỡ người nghèo khó.

Ông có cá tính nói thẳng, làm ngay, nói ít, làm nhiều. Ông là người đã làm nên công trình điện gió đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long, chinh phục gió trời, biến tiềm năng gió to lớn bao đời nay chưa được khai thác nhằm phục vụ con người.

Dự án điện gió Bạc Liêu, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý của ông đầu tư, bước đầu đem lại hiệu quả rất đáng khích lệ. Nhiều đoàn cán bộ lãnh đạo ở Trung ương đến thăm công trình dự án điện gió Bạc Liêu đều ngợi khen, đánh giá rất cao.

Xuất phát từ cơ sở nào ông đầu tư nguồn vốn lớn vào dự án điện gió Bạc Liêu? - Tôi hỏi. Ông Dân cho biết: "Khi đang thực hiện xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác thải tại Cà Mau, tôi đã nhiều lần sang Hoa Kỳ, Ðan Mạch, Hà Lan để tìm mua các thiết bị máy móc phục vụ dự án này. Qua tham quan, tôi chứng kiến tại những nước đó tiềm năng về gió thiên thiên không hơn  vùng đất quê hương mình, nhất là vùng bãi bồi ven biển ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... Từ đó, tôi đã mạnh dạn mời các chuyên gia có uy tín tại một số tập đoàn chuyên đầu tư về lĩnh vực khai thác điện gió của nước ngoài về Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng để nghiên cứu, tìm hiểu, đo đạc về tiềm năng, khả năng điện gió. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ, các nhà khoa học đi đến kết luận tại ba địa phương nêu trên, nhất là ở Bạc Liêu và Sóc Trăng tiềm năng gió thiên nhiên rất lớn. Căn cứ vào khoa học và thực tiễn, từ đó, tôi đã quyết định đầu tư xây dựng dự án điện gió tại vùng ven biển Bạc Liêu...".

Dự án Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu được khởi công ngày 9-9-2010 trên diện tích đất hoang vu ven biển rộng hơn 500 ha, thuộc xã Vĩnh Trạch Ðông và xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu (Bạc Liêu), có quy mô 62 trụ tua-bin gió, công suất 99,2 MW, tổng vốn đầu tư hơn 5.217 tỷ đồng.

Sau hơn ba tháng hòa lưới điện quốc gia, 10 tua-bin gió phát điện của Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu bước đầu đã đưa lên lưới hơn ba triệu kW giờ, các trụ tua-bin vận hành ổn định. Vậy là cả một vùng đất ven biển rộng lớn mới ngày nào còn là những bãi sình lầy ngập nước hoang vu, hôm nay 10 tua-bin gió (giai đoạn một) đã hoàn thành, sừng sững, ngày đêm cung cấp nguồn năng lượng sạch, bền vững cho đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Bạc Liêu Võ Văn Dũng khẳng định: "Dự án Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu vô cùng có ý nghĩa và tầm quan trọng thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa". 

Học tập Bác Hồ bằng việc làm cụ thể

Trò chuyện với tôi về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông Dân khẳng định: "Ðể có được kết quả đáng mừng như ngày hôm nay, tôi luôn suy nghĩ: Nếu không có Ðảng, không có Bác Hồ thì làm sao có được cuộc sống tốt đẹp như vậy. Tôi luôn tâm niệm và học tập điều Bác Hồ đã dạy, không có cái gì dễ, mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì mới thắng lợi... Bác Hồ còn dạy, muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao"...

Ông  Dân cho rằng: Ðây là bài học về nghị lực, can đảm, quyết tâm cao trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh, bài học bền chí, nhẫn nại,   trong gian lao hằng ngày thì mới có thể thành công...

Mặc dù có điều kiện kinh tế, nhưng  ông luôn sống giản dị, ăn mặc, đi xe ô-tô loại bình thường, không sắm "siêu xe" như một số "đại gia" khác. Ông tiết kiệm chi tiêu, dành tiền chăm lo các gia đình chính sách, giúp đỡ hộ nghèo, đóng góp rất tích cực vào Quỹ an sinh xã hội của địa phương. Từ nhiều năm nay, mỗi năm ông đã ủng hộ hàng tỷ đồng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ an sinh xã hội hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Ông cho đó cũng là những việc làm cụ thể, thiết thực về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ, ông Dân chia sẻ: "Ba năm qua, bản thân tôi ngày đêm vắt óc suy nghĩ, tìm tòi, dồn hết trí tuệ, sức lực cho dự án đặc biệt quan trọng này.  Tôi luôn ý thức rằng, người đứng đầu đơn vị nếu không có bản lĩnh và trí tuệ; không lãnh đạo, quản lý tốt; không phát huy được trí tuệ của tập thể; không dựa vào khoa học-công nghệ; không được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp, các ngành Trung ương, địa phương và nhân dân thì dự án Nhà máy Ðiện gió Bạc Liêu không thể thành công tốt đẹp như ngày hôm nay. Và nếu tôi là người ngại khó, ngại khổ, lo hưởng thụ thì tôi đã dùng số vốn sẵn có của mình gửi vào ngân hàng, lấy lãi ăn suốt đời. Nhưng, vì các thế hệ con cháu, vì quê hương, đất nước, vì cộng đồng nên tôi đã ngày đêm không quản vất vả, khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm hết mình để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp...".

Tin liên quan

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là do bản lĩnh chính trị thiếu kiên định, thiếu vững vàng. Do đó, để cuộc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cần tăng cường giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân, ngọn cờ chỉ đường chiến thắng của quân và dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước

Tư tưởng chiến tranh nhân dân là một bộ phận trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày 15/5/2007, tại Hà Nội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp Viện Khoa học Xã hội nhân văn Quân sự (Bộ Quốc phòng) tổ chức Hội thảo khoa học: "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam", nhân kỷ niệm 50 năm bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh huấn cán bộ trung, cao cấp, Bộ Quốc phòng về xây dựng Quân đội từng bước tiến lên chính quy và hiện đại (5/1957 - 5/2007) và kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.