Người "thắp lửa nhân ái" ở Hà Giang

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI

Thứ Tư, 20/02/2013 18:07
Khi còn là sinh viên, Vũ Mạnh Hà có hơn một tháng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc" với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ba xã đặc biệt khó khăn là Sính Lủng, Sủng Là và Sà Phìn của huyện biên giới Ðồng Văn (Hà Giang). Anh thấm thía một điều: Làm nghề thầy thuốc mà không nghĩ đến những số phận nghèo thì hai chữ "lương y" đâu còn thánh thiện!
Bác sĩ Vũ Mạnh Hà khám bệnh cho đồng bào dân tộc Mông tại Bệnh viện đa khoa huyện biên giới Xín Mần.
Bác sĩ Vũ Mạnh Hà khám bệnh cho đồng bào dân tộc Mông tại Bệnh viện đa khoa huyện biên giới Xín Mần.

Nối tiếp truyền thống gia đình

Kể từ ngày đầu khoác chiếc áo xanh tình nguyện, đến nay, Vũ Mạnh Hà đã gắn bó với phong trào Mùa hè tình nguyện 13 năm. Hà nói với tôi rằng, anh đến với phong trào tình nguyện một phần vì muốn được trải nghiệm, dấn thân như bao bạn sinh viên khác, nhưng một phần là muốn nối tiếp truyền thống của gia đình.

Năm 1963, bố mẹ Hà rời quê hương Nam Ðịnh, tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) ngược lên tỉnh miền núi Hà Giang "khai sơn, phá thạch" làm con đường Hạnh Phúc từ Ðồng Văn sang Mèo Vạc.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Vạt, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, dù không chịu cảnh nhọc nhằn, khó khăn như các bạn cùng trang lứa ở vùng cao, nhưng nỗi khó khăn của mẹ, cảnh vất vả của cha trong những tháng năm bao cấp đã hằn sâu vào ký ức tuổi thơ của Hà.

Năm 2000, lần đầu tham gia mùa hè tình nguyện giúp dân ở huyện Ðồng Văn, Hà không bao giờ quên hình ảnh những người dân ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Ðồng Văn không những chịu cảnh đói ăn, mà còn bị bệnh tật hành hạ rất khổ sở. Từ chuyến đi tình nguyện đó, Hà càng tự nhủ phải quyết tâm học hành đến nơi đến chốn để sau khi ra trường trở lại quê hương công tác với mong muốn là làm được một việc gì đó thật thiết thực để giúp đỡ những người dân nghèo ở Hà Giang bớt cơ cực hơn.

Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, tháng 11-2003, Hà về công tác tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hà Giang. Chỉ ba tháng sau đó, anh đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ phục vụ đoàn công tác phân giới cắm mốc trên dọc tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc của tỉnh Hà Giang.

Suốt hai năm ròng rã công tác ở địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn, cùng với việc chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong đoàn công tác, anh đã tranh thủ thời gian đến các thôn, bản biên giới để vừa tìm hiểu những bệnh tật thường gặp của bà con dân tộc thiểu số, vừa trực tiếp cùng các nhân viên y tế thôn, bản vận động, tuyên truyền và hướng dẫn đồng bào cách ăn ở hợp vệ sinh, biết chăm sóc sức khỏe bản thân để chủ động ngăn ngừa, phòng, chống bệnh tật.

Tận mắt chứng kiến nhiều người cao tuổi quanh năm suốt tháng lam lũ, đến cuối đời lại chịu cảnh mù lòa, bác sĩ trẻ Vũ Mạnh Hà không khỏi chạnh lòng, day dứt. Nhưng ở thời điểm đó, các tuyến bệnh viện trong tỉnh Hà Giang chưa có điều kiện cũng như chưa đủ trình độ, trang bị kỹ thuật cần thiết để giúp người dân nghèo có khả năng khám, chữa bệnh  một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.

Tiếp thu thành tựu y học mới để phục vụ dân nghèo

Sau ba năm công tác, được sự động viên của Ban Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh và bằng nỗ lực cá nhân, năm 2006, Hà đã dự thi cao học và đỗ thủ khoa chuyên ngành mắt. Hà tâm sự rằng, với người thầy thuốc, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Ðiều anh ấp ủ từ lâu là được tiếp cận với những tiến bộ, thành tựu y khoa mới để về phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân hiệu quả hơn.

Quá trình học cao học, bác sĩ trẻ Vũ Mạnh Hà đã trực tiếp được học hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm từ các bác sĩ chuyên khoa ở Bệnh viện Mắt Trung ương và một số bác sĩ Israel về phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp pha-cô. Ðây là một phương pháp tân tiến, phẫu thuật ít đau, ít tốn kém và giúp phục hồi thị lực nhanh chóng cho người bệnh, nhưng chưa được triển khai nhiều ở các tỉnh miền núi biên giới như Hà Giang. Năm 2008, sau khi được chuyển giao tiến bộ y học mới, lần đầu, bác sĩ Vũ Mạnh Hà cùng đồng nghiệp đã thực hiện suôn sẻ ca phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp pha-cô tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hà Giang. Ðây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của ngành y tế Hà Giang và mở ra nhiều cơ hội, triển vọng lớn lao cho những bệnh nhân nghèo trong tỉnh.

Sau thành công này, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Hà đã được bổ nhiệm Trưởng khoa Mắt khi mới 29 tuổi và là Trưởng khoa trẻ tuổi nhất của bệnh viện.

Trên cương vị mới nhưng Hà vẫn một lòng đau đáu vì những người già bị mù mắt mà anh đã từng gặp ở các huyện biên giới xa xôi. Vì vậy, ngoài những ca mổ tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh, bác sĩ Vũ Mạnh Hà đã chủ động lập kế hoạch và đề xuất với Ban Giám đốc Bệnh viện tổ chức những chuyến "hành quân dã ngoại" trực tiếp đến các xã vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn để khám, tư vấn sức khỏe, chữa bệnh và mổ đục thủy tinh thể cho những bệnh nhân nghèo.

Ðể tạo thêm nguồn lực, sức mạnh và nhân lên ý nghĩa của việc làm nhân văn này, năm 2009, anh đã đứng ra thành lập "Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang", quy tụ được gần 300 y, bác sĩ trẻ trong toàn tỉnh tham gia. Dù kinh tế gia đình chưa hết khó khăn, song Hà vẫn tự nguyện trích một phần lương của mình và kêu gọi, vận động các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh quyên góp, ủng hộ kinh phí để Câu lạc bộ có Quỹ hoạt động.

Chỉ tính hai năm qua (2011-2012), bác sĩ Vũ Mạnh Hà đã trực tiếp tổ chức 22 đợt khám mổ mắt cho hơn 8.000 bệnh nhân tại các huyện nghèo trong tỉnh, trong đó gần 1.800 bệnh nhân nghèo được mổ miễn phí bằng phương pháp pha-cô. Mỗi bệnh nhân còn được hỗ trợ thêm 300 nghìn đồng để trả chi phí đi lại, ăn ở trong thời gian mổ mắt.

Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng

Từ khi đảm nhiệm vai trò Trưởng khoa Mắt, bác sĩ Vũ Mạnh Hà càng có điều kiện tham gia các hoạt động y tế nhân đạo và các phong trào vì cộng đồng. Dấu chân tình nguyện của anh đã đến hầu khắp các cung đường rẻo cao, các tuyến biên cương nơi địa đầu Tổ quốc như Ðồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Yên Minh...

Chia sẻ với tôi về những việc làm của mình, Hà tâm sự: Những người nghèo phải lao động vất vả lắm mới đáp ứng nhu cầu tối thiểu như cơm ăn, áo mặc hằng ngày thì họ đâu có tiền để tích lũy. Nếu khỏe mạnh bình thường thì không sao, nhưng chẳng may gia đình có người đau ốm hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì họ đành phải nuốt nước mắt vào trong nhìn người thân của mình ngày một suy yếu rồi ra đi trong đớn đau bệnh tật vì không có tiền chạy chữa.

Nhưng tôi biết, nếu chỉ dựa vào sức mình thì sẽ không tạo ra được hiệu quả lớn, nên tôi đã đi vận động các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm góp sức, góp của để tổ chức nhiều chuyến "Hành trình nhân ái vì sức khỏe cộng đồng". Thiết nghĩ, làm được một việc dù nhỏ, nhưng để những người nghèo bớt đau khổ và những người mù tìm lại được ánh sáng là cảm thấy công sức của mình không uổng phí. 

Những việc làm ý nghĩa của anh đã được Thầy thuốc Ưu tú Hoàng Tiến Việt, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Hà Giang ghi nhận: "Gần mười năm qua, dù có trình độ chuyên môn giỏi, song bác sĩ Vũ Mạnh Hà vẫn tự nguyện gác lại mưu cầu lợi lộc cho bản thân, hy sinh một phần hạnh phúc riêng tư, một lòng đồng hành, gắn bó với việc khám, chữa bệnh cho người dân địa phương".

Còn đồng chí Vương Ngọc Hà, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Giang cho biết: "Bằng tấm lòng, trình độ của mình, bác sĩ Hà không chỉ góp phần mang lại ánh sáng cho hàng nghìn bà con nghèo, mà anh đã cùng "Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ tỉnh Hà Giang" làm được nhiều việc nhân đạo, từ thiện xã hội rất thiết thực, để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng. Anh là một trong những tình nguyện viên có công thắp sáng và thường xuyên duy trì "ngọn lửa nhân ái" sưởi ấm bao số phận kém may mắn ở tỉnh Hà Giang".

Tin liên quan

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Noi gương Bác bằng những việc làm cụ thể

Ở Cà Mau, việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị tuy mỗi nơi có cách làm khác nhau, nhưng những việc làm tốt, những cách làm cụ thể, thiết thực đã cổ vũ và động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân hăng hái hơn trong thi đua, lao động sản xuất, chung tay vì sự phát triển và đi lên của địa phương.
“Điểm tựa” của buôn làng

“Điểm tựa” của buôn làng

Không chỉ sản xuất giỏi, già làng Srôi ở làng Đắk Trôk, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang (Gia Lai) còn là “điểm tựa” tinh thần vững chắc của đồng bào dân tộc Ba Na tại địa phương. Tận tâm, nhiệt huyết với công việc, ông Srôi luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, kiên trì vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giữ gìn văn hóa truyền thống và sự bình yên cho buôn, làng.
Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Để học tập và làm theo Bác trở thành nền nếp

Trong ba năm qua, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đổi mới thông qua việc làm cụ thể, gắn với trách nhiệm từng cá nhân, tập thể theo hướng rèn giũa vào nền nếp đã giúp việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW trong tỉnh chuyển biến tích cực.